MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK phải "xây kho" tối thiểu 50% lượng chứng quyền phát hành

Trong trường hợp không có giao dịch bên mua hoặc bên bán chứng quyền đảm bảo trên thị trường (Cover Warrant, CW), CTCK sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm tạo thanh khoản.

Sang tháng 4, những sản phẩm đầu tiên của Chứng quyền bảo đảm (CW) sẽ được các CTCK phát hành đến nhà đầu tư, đây là một trong các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới được trông đợi từ cuối năm 2017 nhưng phải chờ đến 2018 mới có thể chính thức đưa vào thị trường.

Ở thời điểm đầu tại Việt Nam, chứng quyền có đảm bảo sẽ là quyền mua, với tài sản cơ sở là cổ phiếu.

Theo đại diện của HOSE chia sẻ tại hội thảo Tổng quan về Chứng quyền có bảo đảm được tổ chức bởi CTCK BSC, sở dĩ CW chưa có quyền bán là vì thị trường Việt Nam chưa đủ công cụ.

CTCK phải xây kho tối thiểu 50% lượng chứng quyền phát hành - Ảnh 1.

CW quyền bán đòi hỏi CTCK phải thực hiện biện pháp phòng ngừa rủi ro (Hedging) bằng việc nghiệp vụ bán khống cổ phiếu, trong khi ở Việt Nam chưa cho phép việc này.

Đối với quyền mua, theo thông tư 107/2016, tổ chức phát hành phải ký quỹ bảo đảm thanh toán với giá trị tài sản tối thiểu là 50% giá trị chứng quyền chào bán, do đó, CTCK sẽ cần mua vào lượng cổ phiếu cơ sở tối thiểu là 50% tổng giá trị CW phát hành.

Cơ sở Hedging được các CTCK được xác định trên hệ số Delta (=0,5), dựa trên biến động của giá trị cổ phiếu cơ sở và thay đổi của chỉ số Delta, CTCK sẽ thực hiện hoạt động mua vào và bán ra cổ phiếu cơ sở nhằm đảm bảo mức Delta ban đầu. Vì vậy, theo BSC về lý thuyết CTCK chịu rất ít rủi ro.

Tại ngày đáo hạn, CTCK sẽ thanh toán cho nhà đầu tư dưới dạng tiền mặt theo chênh lệch giá, điều này giúp giảm thiểu rủi ro, chi phí mà NĐT phải nhận về chứng khoán cơ sở.

Nếu giá thanh toán cao hơn mức giá thực hiện đã ấn định thì NĐT sẽ được nhận lại bằng tiền phần chênh lệch giữa hai mức giá này. Việc thanh toán tại ngày đáo hạn bằng tiền. Ngược lại, giá thanh toán CW thấp hơn mức giá thực hiện thì CW không có giá trị và phần thua lỗ của NĐT chỉ là mức quyền phí đã mua ban đầu.

Hiện nay, có 5 CTCK được phép phát hành CW là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI), CTCP HSC (HOSE: HCM), CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) và CTCP Chứng khoán Bản Việt (HOSE: VCI) và Chứng khoán MB (HNX: MBS), dựa trên 23 cổ phiếu cơ sở được UBCK cho phép.

Xem thêm: Danh sách 23 cổ phiếu được làm cổ phiếu cơ sở để phát hành chứng quyền

Về lý thuyết, mỗi CTCK có thể phát hành CW với mức phí khác nhau, ngay cả với CW dựa trên cùng một cổ phiếu cơ sở và cùng thông số. Bởi mức phí này được CTCK xây dựng dựa trên dự báo tăng trưởng của cổ phiếu cơ sở và chi phí để có thể phát hành một chứng quyền.

Theo đại diện của HOSE, mức giá của CW là hoàn toàn tùy vào quyết định của CTCK và luật không có hạn chế.

Tuy nhiên, xét theo tính thị trường, mức phí CW của một mã cổ phiếu cơ sở mà CTCK phát hành sẽ không chênh lệch nhau quá nhiều. “Nhà đầu tư sẽ lựa chọn đơn vị cung cấp mức phí rẻ hơn, vì thế các CTCK cũng cần suy nghĩ đến mức giá cạnh tranh để thu hút” đại diện HOSE cho biết.

Mức phí CW tại Việt Nam hiện nay tối thiểu là 1.000 đồng/CW và không cần ký quỹ, vì vậy nhà đầu tư có thể bỏ ra số tiền không quá lớn để tham gia vào thị trường.

Một vấn đề được khác được nhà đầu tư quan tâm là thanh khoản của CW trên thị trường giao dịch tập trung. Đây là một rủi ro chung trên cả thị trường cổ phiếu cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh.

Tuy nhiên, trên thị trường CW rủi ro này có thể bớt lo ngại hơn vì các CTCK có nghĩa vụ phải tạo thanh khoản cho thị trường.

Cụ thể, theo đại diện của HOSE, trong thời gian nhất định, không có bên mua hoặc bên bán CW, CTCK sẽ đóng vai trò tạo cung cầu trên thị trường, tuy nhiên các đơn vị này được cho phép đặt mức giá chênh giới hạn dưới 5% mức tham chiếu của CW và lượng đặt mua/bán tối thiểu là 100CW.

Do đó, trên thực tế vẫn tồn tại rủi ro nhà đầu tư không thể thực hiện hết giao dịch CW mong muốn. Cũng cần lưu ý trường hợp ngoại lệ là, trong vòng 14 ngày trước thời điểm đáo hạn CW, CTCK được miễn trừ trách nhiệm của tổ chức phát hành, không đặt lệnh mua/bán nếu như xảy ra mất thanh khoản.

Đối với trường hợp, cổ phiếu cơ sở bị hủy niêm yết, thì CW của CTCK cũng sẽ bị hủy và giá CW sẽ tính tại thời điểm hủy. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng có thể yên tâm bởi lộ trình hủy CW sẽ đi theo lộ trình hủy của cổ phiếu và được thông báo cụ thể (cổ phiếu bị cảnh báo, đưa vào diện kiểm soát, không được giao dịch, bị hủy niêm yết…).

Với sản phẩm mới chứng quyền có đảm bảo, CTCK và Sở kỳ vọng sẽ hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư nhờ chi phí giao dịch thấp và có thể giới hạn mức lỗ ngay từ thời điểm đầu tư (bằng mức phí mua CW). Đồng thời, nhà đầu tư cũng nhận được phần nào sự đảm bảo về thanh khoản CW trên thị trường từ chính các tổ chức phát hành là các CTCK.

Theo Lê Hải

NDH

Trở lên trên