MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK nhận định thị trường 23/12: Câu chuyện cổ tích có thể xảy ra vào cuối phiên?

Thị trường chung chưa tích cực nhưng những “mặt hàng” mới thì vẫn dành được sự quan tâm từ nhà đầu tư.

CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS

VNM tiếp tục bị bán mạnh và là cổ phiếu tác động mạnh đến thị trường trong số nhóm LargeCap. Mặc dù khối ngoại bán không quá lớn, nhưng với đà này, VNM có thể rơi về vùng 110.000 đồng nếu như mức giá 123.000 không duy trì được.

Tác động này khiến cho những nỗ lực của nhóm thép không thể duy trì, bởi áp lực tâm lý đến từ nhà đầu tư khi thị trường chung suy giảm. Tuy nhiên, nhóm thép như HPG, HSG... sẽ nỗ lực kéo giá lần nữa vào phiên 23/12, nhưng không thành công và điều chỉnh trở lại sau đó.

Điểm đáng lưu tâm gần đây là thanh khoản của thị trường ngày càng giảm sút, thấp hơn mức trung bình khá nhiều. Phiên 22/12, thanh khoản giảm nhẹ khi giá trị giao dịch chỉ hơn 1.760 tỷ (giảm 3,8%) cho thấy, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Tuy nhiên, bất ngờ luôn diễn ra, giống như cái cách mà thị trường tạo ra phiên 21/12.

Theo đó, phiên 23/12, thị trường chung cố gắng trong phần đầu phiên, nhưng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, có thể đoạn cuối sẽ lại là câu chuyện cổ tích diễn ra, có nghĩa là thị trường có thể bất ngờ tăng trở lại, tạo ra tín hiệu vui.

CTCK Maritime – MSI

VN-Index giảm điểm cùng với sắc đỏ trên 2 sàn giao dịch, khi mà đa số các cổ phiếu đồng loạt giảm điểm. Các chỉ số giao dịch hàng hóa thế giới như cao su, thép, dầu... đều giảm cũng tác động đến sự phục hồi của các mã cổ phiếu nhóm ngành thép, cao su tự nhiên, dầu khí.

Theo đó, thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh, bao gồm các phiên tăng giảm đan xen hơn là có thể bứt phá sớm. Cụ thể, VN-Index có thể hồi phục trở lại quanh vùng 665-670 điểm trong phiên 23/12, khi mà các nhóm cổ phiếu cơ bản tăng điểm trở lại. Các nhà đầu tư vẫn nên hạn chế giao dịch ngắn hạn, chiến lược mua gom và nắm giữ cổ phiếu chu kỳ trong tháng 12 và tháng 1/2017 vẫn được đề cao.

CTCK VCBS

Kịch bản phân hóa diễn ra tại nhóm vốn hóa lớn, xu hướng suy giảm hiện diễn rõ nét tại một số nhóm ngành vốn hóa trung bình và nhỏ như Thép, Chứng khoán, Mía đường, Cao su, …. Tại nhóm Thép, sau phiên bứt phá hôm qua, trong khi HPG và HSG chỉ giữ được sắc xanh nhẹ trước lực cung lớn tại vùng giá cao, các cổ phiếu còn lại đều đón nhận áp lực điều chỉnh.

Lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng trong giai đoạn này tăng từ 0,2- 0,4% ở nhiều kỳ hạn. Chúng tôi cho rằng việc tăng lãi suất là không tránh khỏi khi (1) thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng thẳng hơn vào thời điểm cuối năm do nhu cầu rút tiền của người dân và doanh nghiệp tăng cao; (2) áp lực tỷ giá nóng lên khiến các ngân hàng nâng lãi suất nhằm đảm bảo tính hấp dẫn tiền đồng; (3) Thời hạn áp dụng Thông tư 06/2016/TT_NHNN (với các điều khoản siết chặt hơn các tỷ lệ an toàn thanh khoản như cho vay trên huy động, tỷ lệ cho vay dài hạn trên vốn ngắn hạn…) đang đến gần (1/1/2017). Trong bối cảnh NHNN vẫn đang duy trì mục tiêu lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, việc tăng lãi suất huy động sẽ làm tăng thêm chi phí vốn và thu hẹp biên lợi nhuận các ngân hàng này nói chung. Theo đó, nếu việc tăng huy động tại các ngân hàng này tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, không loại trừ khả năng lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn cũng chịu áp lực tăng theo, từ đó, áp lực lên lợi nhuận toàn ngành.

Nỗ lực hồi phục trong phiên giao dịch hôm qua không còn được duy trì, tiếp tục khẳng định và cho thấy rõ xu hướng chung của thị trường vẫn chưa có chuyển biến. Với những diễn biến giằng co trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi cho rằng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận khá mỏng và chỉ phù hợp với số ít nhà đầu tư với chiến lược giao dịch ngắn hạn T+. Đối với số đông nhà đầu tư, chúng tôi duy trì khuyến nghị giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục và chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng chung.

CTCK VDSC

Thị trường chung chưa tích cực nhưng những “mặt hàng” mới thì vẫn dành được sự quan tâm từ nhà đầu tư. Tổng công ty Viglacera (VGC) hôm nay đã chính thức niêm yết trên sàn HNX và tăng 400đ trong ngày đầu chuyển sàn. Các cổ phiếu gạch men khác như VIT, TCR, cũng có dịp tăng nhẹ. Ngày 28/12 tới đây, một cổ phiếu đang rất được chờ đợi là Novaland cũng sẽ niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán NVL. Với giá tham chiếu là 50.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của Novaland rơi vào khoảng 29.500 tỷ đồng, lớn thứ hai trong số các công ty BĐS trên sàn chỉ sau VIC. Hiện tại trên thị trường OTC, cổ phiếu này đang được chào bán quanh mức giá từ 58.000 - 62.000 đồng.

Như vậy sau phiên hồi phục hôm qua, thị trường lại quay đầu giảm điểm dù không nhiều. Vn-Index vẫn đang vận động quanh vùng 655-680 điểm nhưng có thể thấy nhiều cổ phiếu hiện đang giao dịch ở vùng giá thấp. Nhà đầu tư muốn giải ngân có thể quan sát thêm trong trường hợp các cổ phiếu này có tín hiệu tạo đáy.

Nhật Sự

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên