MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứ 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người rời khỏi hệ thống

Cứ 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người rời khỏi hệ thống

Trong giai đoạn 2012 - 2020, mỗi năm bình quân có khoảng 700 nghìn người hưởng BHXH một lần dẫn đến số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ là gần 600 nghìn người, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.

Theo báo cáo Đánh giá tác động của chính sách Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực tiễn thực hiện Luật bảo hiểm xã hội cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Cụ thể, liên quan đến độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, hiện nay còn tồn tại 4 vấn đề.

Trước tiên, chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân; hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác nên diện bao phủ còn thấp.

Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32  triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.

Tính đến cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng. 

Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.

Thứ hai, BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, cả nước có hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 8 lần số lượng doanh nghiệp. Và theo số liệu cơ quan thuế quản lý thì cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế (hộ có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp). Tuy nhiên hiện nay nhóm này chưa thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; chỉ có rất ít chủ hộ kinh doanh cá thể hiện đang tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019 có khoảng 23 nghìn hợp tác xã hoạt động, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; trong đó có 1,2 triệu người lao động làm việc trong khu vực hợp tác xã. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan BHXH thì hiện nay mới có gần 7 nghìn hợp tác xã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho khoảng 41 nghìn người lao động.

Qua khảo sát tại một số địa phương, nhiều người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương có nguyện vọng tham gia BHXH bắt buộc.

Thứ ba, số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm.

Trong giai đoạn 2012 - 2020, mỗi năm bình quân có khoảng 700 nghìn người hưởng BHXH một lần dẫn đến số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ là gần 600 nghìn người; tức là cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người rời khỏi hệ thống.

Số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm đặt áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH và an toàn tài chính hưu trí cho người cao tuổi trong tương lai.

Thứ tư, chính sách BHXH cho khu vực phi chính thức mới giới hạn ở hai chế độ hưu trí và tử tuất, một thời gian dài không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước .

Như: chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật; chính sách giảm nghèo bền vững; chính sách tạo việc làm, hỗ trợ duy trì, chuyển đổi việc làm.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 mới bắt đầu có chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Vì vậy, để giải quyết những bất cập nêu trên, theo Bộ, việc đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên