Cử nhân đi phục vụ quán cà phê, massage và những câu hỏi chưa lời đáp về thị trường lao động Việt Nam
Sau 4 - 5 năm học, nhiều cử nhân không tìm được việc đã cất đi tấm bằng Đại học, chọn một công việc không liên quan đến ngành học, thậm chí là lao động chân tay để nuôi sống bản thân.
- 12-07-2017Nỗi lo thất nghiệp sau tuổi 35 và những hệ lụy với xã hội
- 11-07-2017Việt Nam đang có 1,1 triệu người thất nghiệp ở những vùng nào?
- 05-07-20171.300 tỉ đồng đưa cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi xuất khẩu lao động
- 30-06-2017Quý II/2017: 1,12 triệu người thất nghiệp, thu nhập bình quân giảm
Ông Nguyễn Bằng Toàn, GĐ sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An trong khi trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây đã cho biết một thực tế đáng buồn về hiện trạng lao động.
“Có em tốt nghiệp trường cao đẳng ra không tìm được việc làm phù hợp phải đi phục vụ ở quán cà phê hay có cử nhân đại học làm ở quán massage. Đây là thực tế có thật khi nhiều em không tìm được việc làm theo ngành nghề đào tạo”, ông Toàn cho biết.
Câu chuyện về những tấm bằng đại học “bỏ xó” không phải là mới. Cách đây hai năm, dự án “Hình của những người tàng hình” đã chụp lại hình ảnh của Trần Thị Quyên, cử nhân sư phạm toán làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.
Trần Thị Quyên. Anh: Đỗ Mạnh Cường
Đỗ Mạnh Cường, tác giả bộ ảnh về Quyên cho biết tốt nghiệp Đại học Quyên không có 100 triệu đồng để xin việc, cô xuống Hà Nội làm công nhân để trả khoản nợ 30 triệu đã vay để đi học thời sinh viên.
Về sau, Quyên được xin cho một công việc khác, trợ giảng tại Đại học FPT tại Hoà Lạc (Hà Nội) nhưng cũng một thời gian ngắn cô bỏ việc. Anh Cường cho biết Quyên đã về quê ở Yên Bái, làm nhân viên trong một cửa hàng Bibo Mart, không liên quan gì đến tấm bằng Đại học mà cô phải vay mượn 30 triệu và mất 1,5 năm trong nhà máy để trả nợ.
“Tuổi 20 trong nhà máy, như tên bộ ảnh, đã hút hết sức trẻ, năng lượng và ước mơ của Quyên”, tác giả bộ ảnh nhận xét.
Những cử nhân massage hay đi làm công nhân không nằm trong số liệu 1,14 triệu lao động thất nghiệp của Tổng cục Thống kê (Quý I/2016). Họ có việc làm, có đủ tiền để chi trả cho cuộc sống, ví dụ như thu nhập của Quyên thời điểm đó dao động từ 7 – 8 triệu đồng/tháng. Nhưng xét trên góc độ vĩ mô, đó là câu “chuyện buồn” về hiện trạng lao động về sự lãng phí nguồn lực, kinh phí…, như vị GĐ sở Lao động Nghệ An nhận xét.
PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, GĐ Đại học Quốc gia Hà Nội từng cho biết công tác đào tạo cử nhân và nhu cầu của thị trường lao động đang như hai con ngựa bất kham chạy về hai hướng. Trong khi thị trường việc làm ngày càng tinh giảm, số trường Đại học ngày một tăng kéo theo số sinh viên ra trường hoặc thất nghiệp hoặc chấp nhận làm những công việc không liên quan đến ngành nghề học.
Trên thực tế, Việt Nam đang có khoảng 2.450 trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề từ thành phố đến cấp huyện. Tuy nhiên, như Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thì “Quy mô lớn nhưng không đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Trường đang đào tạo cái trường có mà không phải cái thị trường cần”.
Hiện Bộ Lao Động đang xây dựng đề án hơn 1.300 tỷ để đưa khoảng 57.000 cử nhân thất nghiệp đi lao động nước ngoài từ nay đến năm 2025. Mục tiêu của đề án là đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ra nước ngoài làm việc, từ đó giảm áp lực nguồn cung làm việc trong nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp của một bộ phận sinh viên mới ra trường.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc xuất khẩu lao động ra nước ngoài cũng chỉ là biện pháp tình thế, không giải quyết được căn cơ gốc rễ vấn đề. Do đó, những câu chuyện như cử nhân đi bán cà phê, đi massage hay làm công nhân vẫn sẽ còn đó, là câu hỏi chờ những nhà làm chính sách đưa ra được lời giải thoả đáng.