MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cú hích để TP HCM bứt phá

Đoàn tàu Metro số 1 lăn bánh, tiếp tục củng cố khát vọng về một TP HCM tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) không chỉ là dự án giao thông mà còn là một biểu tượng về sự phát triển của thành phố.

Cú hích để TP HCM bứt phá- Ảnh 1.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM

. Phóng viên: Thưa ông, tuyến Metro số 1 đã chính thức vận hành thương mại vào sáng 22-12. Cảm xúc của ông lúc này như thế nào?

- PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Đúng 10 giờ ngày 22-12, khi tuyến metro số 1 chính thức vận hành thương mại, nhiều niềm vui và cảm xúc vỡ òa. Công trình này mang lại nhiều khát vọng, kỳ vọng đối với TP HCM trong chặng đường tiếp theo, để tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc.

Đoàn tàu Metro số 1 lăn bánh sau 17 năm kể từ lúc dự án được duyệt. Năm 2007, dự án được phê duyệt lần đầu; đến tháng 8-2012 khởi công và dự kiến đưa vào khai thác thương mại năm 2018. Do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, dự án phải dừng lại nhiều lần. Khâu giải phóng mặt bằng, lỗi về thiết kế, áp dụng kỹ thuật mới hiện đại hơn, điều chỉnh tổng vốn đầu tư, quy mô dự án, thủ tục pháp lý… là những nguyên nhân khiến dự án không thể về đích đúng hẹn.

17 năm với bao khó khăn, thách thức, nhiều lần phải lùi tiến độ nhưng với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM, cuối cùng tuyến Metro số 1 đã hoàn thành, đưa vào khai thác thương mại. Điều đó càng làm cho cảm xúc vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc.

. Ông đánh giá thế nào về tác động của dự án Metro số 1 đối với người dân TP HCM, nhất là những người sinh sống và làm việc dọc tuyến?

- Nhìn đoàn tàu Metro số 1 băng băng về phía trước, chúng ta cảm thấy mọi vấn đề đều được thông suốt, con người cũng phấn chấn hẳn lên.

Với sự tiện lợi, hiện đại và nhanh chóng, Metro số 1 sẽ thu hút một lượng lớn người dân sử dụng, nhất là người thường xuyên di chuyển giữa trung tâm TP HCM và các khu vực ở Thủ Đức. Người dân sẽ giảm bớt phương tiện giao thông cá nhân, chuyển sang sử dụng giao thông công cộng hiện đại trên tuyến metro này.

Dù TP HCM mới có một tuyến metro, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu đi lại nhưng người dân sẽ dần hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Vừa qua, người dân đã được trải nghiệm và tận hưởng sự hiện đại, nhanh chóng của loại hình giao thông công cộng này khi Metro số 1 chạy thử nghiệm. Trong 1 tháng tới, với chính sách miễn giá vé của thành phố, người dân sẽ có thêm nhiều cơ hội sử dụng, thói quen di chuyển bằng metro sẽ dần định hình.

Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt kết nối với các trạm, nhà ga mero và các bãi giữ xe cá nhân xung quanh sẽ góp phần hoàn thiện hệ sinh thái hệ thống giao thông công cộng ở TP HCM, giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại, giảm bớt ùn tắc giao thông.

Chưa kể, các khu vực dọc tuyến Metro số 1 dự kiến sẽ trở thành "điểm nóng" thu hút đầu tư vào bất động sản, thương mại và dịch vụ, nhất là khi TP HCM đã có kế hoạch thực hiện TOD (phát triển đô thị theo hướng phát triển giao thông công cộng) trong thời gian tới theo Nghị quyết 98. Việc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân sinh sống và làm việc dọc tuyến Metro số 1.

Cú hích để TP HCM bứt phá- Ảnh 2.

Đồ họa: THU HỒNG - ANH THANH

. Nhiều bài học từ cách làm Metro số 1 sẽ được rút ra, vận dụng vào những tuyến metro tiếp theo của TP HCM, nhất là khi thành phố đang khẩn trương thực hiện Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, thưa ông?

- Qua 17 năm thực hiện tuyến Metro số 1, TP HCM đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong cách làm đường sắt đô thị, như việc chuẩn bị mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn công nghệ, xác định nguồn vốn, vấn đề pháp lý…

TP HCM sẽ tăng tốc trong năm 2025 với tốc độ tăng trưởng (GRDP) trên 2 con số. Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm. Vừa qua, hàng loạt cầu, đường đã được đưa vào sử dụng và TP HCM sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án, công trình mới để góp phần nâng cao cuộc sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện tuyến Metro số 1 giúp TP HCM có thêm nhiều bài học kinh nghiệm trong việc triển khai, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị - đến năm 2035 dự kiến 355 km và đến năm 2045 là 510 km, từ đó góp phần giải quyết những điểm nghẽn trong giao thông đô thị.

Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM theo Kết luận 49 đã được Bộ Chính trị đồng ý, đang chờ Quốc hội thông qua. Thành phố đã kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ làm metro. Rất mong Trung ương hỗ trợ cơ chế, chính sách phù hợp để TP HCM triển khai nhanh hệ thống đường sắt đô thị.

Cùng với đường sắt đô thị, thời gian tới, TP HCM sẽ khép kín Vành đai 2, đầu tư xây dựng Vành đai 3, triển khai dự án Vành đai 4 và các tuyến đường cao tốc TP HCM - Cao Mộc, TP HCM - Trung Lương, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ... TP HCM còn kêu gọi đầu tư 5 dự án BOT. Đây đều là những dự án lớn, kỳ vọng giúp TP HCM đồng bộ kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.

Tuyến Metro số 1 mang theo rất nhiều kỳ vọng về hệ thống hạ tầng giao thông đô thị ngày càng hoàn thiện của TP HCM. Công trình này này còn tạo ra năng lượng tích cực, là chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy các dự án, công trình trọng điểm khác tại TP HCM tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Xin cảm ơn PGS-TS. 

Khi đoàn tàu Metro số 1 lăn bánh, chúng ta thêm kỳ vọng những trở ngại đã đi qua, mở ra nhiều tia sáng mới, năng lượng mới, tích cực cho thành phố mang tên Bác.


Theo Phan Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên