'Cú huých' cho tăng trưởng kinh tế
Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN
Cần triển khai nhanh, hiệu quả để Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022 - 2023 thực sự là "phao cứu sinh" giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
- 11-06-2022Phú Yên: Phát triển dịch vụ du lịch hài hoà với công nghiệp, nông nghiệp
- 11-06-2022Hà Nội: Kinh tế phục hồi tích cực, hướng đến đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm
- 08-06-2022Nhờ đâu GRDP của tỉnh có thu nhập bình quân cao nhất nước tăng hơn 100 lần trong hơn 20 năm qua?
Kinh tế "hồi sinh"
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2022 đang tiếp tục được hoàn thiện với gam màu sáng khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp đã thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn để phục hồi và mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 ước tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy chưa trở lại với mức tăng trước COVID-19 (IIP 5 tháng các năm 2018, 2019 tăng 10,3% và 9,5%) nhưng 8,3% vẫn là một con số tích cực.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực với 305 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9%.
Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT) cũng cho biết: Số doanh nghiệp thành lập mới 5 tháng đầu năm 2022 là 62.961 doanh nghiệp, cao nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách lũy kế đến hết tháng 5/2022 đạt 806.400 tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán năm và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi của nền kinh tế còn có thể được nhìn thấy ở chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tháng 5/2022, chỉ số này tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Sức mua phục hồi sẽ tạo động lực để các ngành kinh tế bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
Có được kết quả này là nhờ động lực hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội. Ngày 30/1, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo với Quốc hội về tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Tổng số tiền của gói hỗ trợ là 347.000 tỷ đồng. Trong đó, có 46.000 tỷ đồng dùng quỹ dự trữ, quỹ tài chính hợp pháp với số lượng là 2 tỷ USD để mua vaccine và trang thiết bị y tế.
“Như vậy, còn lại khoảng 301.000 tỷ đồng. Cụ thể gồm các gói: 125.000 tỷ đồng, gồm 64.000 tỷ đồng từ miễn, giảm thuế. Gói chính sách này đã được triển khai rất nhanh, đến nay đã cơ bản đúng lộ trình”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.
Bên cạnh đó là 38.400 tỷ đồng được thực hiện giai đoạn 2022 - 2023 là chính sách tín dụng thông qua ngân hàng chính sách. Cơ bản các cơ chế, chính sách đã được xây dựng xong. Tới nay đã giải ngân được 4.586 tỷ đồng trên 19.000 tỷ đồng của năm 2022, tiến độ giải ngân đã được 1/3. Về 6.000 tỷ đồng thông qua gia hạn thuế, tiền thuê đất, Chính phủ đã xây dựng xong 2 Nghị định vào tháng 5/2022 về giảm, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô và giảm một số chính sách thuế.
Theo Phó Thủ tướng, đối với khoản 6.600 tỷ đồng hỗ trợ người lao động thuê nhà, đến nay đã giải ngân được gần 2 tỷ đồng. Việc phân bổ vốn và giao vốn cho các địa phương chưa rõ nên triển khai còn chậm. Bộ Tài chính cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để thống nhất số liệu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Về 176.000 tỷ đồng đầu tư công, trong đó có hai khoản là hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại (NHTM) và ngân hàng chính sách, trong đó, hỗ trợ qua ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng. Để triển khai, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. “Tuy chậm nhưng khi tiến hành quyết toán giữa các NHTM với các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình thì được tính vào ngày 1/1/2022. Như vậy, có thể xem là gói này thực hiện được từ ngày 1/1/2022”, Phó Thủ tướng cho biết.
Cuối cùng là 134.000 tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư cho giao thông khoảng 103.000 tỷ đồng. Vì phải dựa theo tiến trình chung thực hiện Luật Đầu tư công cũng như các dự án đầu tư nên gói này giải ngân chậm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Nhìn chung đến thời điểm hiện nay đã cơ bản hoàn thành các chính sách và giải ngân được 22.000 tỷ đồng. Đây cũng là một tiền đề rất quan trọng để tin tưởng rằng gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện tốt trong thời gian tới”.
"Kích hoạt" nhanh chóng chương trình phục hồi
Để giảm áp lực lên lạm phát, các gói tài khóa tiền tệ như gói hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm thuế, phí...cần được triển khai thật nhanh. Do đó, chúng ta phải hành động gấp để lạm phát không tăng, tránh để khi “bệnh nặng” lại phải dùng ‘thuốc liều cao’. Theo đó cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và thuế tiêu thụ đặc biệt”, PGS. TS Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ KH&ĐT, để thực hiện thành công Chương trình phục hồi phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính. Đó là phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp; tăng khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực; công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu chương trình.
“Để Chương trình thực sự là ‘phao cứu sinh’ giúp phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tự thay đổi, năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Để chương trình phục hồi kinh tế là “cú huých” cho tăng trưởng GDP năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp; đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, trong bối cảnh các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất kiến nghị: Để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Theo đó, nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao.
Ý kiến:
TS Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ KH&ĐT:
Sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất cả nước. Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Các gói kích cầu nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng sẽ như một "cú huých" tới tăng trưởng kinh tế. Khu vực ngoại thương (xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài) vẫn được kì vọng tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022. Cạnh đó là dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022. Cuối cùng là xu hướng phục hồi của nhu cầu trong nước.
Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính):
Gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hồi phục và phát triển đã được Quốc hội điều chỉnh cho phép tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tối đa là 176.000 tỷ đồng chiếm đến hơn 1/2 tổng vốn của Chương trình cần được các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách và đưa vào kế hoạch thực hiện trong thời gian nhanh nhất.
Đối với gói giảm mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% xuống mức 8% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% được thực hiện từ 1/2/2022, cần tiếp tục kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn trong việc tính toán, lập hóa đơn, thực hiện các thủ tục nhằm thuận tiện hóa và đảm bảo gói hỗ trợ này vừa hỗ trợ người tiêu dùng giảm giá hàng hóa, đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần kiểm soát lạm phát của nền kinh tế.
Báo tin tức