Cú đấm của Will Smith và những bài học về giới hạn của con người
Dùng bạo lực để đáp trả không bao giờ là hành động được tán dương. Nhưng Will Smith cũng chỉ là con người. Và đã là con người, sẽ luôn có những giới hạn nhất định để họ đứng lên bảo vệ cho những gì họ coi là quan trọng trong đời.
- 28-03-2022Lý do Will Smith tát thẳng mặt đồng nghiệp trên sóng OSCAR: Hóa ra câu đùa vô duyên xoáy vào nỗi đau bệnh tật của vợ nam tài tử?
- 28-03-2022Diễn viên xúc phạm vợ Will Smith, bị tát thẳng mặt trên sân khấu Oscar danh tiếng cỡ nào?
- 28-03-2022Cú twist bất ngờ: Will Smith bị chỉ trích dữ dội vì tát đồng nghiệp trên sóng live Oscar để bảo vệ vợ, dư luận đổi chiều 180 độ
Người yêu bóng đá hẳn nhớ cách đây 16 năm, Zidane đi vào lịch sử bóng đá thế giới với cú húc đầu vào người Materazzi trong trận chung kết World Cup năm đó giữa Pháp và Ý. Nguyên nhân sau này được người trong cuộc kể lại, đó là bởi lời giễu nhại của Materazzi về chị gái của Zidane đã khiến đội trưởng đội tuyển Pháp không kìm được sự tức giận và bộc phát tức thì. Trận chung kết đó, Pháp đã đánh mất chức vô địch vào tay người Ý. Nhưng sau khi tiếng còi chung cuộc cất lên không lâu, Zidane cũng kiêu hãnh bước lên bục nhận giải thưởng Quả bóng vàng World Cup, dẫu cho hình ảnh cú “thiết đầu công” vẫn còn vẹn nguyên sự bàng hoàng. Và dù nguyên nhân dẫn đến cú húc đầu huyền thoại ấy đến từ sự khiêu khích quá lố của Materazzi, nhưng nó vẫn in dấu trong sự nghiệp mẫu mực của Zidane như vết nhơ về một lần anh đã không thể kiềm chế.
Ngày hôm nay trên sân khấu của thánh đường Dolby Theatre, cả thế giới lại một lần nữa chứng kiến một cơn bộc phát khi người thân bị đem ra làm trò cười cợt. Lần này, là Will Smith đã đích thân lên sân khấu tặng cho Chris Rock một cú đấm trời giáng khi vợ anh trở thành nhân vật chính trong một câu đùa vô duyên.
Will Smith đã dành cho Chris Rock cú tát trời giáng...
... sau khi vợ anh bị xúc phạm nghiêm trọng
Đã có những lời tán thưởng cú đấm của Will Smith giống như những lời tán thưởng cú húc đầu năm nào của Zidane. Nhưng ngay sau đó, cũng lại có những lời phản đối và coi đó là một hành vi trả đũa bạo lực không phù hợp trong bối cảnh một lễ trao giải danh giá, cũng lại giống như cách người ta nhận xét hành động của Zidane trong trận chung kết World Cup ấy là “phi thể thao”.
Dĩ nhiên, dùng bạo lực để đáp trả không bao giờ là hành động được tán dương. Có vô số những cách xử lý khác để không khiến hàng triệu người đang dõi theo màn hình trực tiếp cảm thấy họ được cổ xúy cho việc công khai trả đũa. Nhưng, Will Smith hay Zidane cũng chỉ là những con người. Và đã là con người, sẽ luôn có những giới hạn nhất định để họ đứng lên bảo vệ cho những gì họ coi là quan trọng trong đời. Với Zidane là chị gái, và với Will Smith, là vợ.
Giới hạn của những trò đùa
Một trong những lý do hàng đầu mà chúng ta đưa ra khi buông lời châm chọc một ai đó, đơn giản chỉ là: “Đùa thôi mà”.
Có một điều mà những kẻ hay đùa vô duyên buộc phải thừa nhận, đó là khi nói ra những câu đùa, là một phần bên trong họ ngầm thừa nhận những lời mình nói ra là đúng. Họ nhận thấy và tin vào điều đó, nuôi dưỡng suy nghĩ đó trong đầu, để rồi quyết định thốt ra nó như một sự khẳng định được giấu dưới vỏ bọc hài hước và vô thưởng vô phạt.
Đùa luôn được lấy ra làm lá chắn để bao biện cho mọi sự tấn công hướng về ai đấy. Đặt một câu hỏi vô thưởng vô phạt, chê một khuyết điểm trên ngoại hình, nói một lời ác ý có thể để lại sự tổn thương,... ta hoàn toàn có thể che đậy sự vô duyên đó của bản thân bằng việc cho đó là một câu đùa. Và đã là đùa, thì ai lại để bụng lẫn nhau, phải không?
Việc coi mọi lời châm trích như một trò đùa khiến “tội lỗi” của người nói ra chúng trở nên nhẹ nhàng. Họ không phải ăn năn về việc mình vừa tấn công người khác và có thể tự an ủi bản thân rằng mình hơi vô duyên. Họ có thể cười hề hề và bước đi nếu không phải nhận sự phản ứng gay gắt của đối phương, thậm chí nếu ai đó thể hiện sự khó chịu, họ hoàn toàn có thể cau mày mà nghĩ người kia thật nhạy cảm.
Nhưng điều đó không bao giờ khiến những câu đùa vô duyên bớt đi tính sát thương. Chỉ bởi vì bạn coi những câu đó là đùa vui, không có nghĩa những người là đối tượng của chúng - cũng phải cảm thấy vui. Chỉ bởi vì bạn nói đùa, không có nghĩa là người nghe chúng không được phép khó chịu. Chỉ bởi vì bạn nghĩ nó là vô thưởng vô phạt, không có nghĩa là người phải đón nhận chúng cũng phải coi nhẹ.
Hollywood nói riêng và ngành giải trí nói chung đã có một lịch sử dài đằng đẵng trong việc giễu nhại các nghệ sĩ trên sân khấu. Ellen Degeneres là một trong những host kỳ cựu bậc nhất của truyền hình Mỹ, thế nhưng bà cũng là một trong những người nhận nhiều chỉ trích nhất khi thường xuyên đùa kém duyên với những nghệ sĩ tham gia show của mình. Năm 2010, Ellen từng ép Mariah Carey uống rượu vang để chia sẻ thông tin nữ diva đang mang thai, dĩ nhiên là Mariah cực kỳ miễn cưỡng phải nhấp môi.
Năm 2013, Ellen cố tình “đào sâu” vào tình trường của Taylor Swift bằng cách hỏi về số lượng người yêu cũ của nữ ca sĩ, để rồi chốt hạ bằng màn chiếu slide những chàng trai cô từng hẹn hò lên giữa màn hình sân khấu. Taylor không chỉ thể hiện thái độ khó chịu, mà sau đó đã gần như phải gào lên và gần như bật khóc. Đến lúc này Ellen mới chịu “buông tha” và dừng trò đùa quá trớn của mình lại.
Mariah Carey và Taylor Swift...
... đều từng là nạn nhân của Ellen Degeneres
Paris Hilton cũng từng là một trường hợp bị công khai nhục mạ về việc đi tù trên show của David Letterman. MC kỳ cựu đã tập trung hỏi xoáy và chế nhạo việc Paris phải ngồi tù trong thời lượng chương trình của mình, dù trước đó Paris đã nhận lời tham gia chỉ với yêu cầu sẽ không ai nhắc về chuyện đó. Trong những đoạn ghi hình sau này, có thể thấy rõ gương mặt bối rối, sượng sùng và xấu hổ của Paris khi David Letterman liên tục châm chọc.
Paris Hilton chẳng hề vui vẻ trong show của David Letterman
Will Smith có thể ngồi mỉm cười một điệu cười giả trân và vỗ tay cho qua cái câu nói nhạt nhẽo của Chris Rock, thể hiện rằng anh không bận tâm và thông cảm với đồng nghiệp cho một lần vô duyên lỡ miệng. Nhưng hãy cứ nghĩ về những lần sau nữa và cả những người khác nữa, nếu không có một người đứng lên để nói rằng ai đó đã vượt quá giới hạn, thì cái giới hạn của sự vô duyên và ác ý ấy sẽ được nới rộng hơn nữa và không dừng lại. Ngày hôm nay có thể là đùa cợt về chứng rụng tóc của Jada Pinkett Smith, nhưng ngày mai thì có thể là về ngoại hình của một người khác nữa, hay một hoàn cảnh éo le mà ai đó không thể vượt qua? Nếu không ai đứng lên đặt ra giới hạn cho những trò đùa ác ý, thì sẽ lại có người phải im lặng, mỉm cười gượng gạo trong những bữa tiệc, chấp nhận những lời lẽ xúc phạm hướng về phía mình dù trong lòng cảm thấy thật sự tổn thương.
Những trò đùa không phải lúc nào cũng vui. Và khi nó không vui, bạn có quyền đứng lên để vạch ra một giới hạn rõ ràng cho bản thân mình.
Giới hạn của sự bảo vệ
Mọi chuyện trên đời đều có giới hạn của nó. Trò đùa có giới hạn của trò đùa, và sự trả đũa cũng có giới hạn của sự trả đũa.
Trong một cách giải quyết lý tưởng, Will Smith có thể đứng lên và công khai đòi Chris Rock một lời xin lỗi vì đã xúc phạm đến vợ anh. Tương tự như Zidane có thể phớt lờ Materazzi và tiếp tục trận đấu của mình. Vũ lực không bao giờ là chìa khóa giải quyết vấn đề và chắc chắn Will Smith sẽ tiếp tục phải nhận về rất nhiều sự phản đối với cú đấm ngày hôm nay. Nhưng mọi chuyện đều chỉ là “lý tưởng”, con người không phải là một thực thể hoàn hảo. Chúng ta đong đầy cảm xúc và đôi khi, ta không thể kiểm soát được những hành vi của mình khi giận dữ, nhất là khi sự tấn công hướng đến những người ta thương yêu.
Cú đấm của Will Smith rõ ràng là một hành động sai trái. Đứng trên phương diện một ngôi sao với hàng triệu người ngưỡng mộ, đây lại càng là một tấm gương không hay cho những người đang dõi theo anh. Nhưng, cú đấm ấy có thể được cảm thông bởi trước khi là một ngôi sao lớn, anh còn là một người chồng, một người cha. Và một người chồng, người cha sẽ nhận được sự tôn trọng thế nào khi phải ngồi đó và phải mỉm cười trước một trò đùa về vợ mình mà chính bản thân mình cũng chẳng hề thấy vui? Giới hạn sự chịu đựng của mỗi người là khác nhau. Và ngày hôm nay, khi giới hạn của Will Smith bị xâm phạm, anh đã giành lấy cơ hội để đứng lên và bảo vệ những gì mình coi là quan trọng.
Người ta có thể nhìn hành động của Will Smith một cách rất anh hùng, lãng mạn hóa nó như một cử chỉ mạnh mẽ của người đàn ông. Người ta cũng có thể coi đó là hành vi của một kẻ cục súc, coi nắm đấm là cách giải quyết cho mọi vấn đề. Tùy vào góc nhìn của mỗi người, sẽ lại có những cách lý giải và kết luận khác nhau cho cú đấm ấy. Cú đấm ấy vừa dạy cho chúng ta một bài học về việc vạch ra những ranh giới cho bản thân, vừa là bài học về cách ứng xử với một cơn giận.
Và dù, cú đấm ấy có phải là một tình tiết được sắp đặt trong kịch bản tinh vi của chương trình hay không. Thì hãy biết rằng, nó cũng đã “đấm” cho không ít người tỉnh lại bởi sự vô duyên quá trớn của bản thân có thể để lại sự tổn thương sâu sắc thế nào cho người khác.
Pháp luật và bạn đọc