Cụ ông gần 90 tuổi là 'thần tượng đầu tư' của Nhật Bản: Dậy từ 2 giờ sáng để giao dịch, gõ phím kiểu 'mổ cò', dùng kính lúp để nhìn màn hình vẫn mua bán cả cổ phiếu Mỹ và Nhật 'ngon ơ'
Ông Shigeru Fujimoto.
Cụ ông 88 tuổi này được ví như Warren Buffett của Nhật Bản nhờ "tài" đầu tư đáng nể.
Tháng 10 năm ngoái, một hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý chứng khoán Nhật Bản cho thấy có một cổ đông nắm giữ hơn 5% cổ phần tại công ty quản lý bất động sản Storage-OH. Sau đó, cổ phiếu công ty này đã tăng 17%.
Thị trường nhanh chóng tìm ra thông tin của vị cổ đông này. Ông là Shigeru Fujimoto, 88 tuổi, từng sở hữu một cửa hàng thú cưng và đang sống ở thành phố Kobe.
Ở một quốc gia mà người gửi tiền mặt và tiền kiệm gần như với mức lãi suất 0, ông Fujimoto lại tích luỹ được một khối tài sản đáng kể. Sau gần 7 thập kỷ đầu tư chứng khoán, ông sở hữu khoảng 2 tỷ yên (14 triệu USD) tài sản.
Ngoài ra, ông cũng có một lượng lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ theo dõi bước đi của ông trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, ông còn sở hữu một cuốn sách nổi tiếng về chiến lược đầu tư của mình. Truyền thông Nhật Bản và những người hâm mộ còn vì ông là "Warren Buffett của Nhật Bản".
Ông Fujimoto bắt đầu đầu tư cách đây gần 70 năm, tức là khi mới 19 tuổi. Ở thời điểm đó, ông trò chuyện với một giám đốc điều hành của một công ty môi giới chứng khoán thường xuyên đến cửa hàng thú cưng nơi ông làm việc. Một trong những cổ phiếu đầu tiên ông mua là những doanh nghiệp sau này trở thành Sharp Co. và công ty lọc dầu Eneos Holdings Inc.
Ban đầu, ông không hoàn toàn tập trung vào việc đầu tư. Ông Fujimoto đã mở một cửa hàng thú cưng, sau đó bán cửa hàng và mở một tiệm mạt chược theo kiểu Nhật Bản. Năm 1986, ông thu về 65 triệu yên nhờ bán cửa hàng và bắt đầu dành toàn bộ thời gian để tập trung vào thị trường tài chính.
Tận dụng “cơn sốt bất động sản” vào cuối những năm 1980, tài sản của ông đã tăng lên 1 tỷ yên. Song, “bong bóng” kinh tế vỡ tung và tài sản của ông giảm xuống còn 200 triệu yên. Ông Fujimoto trải qua một khó khăn khác khi trận động đất Hanshin năm 1995 xảy ra, khiến ông phải di tản và không thể đầu tư trong một khoảng thời gian.
Bước ngoặt đã đến khi Fujimoto bắt đầu “làm quen” với việc giao dịch trực tuyến vào năm 2002. Trước đây, ông chỉ đặt lệnh mua và bán qua điện thoại hoặc giao dịch tại quầy. Lúc đó, ở tuổi 66, ông mới bắt đầu học cách dùng máy tính.
Ông Fujimoto thường làm việc cùng chú vẹt Pi-Chan. Một “ngày làm việc” của ông bắt đầu từ 2 giờ sáng khi hầu hết mọi người đang ngủ say. Nhà đầu tư 88 tuổi khi đó pha cafe và bật 3 màn hình máy tính của mình.
Thời gian gần đây, ông bắt đầu nghiên cứu và giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ông cũng dành thời gian để đọc báo, tài liệu và báo cáo tài chính. Với các thông tin này, ông có thể dự báo hướng đi chung của thị trường Nhật Bản và tổng hợp các vấn đề về cổ phiếu mà ông sẽ giao dịch.
Khi Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo mở cửa lúc 9 giờ sáng, tiếng chuông vang lên báo hiệu các vị thế đã đóng với những cổ phiếu ông Fujimoto đặt lệnh bán. Màn hình máy tính cho thấy mỗi giao dịch đều mang lại lợi nhuận 6 chữ số (tính theo đồng yên).
Ông chia sẻ khi đang gõ bàn phím kiểu “mổ cò” để đặt lệnh: “Thời gian bận rộn nhất của tôi là từ 9 đến 10 giờ sáng”.
Đôi lúc, ông gõ nhầm phím và dòng thông báo “Lỗi” hiện trên màn hình. Ông nói: “Thật là tệ nếu tôi gõ nhầm lệnh mua và bán. Thực ra, thi thoảng tôi cũng rơi vào tình trạng như vậy.”
Nhà đầu tư 88 tuổi thường ghi chép lại các giao dịch của mình vào một cuốn sổ tay và nói rằng mục tiêu của ông chính là Warren Buffett.
Dù sở hữu khối tài sản không nhỏ, song ông Fujimoto không có điện thoại di động hay ô tô. Ông mua chiếc mũ yêu thích với giá vài nghìn yên từ cách đây 15 năm.
Thời gian gần đây, sức khoẻ của ông Fujimoto có dấu hiệu đi xuống. Hồi đầu năm, ông bị nhồi máu cơ tim và không thể ghi chép các giao dịch nhanh như trước. Ông phải sử dụng kính lúp để nhìn rõ chữ trên máy tính nếu quá mệt.
Tuy nhiên, ông vẫn giữ thái độ rất tích cực. Ông nói: “Tôi có thể giao dịch nhiều hơn nếu học cách viết tắt để ghi lại nhanh hơn. Tôi vẫn cải thiện cách giao dịch của mình dù đã yếu đi.”
Tổng hợp
Nhịp sống thị trường