"Cú ngã ngựa" của nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới: Đóa hồng hoàn mỹ tỏa hương độc, lỗi lầm chất chồng không thể dung thứ
Từng là niềm khát khao, mơ ước của bao người nhưng nữ tỷ phú ấy cuối cùng lại khiến cả thế giới phải choáng váng bừng tỉnh: "Hóa ra tất cả chỉ là một cú lừa!".
- 18-09-2021Người xưa có câu "Đàn ông xem mũi, đàn bà xem miệng": Người phú quý cả đời sẽ có những đặc điểm sau
- 18-09-2021Chàng trai 29 tuổi đột nhiên phát hiện ung thư, bác sĩ cảnh báo nguyên nhân do thường xuyên ăn 1 món đậu phụ: Cẩn trọng trước những thói quen hại chết cơ thể
- 16-09-2021Trúng số độc đắc 1 triệu AUD, người đàn ông chỉ muốn "thoát khỏi cảnh giàu có" nên đem chia gần hết tiền cho mọi người xung quanh
Phiên tòa xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Elizabeth Holmes, người sáng lập và từng giữ chức CEO của công ty Theranos đang diễn ra trong những ngày qua. Mọi diễn biến của phiên tòa đều thu hút sự quan tâm theo dõi của truyền thông và dư luận. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài 3-4 tháng, xét xử Elizabeth Holmes với cáo buộc 12 tội danh lừa đảo liên quan đến hoạt động kinh doanh và công nghệ của Theranos. Vụ án của Holmes cho thấy sự ngạo mạn, tham vọng và lừa dối của cô ngay tại Thung lũng Silicon.
Elizabeth Holmes, đóa hồng xinh đẹp sở hữu ngoại hình quyến rũ hóa ra lại tỏa hương thơm có độc. Từng là một hình mẫu lý tưởng của phụ nữ hiện đại thành công nhưng giờ đây Elizabeth Holmes lại trở thành một tên tội phạm lừa đảo điển hình. Hành trình từ một nữ tỷ phú tự thân nổi tiếng toàn thế giới cho đến kẻ phạm tội đứng trước vành móng ngựa của Elizabeth Holmes khiến nhiều người phải ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa.
Elizabeth Holmes từng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Mỹ.
Đóa hồng hoàn mỹ
Một thập kỷ trước, Elizabeth Holmes (sinh năm 1984), được tung hô là cô gái vàng của Thung lũng Silicon. Vào thời điểm đó, người phụ nữ tóc vàng xinh đẹp này được truyền thông tặng cho danh xưng đầy mỹ miều "nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Mỹ".
Trong mắt mọi người khi ấy Elizabeth Holmes là đóa hồng hoàn mỹ nhất, vừa có sắc lại vừa có tài. Elizabeth Holmes đã bỏ Đại học Stanford năm 19 tuổi để khởi nghiệp với Theranos, một tập đoàn công nghệ y tế tư nhân vào năm 2004. Theranos là từ ghép giữa “therapy” (liệu pháp) và “diagnosis” (chẩn đoán).
Cô mang trong mình tham vọng sẽ đem đến một cuộc cách mạng lớn trong ngành y, bằng việc thu thập dữ liệu sức khỏe chỉ từ vài giọt máu trên đầu ngón tay, thay vì phải làm vô số xét nghiệm như thông thường. Ý tưởng này đem đến sự kỳ vọng sẽ làm cho các xét nghiệm máu có giá thành rẻ hơn, thuận tiện và dễ tiếp cận với người tiêu dùng, đây là điều mà trước đó chưa ai làm được.
Elizabeth Holmes mở ra kỳ vọng mới trong ngành công nghệ xét nghiệm giá rẻ với những quy trình đơn giản.
Bằng sự thông minh và khôn khéo của mình, Holmes đã kêu gọi được sự ủng hộ từ rất nhiều nhà đầu tư để thay đổi ngành công nghiệp xét nghiệm. Chẳng mấy chốc, công ty Theranos nhận được sự cộng tác của hãng kinh doanh dược phẩm tên tuổi Walgreens và chuỗi cửa hiệu thực phẩm Safeway. Hội đồng quản trị của Theranos cũng toàn những nhân vật tên tuổi uy tín, như hai cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và George Shultz hay cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Một thập kỷ sau đó, cô đã biến Theranos thành một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất lịch sử nước Mỹ. Theo truyền thông, tính đến tháng 9/2014, Holmes trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất nước Mỹ theo tạp chí Forbes. Tạp chí này cho hay Holmes nắm 50% cổ phần trong công ty startup, tài sản ròng 4,5 tỷ USD.
Nữ tỷ phú Holmes sau đó đã xuất hiện liên tục trên các trang bìa tạp chí danh tiếng toàn cầu như Forbes, Fortune, phát biểu tại TED Talk và ngồi bên cạnh những nhân vật nổi tiếng như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và tỷ phú Trung Quốc Jack Ma.
Elizabeth Holmes trở thành gương mặt nổi bật trên các trang bìa tạp chí có tiếng.
Elizabeth Holmes xuất hiện trong các cuộc thảo luận với người nổi tiếng.
Cú lừa chấn động
Được mệnh danh là Steve Job phiên bản nữ chẳng ai ngờ rằng CEO trẻ tuổi này đã "đánh lừa" cả thế giới khi tuyên bố công ty Theranos sở hữu thiết bị nhỏ gọn có chức năng "tất cả trong một". Chỉ cần lấy 1-2 giọt máu trên đầu ngón tay cho vào ống siêu nhỏ, thiết bị này được quảng cáo có thể thực hiện hàng nghìn xét nghiệm, phát hiện cả ung thư, tiểu đường trong thời gian ngắn với chi phí thấp hơn nhiều các xét nghiệm truyền thống.
Tuy nhiên, trên thực tế, Holmes đã dùng máy móc từ các phòng xét nghiệm truyền thống thay vì sản phẩm của công ty để thực hiện xét nghiệm. Chẳng có một thiết bị hay công nghệ siêu việt nào như lời Holmes hứa hẹn. Và tất nhiên vì sự dối trá này mà nhiều người phải nhận kết quả xét nghiệm không chính xác.
Vào năm 2015, nhà báo John Carreyrou của Wall Street Journal đã xuất bản một loạt các báo cáo vạch trần chiêu trò lừa bịp của nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Các bản báo cáo với tên gọi "Bad Blood" khẳng định rằng các bệnh nhân đã bị công ty Theranos cung cấp kết quả xét nghiệm sai lệch về tình trạng bệnh tật như HIV/AIDS, ung thư và sảy thai.
John Carreyrou, tác giả Bad Blood, vạch trần bộ mặt thật của đóa hồng xinh đẹp.
"Cô ta thương mại hóa một sản phẩm y tế mà cô ta thừa biết là không chính xác. Máy móc của cô ta chỉ làm một vài xét nghiệm, mà kết quả còn không đúng", nhà báo Carreyrou chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.
"Cô ta đã lừa đảo, làm hại rất nhiều bệnh nhân và lấy tiền của họ", Tiến sĩ Phyllis Gardner, Giáo sư y khoa Đại học Stanford cho biết.
Holmes sau đó bị giới chức Mỹ cấm sở hữu hoặc điều hành một phòng thí nghiệm bất kỳ nào trong ít nhất 2 năm. Theranos cũng buộc phải đóng cửa toàn bộ phòng thí nghiệm và đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra liên bang. Các nhà đầu tư cũng ngoảnh mặt, quay lưng với nữ tỷ phú. Tài sản 4,5 tỷ USD của Holmes nhanh chóng "bốc hơi" vào năm 2016, trở thành con số 0 theo báo cáo từ Forbes.
Tháng 3/2018, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cũng buộc tội Elizabeth Homes và cựu giám đốc của Theranos - Ramesh "Sunny" Balwani lừa đảo quy mô lớn. Hai người đã huy động vốn từ nhà đầu tư "thông qua một cơ chế lừa đảo tinh vi, lâu năm, dựa vào việc phóng đại hoặc làm giả thông tin về công nghệ, số liệu kinh doanh và tình hình tài chính của công ty".
"Mị lực" của lời nói dối
Thay vì là một ví dụ thành công điển hình tại Thung lũng Silicon, Theranos lại trở thành một "vết nhơ" khó gột rửa được hết của Thung lũng Silicon. Nhà báo John Carreyrou đã xuất bản cuốn sách "Bad Blood" để phơi bày sự dối trá của nữ tỷ phú này và chỉ rõ cách Elizabeh Holmes "bán giấc mơ" của mình cho các nhà đầu tư, đối tác, khiến họ hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối và đổ rất nhiều tiền vào công ty khởi nghiệp của Holmes.
Holmes luôn xây dựng hình ảnh Theranos không phải một công ty chăm sóc sức khỏe, mà là một công ty công nghệ. Người phụ nữ này liên tục đưa ra những lời hứa mơ hồ, những điều mà con người luôn mong muốn khao khát có được, đây là điều mà các công ty công nghệ vẫn thường làm. Thật vậy, ở Thung lũng Silicon dễ dàng bắt gặp tình trạng nhiều công ty hứa hẹn các sản phẩm và tính năng tuyệt vời nhưng cuối cùng chỉ đem về sự chậm trễ và im lặng.
Nữ tỷ phú Holmes khiến mọi người tin tưởng vào lời nói dối của cô.
Theranos của Holmes thực chất là sản phẩm có thể giải quyết được một vấn đề đang tồn tại, trong bối cảnh quá trình xét nghiệm y tế ở Mỹ còn chậm, tốn kém và phức tạp. Theranos xứng đáng được gắn mác "điều vĩ đại mới". Đó là trong trường hợp nó thực sự thành công. Lời nói dối của Holmes là một thứ "mị lực" hấp dẫn khiến người khác tin tưởng vào đó.
Thung lũng Silicon hay truyền tai nhau câu nói "fake it till you make it" (tạm dịch: "Nói dối cho tới khi bạn làm được"). Và phương châm này có lẽ đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của Elizabeth Holmes, dẫn đến những hậu quả cho hành động của Holmes ngày hôm nay.
Nhà báo Carreyrou chia sẻ "Đây sẽ là một lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư mạo hiểm và doanh nhân trẻ ở Thung lũng Silicon. Nếu bạn đi quá xa, nếu sự thổi phồng của bạn trở thành nói dối thì đó là tội lừa đảo".
Định kiến lâu dài
Bê bối của Elizabeth Holmes đã thay đổi hoàn toàn giới khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon. Khi Alice Zhang gây quỹ cho công ty công nghệ y tế của mình vào năm 2018, các nhà đầu tư liên tục đặt câu hỏi về Theranos, startup đã sụp đổ trong vụ bê bối của Elizabeth Holmes trong cùng năm đó.
Điều này thực sự khiến cô Zhang bối rối. Startup của cô, Verge Genomics, sử dụng trí tuệ nhân tạo để biến đổi công nghệ chế tạo thuốc. Công nghệ này khác hoàn toàn việc dùng máu để chẩn đoán sức khỏe mà công ty Theranos của Holmes đưa ra để lừa bịp người khác.
Cho đến nay, các nữ doanh nhân, đặc biệt là những người thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học và sức khỏe, vẫn phải hoạt động dưới cái bóng của Elizabeth Holmes. Dù Theranos đóng cửa năm 2018, Holmes vẫn để lại ác cảm về một nhà sáng lập nữ tiếp theo. Vụ việc của Holmes đã khiến mọi người có định kiến và hoài nghi về năng lực của những người phụ nữ khởi nghiệp.
Nữ tỷ phú Holmes mất trắng tất cả sau khi tạo ra cú lừa ngoạn mục.
Khi thảo luận với nhà đầu tư, các nhà sáng lập nữ thường bị đặt những câu hỏi "phòng ngừa" theo dạng tiêu cực, nhằm ngăn ngừa tổn thất. "Vì Holmes, các nhà sáng lập nữ ngày càng dễ gặp phải những câu hỏi mang tính phòng ngừa rủi ro", Andy Coravos, nhà sáng lập công ty chăm sóc sức khỏe HumanFirst, chia sẻ với New York Times.
Lola Priego, nhà sáng lập công ty y tế Base, thường chịu các so sánh với Theranos ít nhất một lần mỗi tuần. Chúng đến từ các đối tác tiềm năng, cố vấn, nhà đầu tư, khách hàng và phóng viên. Priego hiểu sự cần thiết của hoài nghi, vì các công ty chăm sóc sức khỏe mới thành lập nên được xem xét một cách nghiêm túc để ngăn ngừa sơ suất.
Nếu bị kết tội, Elizabeth Holmes có thể phải đối mặt với án phạt 20 năm tù. Các công tố viên cho biết Elizabeth Holmes không chỉ lừa đảo các nhà đầu tư hàng trăm triệu USD mà còn đặt mạng sống của hàng nghìn người vào thế rủi ro.
Được biết, có khoảng 200 người có kết quả xét nghiệm không chính xác từ Theranos được phép làm chứng, bao gồm nhiều tên tuổi như ông trùm truyền thông Rupert Murdoch từng đầu tư vào Theranos, luật sư David Boies, các chính trị gia Kissinger, Frist và Mattis.
Nguồn: Tổng hợp
Pháp luật & Bạn đọc