Cử nhân 8x kiếm nửa tỷ mỗi tháng từ nuôi vịt trời
Cầm trong tay hai tấm bằng đại học, được nhiều công ty săn đón, Phạm Văn Nhật vẫn quyết tâm về quê nuôi vịt trời, thu nhập gần 600 triệu mỗi tháng.
- 22-10-2016Nuôi vịt trời dưới thác Sao Va cho thu nhập 'khủng'
- 14-06-2016Thu tiền tỷ nhờ nuôi vịt trời
- 11-01-2015Khá lên nhờ vịt trời
Đó là câu chuyện của Phạm Văn Nhật (sinh năm 1983), quê tại xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ, năm 2006, Phạm Văn Nhật tốt nghiệp đại học, cầm trong tay tấm bằng cử nhân ngành Văn hóa du lịch, Đại học Hải Phòng và Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế quốc dân. Không chọn công việc văn phòng, Nguyễn Văn Nhật quyết tâm về quê khởi nghiệp với vịt trời.
Bỏ việc văn phòng về quê chăn vịt
Tốt nghiệp năm 2006 với tấm bằng cử nhân khoa Văn hóa du lịch Đại học Hải Phòng, Nhật nhanh chóng đầu quân cho một công ty du lịch theo đúng chuyên ngành mình đã học. Thu nhập mỗi tháng cũng khoảng gần chục triệu đồng, là con số không hề nhỏ với sinh viên mới ra trường tại thời điểm đó. Tưởng rằng chàng thanh niên 8x sẽ gắn bó với nghề lâu dài, chẳng ai ngờ đến năm 2013, Nhật từ bỏ thành phố về quê nuôi vịt.
Phạm Văn Nhật mở trang trại nuôi vịt trời.
Ý nghĩ có phần mạo hiểm, bạn bè người thân nhiều người bảo Nhật “dại”. Bỏ qua mọi rào cản, Nhật vẫn một mực chọn cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Gia đình phản đối gay gắt việc làm này của Nhật. Để bố mẹ yên tâm, Nhật vào làm tại phòng kinh doanh của chi nhánh Mobifone tại Yên Khánh. Một mặt Nhật sử dụng phần đất sẵn có của gia đình mở trang trại nuôi vịt trời.
Phạm Văn Nhật cho biết, sở dĩ anh bỏ việc về quê làm nông vì: “Trong khoảng thời gian làm hướng dẫn viên du lịch, có cơ hội đưa khách đến nhiều nhà hàng khác nhau, tôi thấy các món đặc sản rất hút khách, giá thành cao nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Riêng loại vịt trời, có giá đúng kiểu “trên trời”, hàng nhập từ Trung Quốc là chủ yếu chứ hàng ta chưa có mấy”, Nhật chia sẻ.
Thực hiện cùng lúc hai công việc, lứa vịt đầu tiên của Phạm Văn Nhật không mấy thuận lợi. Cả đàn có 400 con, vì chưa quen kỹ thuật chăm sóc, vịt giống chết mất gần một nửa, nhưng lãi thu về vẫn được hơn 20 triệu đồng chỉ sau 3 tháng. Càng làm càng nhận thấy tiềm năng kinh tế không hề nhỏ, sau một thời gian, Nhật quyết định nghỉ hẳn việc tại phòng kinh doanh để tập trung cho công việc ở nông trại.
Với kiến thức và kinh nghiệm tìm hiểu thị trường tiêu thụ vịt trời khi còn làm du lịch, kết hợp với hiểu biết vốn có về ngành kinh doanh, Nhật mạnh dạn đầu tư gần 2 tỷ đồng, đấu thầu đầm ao của hợp tác xã mở rộng trang trại chỉ sau 8 tháng chăn nuôi.
Về nuôi vịt có phí?
Về câu chuyện khởi nghiệp, anh Phạm Văn Nhật kể: “Có nhiều người bảo tôi phí công học hành đàng hoàng, không làm ông to bà lớn lại về chăn vịt. Nhưng nếu không đi học, chắc tôi không làm trang trại được. Tôi luôn tâm niệm trang trại của mình sẽ phát triển theo hướng quy mô, chuyên nghiệp, làm ăn lâu dài, nếu không có kiến thức về kinh doanh và am hiểu thị trường thì khó có thể làm được”.
Phạm Văn Nhật chia sẻ, những ngày đầu khởi nghiệp có muôn vàn khó khăn, vấn đề đầu tiên là vốn, chưa rõ lời lãi, nhưng ngay lứa đầu, anh đã phải bỏ ra 400 triệu để xây dựng trang trại. Theo anh Nhật, vịt trời tại thời điểm đó còn rất ít người nuôi, con giống vừa đắt lại vừa hiếm. Giá mỗi con vịt con lên đến 120 nghìn đồng, phải lên tận Bắc Giang, Nam Định mới mua được giống, nhiều khi còn khan hiếm không mua đủ số đàn. Trăn trở tìm cách làm khác, Nhật nghĩ ra quy trình sản xuất theo kiểu khép kín, tự cung tự cấp từ giai đoạn con giống đến vịt thương phẩm để cung cấp ra thị trường. Thông thường khi nuôi vịt trời, mỗi trang trại chỉ đảm nhận một khâu, hoặc sản xuất con giống, hoặc cho ra vịt thương phẩm. Chọn cách làm khó, Phạm Văn Nhật tự mình mày mò. Anh lên tận Bắc Giang, Nam Định tham khảo quy mô nuôi vịt trời của những hộ chăn nuôi thành công tại đây. Về áp dụng thử những gì học được, nhưng đàn vịt của anh Nhật vẫn thường xuyên bị rù, chết. Lúc này Nhật lại lọ mọ học thêm về kiến thức thú y từ những người bạn trong ngành và qua internet. Sau vài lứa vịt, anh dần tích lũy kinh nghiệm, chăn nuôi hiệu quả.
Không giấu diếm, Phạm Văn Nhật chia sẻ : “Đối với vịt trời, môi trường sống quyết định thành công đến 90%, nên tôi xây lán gần gũi với thiên nhiên, hoang dã. Để vịt khi thịt không có lông măng, trong quá trình nuôi nên để chuồng nuôi bằng cát”.
Ngoài ra để nuôi vịt trời có hiệu quả cần chú trọng khâu tiêm phòng vacxin định kỳ, tăng cường các loại vi chất, khoáng chất như sắt, canxi và các chất để vịt phát triển khỏe mạnh, ít bệnh dịch. Thức ăn cho loại con vật này cũng không cầu kỳ, chủ yếu là ngô, lứa, các loại rau, chuối, tất cả đều là những loại có sẵn ở địa phương.
Khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi, nhưng vẫn mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để làm “ra tấm ra miếng”, Phạm Văn Nhật chia sẻ, trước khi có thu nhập tiền tỷ mỗi năm, anh đã phải cầm cố cả nhà đất vay vốn ngân hàng, chạy vạy khắp nơi “chỗ nào vay được là vay” để có đủ vốn phát triển trang trại.
Không phụ lòng người, sau gần 3 năm, đến nay trang trại của thanh niên 8x đã có khoảng 300.000 con vịt gồm cả loại thương phẩm và vịt giống. Với giá bán khoảng 200.000-300.000 đồng một con, một năm 4 lứa, thu nhập của anh nông dân trẻ mỗi năm lên đến 6 tỷ đồng, trừ hết chi phí đầu tư, Nhật cũng bỏ túi trên dưới 1,5 tỷ. Đồng thời trang trại của anh cũng tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương.
Thị trường tiêu thụ vịt của “đại gia” Phạm văn Nhật chủ yếu là các nhà hàng lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, bốn tháng gần đây, anh mở rộng hoạt động, cung cấp chủ yếu cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Bao gói từ khâu con giống đến lúc đưa ra thị trường, Phạm Văn Nhật tự tìm thị trường và phân phối mà không qua tay thương lái.
Làm giàu thành công từ mảnh đất quê hương, anh Nhật chia sẻ: “Chỉ cần có kiến thức, chịu khó thì ở đâu cũng có thể làm giàu được chứ không nhất thiết phải lên thành phố”. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi vịt trời của Phạm Văn Nhật, đến nay ở huyện Yên khánh có nhiều hộ đi theo mô hình nuôi vịt trời của chàng tỷ phú trẻ.
Với những đóng góp cho ngành nông nghiệp, năm 2015, Phạm Văn Nhật được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen. Mới đây, Phạm Văn Nhật cũng vinh dự trở thành 1 trong 85 thanh niên tiêu biểu được nhận giải thưởng Lương Định Của 2016./.
VOV