MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứ nhắc đến công việc là thấy chán, không tìm thấy cảm giác "được cần đến" trong công việc, tiền cũng không thể khiến bạn kiên trì thêm nữa

07-02-2021 - 10:08 AM | Sống

Xã hội này luôn cho rằng một công việc tốt là một công việc trả đủ tiền cho những gì bạn bỏ ra, mà quên mất rằng chúng ta cũng cần được thỏa mãn những nhu cầu về mặt tâm lý.

Nếu được hỏi bạn đi làm để làm gì, hầu hết mọi người sẽ lập tức nói, vì tiền. Câu trả lời dường như rất hiển nhiên này thực ra vẫn tiềm ẩn một vài điều đáng suy ngẫm. Đúng, tiền là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá một công việc có đáng làm hay không, nhưng liệu nó có đủ sức nặng để khiến bạn tiếp tục kiên trì?

Bản chất của công việc: Bạn có thể không cần tiền, nhưng vẫn luôn cần công việc

Để ước lượng tầm quan trọng của công việc, chúng ta có thể thử suy nghĩ, nếu hàng tháng bạn vẫn nhận được số tiền lương hiện tại nhưng có thể chọn không làm việc, thì bạn có làm việc nữa không?

Nếu làm việc chỉ vì tiền, đáng ra bạn nên nói không. Nhưng tôi nghĩ hầu hết mọi người vẫn sẽ nói có.

Bởi lẽ, ngoài nhu cầu về tiền bạc (để duy trì sự sống), chúng ta chăm chỉ lao động còn vì một nguyên nhân khác: Cảm giác được cần đến.

Cảm giác được cần đến, là nhu cầu sinh lý và sinh tồn cơ bản nhất của mỗi chúng ta. Ở mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời, nhu cầu này có thể thay đổi, nhưng nó không bao giờ biến mất.

Sau khi tốt nghiệp đại học, nếu không tìm được việc, chắc chắn bạn sẽ rất buồn. Không chỉ vì những khó khăn về mặt vật chất, mà còn là vì suy nghĩ: "Thì ra xã hội này không hề cần tôi."

Sau khi đi làm vài năm, nếu bị đuổi việc, chắc chắn bạn sẽ rất buồn. Dù bạn vốn cũng chẳng thích thú gì công việc đó cho lắm, dù áp lực kinh tế của bạn không quá lớn, thì trong lòng bạn vẫn thấy mặc cảm: "Thì ra công ty này không hề cần tôi."

Sau khi về hưu, không còn công việc, con trẻ cũng ít khi về thăm nhà, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy trên đời này chẳng còn ai cần mình.

Xã hội này luôn cho rằng một công việc tốt là một công việc trả đủ tiền cho những gì bạn bỏ ra, mà quên mất rằng chúng ta cũng cần được thỏa mãn những nhu cầu về mặt tâm lý.

Công việc này có cần đến bạn không?

Tôi tin rằng khi đi làm, mọi người đều muốn chứng minh rằng mình là người có giá trị, người được cần đến, chứ không chỉ là một người có giá, đáng bao nhiêu tiền. Ở một góc nhìn khác, nếu bạn làm việc trong doanh nghiệp với tư tưởng tuyền thống, họ có thể cho rằng họ đang mua thời gian của bạn. Nhưng chính bạn luôn phải hiểu rõ, làm một con người không có giá trị luôn đau khổ hơn làm một người không có "giá", không được trả lương cao.

Vậy với cương vị là một nhân viên, bạn nên làm gì để thấy được giá trị của mình?

Câu trả lời rất ngắn gọn: Hãy nhìn rộng ra.

Nếu bạn thấy công việc của mình rất nhàm chán, vô vị và chẳng có giá trị gì, có lẽ bạn đang quá tập trung vào bản thân công việc, tập trung vào việc phục vụ công ty và chủ doanh nghiệp, điều này khiến bạn bỏ qua các góc nhìn khác và thu hẹp chính thế giới của mình lại.

Thi thoảng, bạn nên dành chút thời gian tạm "cách ly" khỏi công việc để nghiêm túc suy nghĩ xem những gì bạn đang làm hướng tới ai, bạn đang phục vụ cho ai, liệu có những ai ngoài đối tượng bạn phục vụ được hưởng lợi từ những gì bạn đang làm hay không? Đôi lúc sự hồi đáp đến từ những người bạn không ngờ đến, chỉ cần thay đổi góc nhìn, bạn sẽ thấy những việc "vô nghĩa" bạn đang lặp lại cũng mang nhiều ý nghĩa khác nữa.

Giả sử, bạn là một biên tập viên ở nhà xuất bản, công việc của bạn là đọc soát và chỉnh sửa bản thảo. Bạn chỉ đang giúp bản thảo trở nên chỉn chu hơn trước khi nó chính thức được xuất bản, bản thảo do người khác viết, sách do nhà xuất bản xuất bản, tên của bạn thậm chí không cả xuất hiện ở trang cuối cuốn sách, và bạn nghĩ những gì bạn làm thật vô nghĩa. Nhưng hãy nghĩ đến những độc giả vui vẻ với cuốn sách hoàn chỉnh trên tay, bạn là một phần trong quy trình xuất bản, bạn cũng có đóng góp để tạo nên niềm vui của họ. Cứ nghĩ theo hướng đó, dần dần bạn sẽ thấy công việc mình làm cũng rất có ý nghĩa, bạn cũng rất quan trọng.

Người lãnh đạo nên giúp nhân viên nhận ra giá trị của mình

Thực ra cách hiệu quả nhất để giúp nhân viên nhận ra giá trị bản thân, là sắp xếp những buổi nói chuyện riêng với họ. Người lãnh đạo có thể trao đổi với nhân viên của mình về tình hình công việc của họ hiện tại, họ có gặp phải khó khăn gì và cần được hỗ trợ gì hay không… Cho dù không thực sự giúp nhân viên giải quyết được vấn đề gì, thì bản thân cuộc trò chuyện cũng khiến nhân viên cảm thấy sếp muốn nghe ý kiến của mình, mình được coi trọng.

Ngoài ra, dù là chủ doanh nghiệp, nhưng nếu quan điểm của bạn không tạo nên thay đổi tích cực mà chỉ đơn thuần xuất phát từ mong muốn khiến mọi người làm theo ý mình, thì bạn cũng nên tránh can thiệp quá nhiều vào những quyết định hay cách làm việc của cấp dưới.

 Cứ nhắc đến công việc là thấy chán, không tìm thấy cảm giác được cần đến trong công việc, tiền cũng không thể khiến bạn kiên trì thêm nữa  - Ảnh 1.

Với tư cách là người giám sát tuyển dụng hoặc sếp, điều bạn nên làm là sắp xếp điều chỉnh công việc tương ứng với nhu cầu và khả năng của nhân viên. Bạn cần ra quyết định chiến lược, phân bổ nguồn lực và giám sát kết quả chứ không phải can thiệp vào mọi chuyện và gây thêm rắc rối.



Theo Phương Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên