Cư dân 'tố' nhiều ô đất trong Ciputra điều chỉnh 'chui'?
Sau chỉ đạo của Thủ tướng về thay đổi quy hoạch tại đây, cư dân phát hiện ra nhiều lần điều chỉnh khu đô thị, chủ đầu tư không được thông qua ý kiến cư dân.
Sau hơn 2 tháng gửi đơn kiến nghị về việc điều chỉnh khu đô thị Ciputra (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cư dân khu đô thị vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào từ phía lãnh đạo thành phố.
Mới đây, ngày 2/6 cư dân khu đô thị Ciputra tiếp tục gửi đơn kiến nghị cẩn cấp lần 2 đến Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và báo chí liên quan đến việc khu đô thị nhiều lần điều chỉnh quy hoạch.
Theo đơn kiến nghị của cư dân, trong đơn kiến nghị lần 1 gửi thành phố (tháng 4/2019), hàng trăm hộ dân sống tại đây đang rất bất bình trước đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của chủ đầu tư. Theo đó, tại một số ô đất chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng lên đến 20 tầng, tăng mật độ xây dựng.
Người dân cho rằng, chủ đầu tư là Cty TNHH đã lừa dối người mua nhà khi biến một khu đô thị hiện đại “đáng sống” nhất thủ đô thành một khu toàn nhà chọc trời. Hơn nữa việc điều chỉnh quy hoạch này là vì lợi ích nhóm của nhà đầu tư không phải vì lợi ích của người dân.
Với việc người dân phản đối quyết liệt việc điều chỉnh quy hoạch theo phương án đề xuất, ngày 9/5/2019, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long đã phải gửi văn bản đến Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề xuất giữ nguyên chức năng sử dụng đất của ô đất TM13.
Tại văn bản này, chủ đầu tư nêu rõ: “Đề xuất điều chỉnh quy hoạch của Chủ đầu tư đã không được cộng đồng dân cư ủng hộ nên để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, Chủ đầu tư đề nghị giữ nguyên chức năng sử dụng của ô đất TM13 là thương mãi hỗn hợp đã được phê duyệt quy hoạch...”.
Đây được coi là động thái tích cực của chủ đầu tư được nhiều cư dân đồng thuận. Tuy nhiên, cư dân tại Khu đô thị Ciputra cho rằng trong văn bản gửi Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội chỉ đề cập tới ô đất TM-13 và việc giữ nguyên chức năng sử dụng đất còn các vấn đề về số lượng công trình, tầng cao của ô đất và các ô đất khác chủ đầu tư hoàn toàn không đề cập đến.
Bà Trần Thị Xuyên, Tổ trưởng Tổ dân phố Ciputra cho biết: “Việc xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch lần này, cư dân lại phát lộ ra việc chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch nhiều ô đất mà không lấy ý kiến người dân và vẫn được cơ quan chức năng “hợp thức hoá””.
Theo bà Xuyên, tại văn bản 428 (ngày 23/1/2019) của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội gửi UBND Thành phố về việc Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long đề nghị điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất thuộc Khu đô thị Ciputra giai đoạn 2 cho biết trước đó có nhiều ô đất đã được điều chỉnh đều theo hướng tăng mật độ dân số có ô đất tăng tới gần 5.000 người.
Cụ thể, trong năm 2016, 2 ô đất đã được điều chỉnh gồm: ô đất I.A.20 được điều chỉnh tăng 1.810 người; ô đất I.A.25 tăng 629 người. Vấn đề người dân đặt ra là những lần điều chỉnh quy hoạch trên người dân không hề biết, hoàn toàn không được xin ý kiến.
“Chúng tôi cảm giác như bị lừa khi bỏ hàng chục tỷ mua nhà ở đây những mong hưởng tuổi già. Nhưng giờ toàn khu bị thay đổi mà cư dân không hề hay biết. Chúng tôi thắc mắc việc điều chỉnh này có vi phạm pháp luật hay không? Và những lần điều chỉnh này phục vụ lợi ích của ai trong khi người dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất không được thông qua”, bà Xuyên nói.
Theo bà Xuyên, ngoài lời hứa của Chủ tịch TP.Hà Nội trên báo Tiền Phong cho rằng không điều chỉnh quy hoạch nếu cư dân không đồng ý nhưng đến nay, cư dân vẫn chưa nhận được văn bản chính nào từ thành phố về những kiến nghị của cư dân.
Còn ông Đỗ Đức Du (15T6) cho rằng: “Chúng tôi khẳng định, nếu được lấy ý kiến việc điều chỉnh, 100% cư dân phản đổi bởi hiện mật độ xây dựng tại Hà Nội đã rất dầy đặc. Áp ực đề nặng lên hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị vốn đã yếu kém. Với phương án điều chỉnh quy hoạch mà chủ đầu tư trình lên, số dân đã tăng gấp đôi, gấp 3 quy hoạch cũ trong khi hạ tầng kỹ thuật không thay đổi sẽ làm ảnh hưởng nhiêm trọng đến điều kiện sinh sống của người dân”.
Ông Du nghi ngờ, do biết trước người dân không đồng ý nên chủ đầu tư đã không lấy ý kiến của người dân; các cơ quan chức năng và UBND TP.Hà Nội cũng bỏ qua ý kiến người dân. Hiện, chủ đầu tư cùng các chủ đầu tư thứ cấp đã hành thành việc xây dựng theo quy hoạch điều chỉnh, đã thực hiện bán hàng và thu lợi nhuận, hậu quả người dân phải gánh chịu. “Tôi mong Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra làm rõ việc điều chỉnh này có vi phạm pháp luật hay không?”, ông Du nói.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao Hà Nội làm rõ vấn đề quy hoạch tại Ciputra như báo Tiền Phong phản ánh bức xúc của cư dân.
Khi phóng viên lliên hệ với phía chủ đầu tư Ciputra, đại diện chủ đầu tư hứa sẽ có phản hồi lại sau.
Tiền phong