MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cú hích” từ dòng vốn 17,6 tỉ USD, thị trường BĐS Hà Nội chờ “làn gió mới”

01-07-2020 - 10:16 AM | Bất động sản

Khoảng 405.570 tỉ đồng (17,6 tỉ USD) là tổng mức đầu tư vào 229 dự án vừa được TP Hà Nội trao giấy chứng nhận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp, trong đó hầu hết là các dự án BĐS nhà ở, thương mại và phát triển hạ tầng.

Bên cạnh đó là khoảng 28,6 tỉ USD từ 38 biên bản nghi nhớ giữa UBND TP Hà Nội ký kết với các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nội tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển" diễn ra mới đây. Điều đó cho thấy sức hút của Hà Nội đối với cộng đồng các DN nói chung và các nhà phát triển BĐS nói riêng.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho rằng Hà Nội có lượng dân số trung lưu lớn và con số này vẫn còn đang tăng nhanh. Tính liên kết và giá trị bất động sản của Thủ đô đang được cải thiện nhờ sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng với hệ thống tàu điện ngầm, đường và cầu xung quanh thành phố.

"Trong khi đó, nguồn cung các dự án bất động sản hiện đại của thành phố đang tăng lên và các chủ đầu tư trong nước đang tập trung cung cấp ra thị trường các bất động sản tiêu chuẩn quốc tế", ông Griffiths nhấn mạnh.

Vì thế, những năm gần đây bất động sản Hà Nội luôn thu hút được dòng vốn lớn từ các "ông lớn" địa ốc đầu tư và phát triển. Hàng loạt siêu dự án đô thị quy mô lớn đã hình thành và làm thay đổi diện mạo Thủ đô như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City của Vingroup, một số Tổ hợp nhà ở cao cấp tại Ciputra của Sunshine Group, KĐT Tây Hồ Tây (Starlake) của Daewoo E&C, Park City, Dương Nội…

“Cú hích” từ dòng vốn 17,6 tỉ USD, thị trường BĐS Hà Nội chờ “làn gió mới” - Ảnh 1.

Theo số liệu nghiên cứu từ CBRE thì thị trường BĐS Hà Nội có chiều hướng phát triển chững lại, nhất là gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong năm 2020, các vấn đề về chậm cấp phép, siết tín dụng cùng với dịch COVID-19 gây áp lực lên nguồn cung chào bán mới và nguồn cầu. Dịch bệnh được kiểm soát tốt nên thị trường đang khởi sắc hơn, dự kiến năm nay sẽ có khoảng 27.000-28.000 căn được chào bán mới.

Trước đây, giá BĐS ở Thủ đô được xem là đắt đỏ nhất nước, tuy nhiên, mặt bằng chung hiện nay lại thấp hơn so với Tp.HCM. Theo nhận định của Savills Việt Nam, nếu TPHCM là thị trường rất được quan tâm thì Hà Nội lại có sức hút riêng biệt nhờ sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, mặt bằng giá nhà đất Hà Nội thấp hơn khoảng 30% so với TPHCM.

Có thể nói BĐS Thủ đô vẫn chưa có một "cú hích" nào đáng kể trong những năm gần đây mặc dù vẫn là một thị trường đầy tiềm năng phát triển. Vì thế, với việc cam kết đầu tư từ các đại gia địa ốc tại Hội nghị lần này, BĐS Thủ đô kỳ vọng sẽ có một cú hích mới, một "làn gió mới" từ dòng vốn tỷ USD sắp tới. Trong đó, có thể thấy nhiều dự án BĐS quy mô đầu tư hàng tỷ USD cũng đã được TP Hà Nội ký kết với các chủ đầu tư.

Đáng chú ý đó là 2 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh được chấp thuận chủ trương đầu tư, đó là dự án Xuân Mai Smart City tại huyện Chương Mỹ, giai đoạn 1 vốn đầu tư là 3,5 tỷ USD và Khu Outlet tại huyện Đông Anh, tổng mức đầu tư 400 triệu USD quy mô 100ha. Theo giới thiệu của Tân Hoàng Minh, Xuân Mai Smart City sẽ được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, có tổng diện tích 3.072 ha quy hoạch thành một khu đô thị hiện đại, với đầy đủ các chức năng từ nhà ở, bệnh viện, trường học, thể thao, sân golf, công viên giải trí, trường đua ngựa…

Nhiều dự án quy mô tỷ đô khác cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư lần này là Dự án Khu đô thị mới Mai Lâm, Xuân Canh, Đông Hội, huyện Đông Anh do Công ty CP Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam đầu tư với vốn đầu tư 34.879 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng đầu tư với vốn đầu tư là 41.248 tỷ đồng; Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây do tập đoàn Daewoo E&C đầu tư với vốn đầu tư là 30.811 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, rất nhiều dự án BĐS có quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cũng được TP Hà Nội trao chứng nhận chủ trương đầu tư cho các chủ đầu tư như Sunshine Empire (7.000 tỷ), Khu chung cư Quốc tế Booyoung (7.371 tỷ), An Lạc Green Symphony (8.830 tỷ), Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 (4.473 tỷ), CEO Mê Linh (2.168 tỷ)…

“Cú hích” từ dòng vốn 17,6 tỉ USD, thị trường BĐS Hà Nội chờ “làn gió mới” - Ảnh 2.

Với nhiều dự án "khủng" được cấp phép đầu tư, có thể thấy khu phía Tây dự kiến sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển của thành phố, khu phía Đông (huyện Gia Lâm hoặc Văn Giang, Hưng Yên) sẽ là khu vực tập trung nguồn cung lớn thứ hai trong năm.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Tư vấn & Nghiên cứu Savills Hà Nội, đánh giá: "Sự phát triển của thị trường bất động sản Hà Nội trong những thập niên vừa qua đã mang đến cho Hà Nội một diện mạo mới và hiện đại. Hà Nội tiếp tục khẳng định sức hút và tiềm năng đầu tư trong tương lai từ nguồn cầu lớn được tạo ra bởi sự phát triển hạ tầng mạnh mẽ, dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, triển vọng thu hút FDI lớn… và đặc biệt từ nguồn cung có thể được hình thành chủ yếu với quỹ đất còn tại các khu vực vành đai."

Nhật Minh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên