CTCK nhận định thị trường 30/11: Chiến lược mua và nắm giữ vẫn sẽ được ưu tiên
Với nhiều tín hiệu tích cực, thị trường vẫn đang trong đà phát triển mạnh, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tại những mã cổ phiếu cơ bản tốt đang thu hút được dòng tiền.
- 30-11-2017Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 30/11
- 30-11-2017Nhận nhiều ý kiến trái chiều về mức giá “trên trời” cho Sabeco, nhưng Bộ Công thương vẫn có lý do để tự tin cho quyết định này
- 29-11-2017DXG, KPF, PVD, CMG, ST8, HDG, ATG, VNG: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu
CTCK VCBS
Tâm điểm thị trường thuộc về bộ đôi cổ phiếu Bia SAB và BHN khi sáng hôm qua, Bộ Công thương đã công bố giá bán khởi điểm tại cổ phiếu SAB là 320.000 đồng/cổ phiếu. Trong đợt chào bán lần này, 343.662.587 cổ phần, tương ứng 53,59% vốn điều lệ của SAB sẽ được chào bán. Như vậy, nếu quá trình thoái vốn thành công, Bộ Công thương sẽ thu về tối thiểu 110 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD). Trong đó, số lượng tối đa nhà đầu tư được mua là 38,59%. Giá cổ phiếu SAB đã có giai đoạn tăng trần sau thông tin trên và là yếu tố dẫn dắt chỉ số trong suốt phiên hôm nay. Có thể thấy rõ nhà đầu tư đã và đang đặt rất nhiều kỳ vọng tại các nhóm cổ phiếu có câu chuyện cá biệt nổi bật là nhóm liên quan đến hoạt động thoái vốn Nhà nước như BMP, NTP, VCG hay FPT,….
Đối với phần còn lại của thị trường, đà tăng chỉ thực sự được nới rộng trong phiên chiều. Cụ thể, sắc xanh đã lan tỏa khá tốt với trụ cột là nhóm Ngân hàng. Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu bluechip cũng tăng khá như PLX, VJC, BVH, MWG,… cũng đóng góp vào đà tăng của chỉ số. Ở chiều ngược lại, ROS là cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số khi chịu áp lực bán ròng lớn từ khối ngoại. Xét theo nhóm vốn hóa, nhóm vốn hóa lớn đã lấy lại vai trò dẫn dắt với các đại diện như SAB, CTG, VCB, BVH,… Tuy nhiên, dòng tiền tại nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ vẫn được duy trì khá tốt. Nếu so sánh mặt bằng giá cuối tháng trước, phần đông các cổ phiếu đều đã có mức tăng trưởng đáng kể.
Cả hai chỉ số cùng bật tăng mạnh trong phiên hôm qua dưới sự dẫn dắt của các bluechip. Thanh khoản liên tục được giữ ở mức cao cho thấy giao dịch trên thị trường trong giai đoạn này khá sôi động trước các câu chuyện như thoái vốn, sáp nhập, … của nhiều danh nghiệp. Đối với nhà đầu tư, chiến lược mua và nắm giữ vẫn sẽ được ưu tiên khi chúng tôi chưa nhận thấy yếu tố đáng kể nào có thể gây xáo trộn lên xu hướng tăng chung của chỉ số.
CTCK BSC
Dù giao dịch còn e dè khi mở cửa phiên giao dịch nhưng thị trường đã nhanh chóng lấy lại được đà tăng điểm. Cụ thể, nhóm được chú ý hơn cả là nhóm các cổ phiếu thuộc diện thoái vốn như SAB, VCG, DIG, NTP, BMP, bên cạnh đó là các cổ phiếu vốn hóa lớn, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành Ngân hàng và Chứng khoán đã đồng loạt tăng mạnh và khối lượng giao dịch lớn. VN-Index đã bứt phá thành công mức 950 điểm, đi kèm với đó là thanh khoản cũng như độ rộng thị trường vẫn tiếp tục được duy trì ở mức cao cho thấy nhiều tiềm năng của thị trường.
Với nhiều tín hiệu tích cực như vậy, BSC nhận định thị trường vẫn đang trong đà phát triển mạnh, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tại những mã cổ phiếu cơ bản tốt đang thu hút được dòng tiền.
CTCK MBS
Về mặt kỹ thuật, dòng tiền chảy mạnh giúp nhóm cổ phiếu có thông tin thoái vốn, nhóm cổ phiếu tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm giúp kéo các chỉ số của thị trường lên mức cao nhất trong ngày, trong đó VN-Index chính thức vượt ngưỡng kháng cự 950 điểm. Trong phiên giao dịch tới, các chỉ số có thể tiếp tục tăng điểm để kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự cao hơn tương ứng vùng 955-960 điểm với VN-Index và 114-115 điểm với HNX-Index. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư duy trì danh mục hiện tại nhằm tận dụng đà tăng điểm của thị trường, đồng thời quan sát diễn biến thị trường tại các ngưỡng kháng cự để có hành động phù hợp.
CTCK Rồng Việt
Thông tin về SAB ảnh hưởng tích cực lên các cổ phiếu bia còn lại trên sàn như BHN (+7%) HAT (+10%), WSB (+11%). Đầu giờ chiều, nhóm ngân hàng cũng bứt phá đưa VN-Index tăng 1,16%, đạt 952,14 điểm. Tổng giá trị giao dịch hôm nay đạt 5.535 tỷ đồng, không thay đổi lớn nếu bỏ qua khối lượng giao dịch “khủng” từ động thái thoái vốn của Bộ Xây Dựng tại DIG cuối phiên ngày hôm qua. Cổ phiếu này hôm qua tiếp tục bứt phá mạnh vượt ngưỡng 20.000 đồng.
Thị trường vẫn luôn sôi động trong những phiên mà nhóm ngân hàng có sự khởi sắc. Điều này vẫn còn có thể lặp lại trong thời gian tới khi mà chuyên viên ngành vẫn duy trì nhận định tích cực về tăng trưởng của lợi nhuận ngành trong năm tới dựa trên những thuận lợi về mặt vĩ mô.