Cú đạp đổ tường VFF, cơn sốt bởi lứa Công Phượng & cảnh buồn ở Mỹ Đình sau 10 năm
Đúng ngày này 10 năm trước, tờ thông báo hết vé của VFF bị CĐV xé nát, còn bức tường bao quanh trụ sở cơ quan này đổ sập. Tất cả xuất phát bởi sức hút khủng khiếp từ U19 Việt Nam.
- 05-09-2024Công Phượng gây sốc với hình ảnh mới tại Nhật Bản: Bị dân tình chê mặt già đi, cơ bắp bị teo khác hẳn lúc ở Việt Nam
- 25-06-2024Với nghịch lý Công Phượng, Quang Hải & Đình Bắc, bóng đá Việt "rớt hạng" ở Đông Nam Á có gì ngạc nhiên!
- 08-04-2024Hoà Minzy phản ứng ra sao khi bị nói vì mình mà Công Phượng vắng mặt ở đám cưới Quang Hải?
CƠN SỐT VÉ VÀ BỨC TƯỜNG VFF BỊ ĐẠP ĐỔ
Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn nhắc lại câu chuyện năm ấy như một minh chứng trực quan nhất cho sự “hồi sinh” của bóng đá Việt Nam vào giai đoạn đó.
Sau những thất bại liên tiếp ở SEA Games 2011, 2013 và AFF Cup 2012, niềm tin của người hâm mộ với bóng đá Việt Nam gần như chạm đáy. Cấp độ ĐTQG và U23 là vậy, còn V.League thì khiến người ta ngán ngẩm với nghi án về một liên minh nào đó trong cuộc đua vô địch mùa 2012, rồi sau đó là những màn cãi vã, một đội bóng bỏ giải giữa chừng vào năm 2013. Tất cả khiến bầu không khí bóng đá Việt Nam khi ấy trở nên vô cùng ảm đạm.
Nhưng rồi sự xuất hiện của U19 Việt Nam với lứa cầu thủ tài năng đã tạo nên một cơn sốt, kéo khán giả quay trở lại các khán đài. Mọi thứ bắt đầu từ giải giao hữu trên sân Thống Nhất vào đầu năm 2014, và rồi đến tháng 9 năm đó tại Mỹ Đình, một cơn sốt vé kinh hoàng đã diễn ra.
Sáng ngày 12/9/2014, VFF dán thông báo trước trụ sở về việc đã bán hết vé xem trận chung kết giải U19 Đông Nam Á giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản. Thông tin này cũng đã được thông báo rõ trên website của VFF từ 18h30 tối hôm trước, tuy nhiên ngay trong đêm vẫn có hàng dài người xếp hàng trước trụ sở cơ quan này, mong mua được vé vào sân. Dù được bảo vệ thông báo đã hết vé, nhưng các CĐV đều không tin, nhất định không chịu ra về.
Và rồi đến sáng hôm sau, đoàn người bắt đầu mất kiểm soát. Họ hăm dọa bảo vệ, xé thông báo của VFF, chen lấn xô đẩy, cuối cùng quá khích đến mức đạp đổ bức tường bao quanh trụ sở cơ quan này. Trật tự chỉ được vãn hồi sau khi có sự tăng cường của lực lượng cảnh sát cơ động.
Sự khan hiếm của vé vào sân khiến giá vé “chợ đen” bị đẩy lên cao đến chóng mặt. Các loại vé mệnh giá 40.000 đồng, 70.000 đồng ở khán đài C, D cũng bị “hét” 1,5 triệu đồng/vé. Vé mệnh giá 100.000 đồng, vị trí đẹp được rao bán tới 5 triệu đồng/cặp. Tại sân vận động Mỹ Đình, vé khán đài B có giá 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/cặp.
Giá “chợ đen” cao đến vậy nhưng đến tối 13/9, sân Mỹ Đình không còn một chỗ trống. Sức hút của lứa Công Phượng, Xuân Trường… khiến các khán giả không ngần ngại mà móc hầu bao.
Đêm hôm ấy, U19 Việt Nam không thể đăng quang, nhưng bóng đá nước nhà thì thực sự thắng lớn. Đưa niềm tin của người hâm mộ trở lại, đó là điều giá trị nhất mà U19 Việt Nam đã làm được. Và rồi sau đó, dàn cầu thủ này cùng các lứa đàn anh, đàn em đã mang đến những men say ngất ngây chiến thắng trong giai đoạn đỉnh cao cùng HLV Park Hang-seo.
CẢNH BUỒN Ở MỸ ĐÌNH SAU 10 NĂM
Cảnh trống vắng ở sân Mỹ Đình hôm 10/9 vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ảnh hưởng mưa lụt của cơn bão Yagi khiến lượng số khán giả tới sân khi tuyển Việt Nam đấu Thái Lan ít chưa từng thấy. Tuy nhiên còn một lý do khác dẫn đến tình trạng này. Đó là niềm tin của người hâm mộ dành cho bóng đá nước nhà đang giảm sút thấy rõ.
Không phải chờ đến trận gặp Thái Lan những khán đài trống vắng trên mới xuất hiện. Những cuộc đọ sức với Nga hôm 5/9, gặp Philippines ở tháng 6, rồi trước đó là đấu Indonesia vào tháng 3, sân Mỹ Đình cũng không một lần nào được lấp đầy.
Điều này khác hoàn toàn so với cách đây ít năm, khi bất kỳ trận đấu nào của ĐTQG và U23 Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo đều chật kín khán giả. Và ngay cả thời điểm trước đó như AFF Cup 2014 và 2016, dù tuyển Việt Nam không thể vào chung kết nhưng các trận đấu tại Mỹ Đình luôn được phủ kín với bầu không khí đầy sôi động.
Từ đầu năm 2024, tuyển Việt Nam chơi 9 trận, thua 8, thắng 1, tụt hạng FIFA từ 93 xuống 117. Thành tích sút kém, niềm tin sụt giảm.
Giữa lúc đội tuyển Việt Nam chìm trong khó khăn, thì Công Phượng cũng đang dần “mất tích” ở Nhật Bản. Anh không được ra sân ở Yokohama FC, suy giảm phong độ và rồi mất suất lên ĐTQG. Ngôi sao từng tỏa sáng rực rỡ để lấy lại niềm tin cho bóng đá Việt Nam thuở nào, giờ cũng đang “chìm” dần, giống như cách mà ĐTQG “rơi tự do” trong 1 năm qua.
Sau 10 năm, liệu có lứa cầu thủ mới nào lại xuất hiện để “cứu lấy” bóng đá nước nhà nữa hay không? Câu trả lời e rằng khó tìm ra lời giải ngay được.
Đời sống & pháp luật