Cứ 100 thanh niên có 12 người thất nghiệp
Trong quý I/2023, cứ 100 thanh niên sẽ có 10 người thất nghiệp. Con số này đã tăng lên 12 người vào quý III năm nay.
- 30-09-2023Kinh tế 9 tháng: Vượt qua những 'vùng xoáy'
- 30-09-2023Khẩn trương khắc phục tồn tại, bảo đảm tiến độ Dự án Cảng hàng không Long Thành
- 30-09-20239 tháng Việt Nam thu hơn 26.000 tỷ đồng từ khách quốc tế
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong quý III/2023, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi là 7,86%, tăng 0,45 điểm % so với quý trước và giảm 0,16 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có hơn 1,5 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 12,1% tổng số thanh niên). Như vậy, cứ 100 thanh niên sẽ có 12 người thất nghiệp.
Số lượng thất nghiệp ở người trẻ tăng 95.500 người so với quý trước và giảm 81.200 người so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng đầu năm, khoảng 434.300 thanh niên thất nghiệp, chiếm 40% tổng số người thất nghiệp.
Tính chung so với quý trước, thất nghiệp quý III tăng về số lượng và không thay đổi về tỷ lệ. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo thấp hơn so với năm trước, do sức cầu tại các nền kinh tế phát triển đang yếu đi và tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc, các doanh nghiệp và thị trường lao động Việt Nam chịu ảnh hưởng bất lợi từ khó khăn của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, do đặc trưng của thị trường lao động Việt Nam có tỷ lệ phi chính thức cao nên mặc dù có một số doanh nghiệp cắt giảm hoặc giãn, hoãn lao động nhưng thất nghiệp chung biến động không nhiều so với quý trước. Tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp trong độ tuổi lao động không thay đổi so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt trong quý này.
Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 khoảng 1,08 triệu người, tăng 6.300 người so với quý trước và tăng 22.100 người so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng năm 2023, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,07 triệu người (chiếm 2,28%), giảm 13.700 người so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong quý III, 118.400 lao động bị mất việc, giảm 99.400 người so với quý trước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước; tập trung ở lao động thuộc ngành dệt may, da giày thuộc tỉnh Bình Dương và TP HCM.
Thu nhập bình quân quý III/2023 là 7,1 triệu đồng; 9 tháng đầu năm khoảng 7 triệu đồng/người, mức này tăng 6,8%, tương ứng tăng 451.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lao động trẻ không được sử dụng hết tiềm năng
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn thị trường biến động do đại dịch Covid-19 (từ quý I/2020 đến quý II/2022), tỷ lệ này thay đổi liên tục, trong đó đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III/2021. Bắt đầu từ quý III năm 2023, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng dao động nhẹ và giữ mức 4,2% (hơn 2,2 triệu người).
Đáng chú ý, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (51,7%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (33,2%) . Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ. Tuy nhiên, số lao động không sử dụng hết tiềm năng đã giảm gần 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,3 triệu người (4,3%) trong 9 tháng đầu năm.
Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 diễn ra hồi tháng 5 cũng đã thông tin về cơ cấu lao động thanh niên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ (chiếm 69,2%)… và 2/3 lao động đi làm việc tại nước ngoài, tập trung tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24 tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam . Số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia đã kiến nghị về việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động hiện nay. “Với tình trạng giảm giờ làm, giảm thu nhập, mất việc làm rất cao hiện nay, thì cứu trợ, hỗ trợ cho lao động là rất quý. Nhưng điều quan trọng nhất, gốc giải quyết vấn đề là cần tạo công ăn việc làm cho lao động”, Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay.
Nhịp sống thị trường