Cụ ông kế thừa kỹ thuật bắt cá cổ xưa: Không dùng cần câu hay lưới, chỉ cần điều khiển những con chim bơi lội cực giỏi
Ông Hoàng Sùng Quý kế thừa nghề bắt cá cổ truyền trên sông Li, ghi lại dấu ấn trong lịch sử văn hóa truyền thống.
- 24-01-2023Những điều kiêng kỵ trong bữa ăn tuyệt đối đừng phạm phải kẻo vận xui ập đến, đen đủi đủ đường
- 24-01-2023Những tiết lộ hiếm về ông trùm Nhựa Long Thành qua lời kể của con trai
- 24-01-2023Ngôi làng kì dị ở xứ dầu mỏ Dubai: Ngày hiện đêm ẩn, các nhà khoa học trăn trở chưa thể tìm ra câu trả lời
- 24-01-2023Đại học Harvard tiết lộ 4 đặc điểm của người dễ thành công ngay từ khi còn nhỏ
- 24-01-2023Đà Lạt mùng 3 Tết đã đông nghịt du khách ghé thăm: Đường phố và hàng quán đều tấp nập, rộn ràng
Hoàng hôn buông xuống, trăng tỏa sáng một vùng tối mênh mông. Mặt nước yên tĩnh, những chiếc bè trúc của ngư dân đồng loạt giăng đèn ra sông. Ngọn đèn dầu như ánh sao lạc dưới nhân gian, ngư dân khoác chiếc áo tơi, dùng sào trúc đẩy bè ra giữa sông, một bữa tiệc “Li Giang ngư hỏa” chính thức bắt đầu.
Đêm bắt cá kết thúc, ngư dân chọn ra vài con cá nhỏ thưởng công cho chim cốc, rồi chèo bè trở về. Dòng sông Li khôi phục một mảng yên tĩnh, như chưa từng có người đi qua.
Phương thức bắt cá được người Trung Quốc sáng tạo sớm nhất không dùng cần câu, cũng không cần lưới, mà thay vào đó là dùng những con chim lặn ngụp trong nước bắt cá. Chỉ bằng cách này, ngư dân thời xưa đã có thể nuôi sống cả gia đình.
Loài chim này chính là chim cốc, hay còn có tên khác là chim ưng nước. Một ngày, một con chim cốc có thể bắt hơn 100 con cá mà không biết mệt mỏi. Chúng làm việc hiệu suất đến mức có thể phá hủy cả sự cân bằng sinh thái trên con sông đó, nên nghề đánh bắt cá theo phương thức cổ xưa này hiện nay đã bị cấm.
Nhưng chỉ riêng ở con sông Li ở Quế Lâm (Giang Tây, Trung Quốc), nghề đánh bắt cá bằng chim cốc ở Dương Sóc vẫn được tồn tại hợp pháp để biểu diễn tiết mục “Li Giang ngư hỏa” và trở thành minh chứng của văn hóa.
Ông lão trong những bức ảnh nổi tiếng trong và ngoài nước Trung Quốc này tên Hoàng Sùng Quý - truyền nhân của nghề bắt cá bằng chim cốc cổ xưa trên sông Li.
Nghề bắt cá bằng chim cốc cổ xưa
"Non nước Quế Lâm giáp thiên hạ, non nước Dương Sóc giáp Quế Lâm".
Sông Li, là "sông mẹ" của Quế Lâm, cũng là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất ở Lĩnh Nam, Trung Quốc. Từ thời Tần, Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh xây dựng tuyến đường quan trọng, lợi dụng sông Li nối thông Bắc-Nam.
"Tôi đã sống bên bờ sông Li từ nhỏ, tất cả mọi thứ đều diễn ra trên thuyền, ăn ở ngủ nghỉ đều trên thuyền. Trước năm 1985, ở nhánh sông này, thuyền ngư dân neo đậu tiếp nối nhau, nhiều vô số kể". Ngư dân Hoàng Sùng Quý, năm nay gần 80 tuổi, hiện là di sản văn hóa phi vật thể cấp thành phố, người kế thừa tiêu biểu cấp huyện của “Li Giang ngư hỏa”. Ông đã chứng kiến những thay đổi thời đại của nghề đánh bắt cá và cuộc sống của ngư dân trên sông Li.
Trước năm 1985, ngư dân dọc hai bên bờ sông Li không có đất riêng của họ, thuyền chính là ngôi nhà di động và sông Li là nguồn sống của họ. Bắt đầu từ năm 1985, chính phủ Trung Quốc đã quy hoạch một vùng đất dọc theo sông Li, cho phép các thế hệ ngư dân trôi dạt trên sông lên bờ định cư, xây dựng nhà cửa.
17 tuổi, Hoàng Sùng Quý bắt đầu cùng cha trở thành ngư phu đánh bắt cá trên sông Li. Ông đã được truyền lại nghề bắt cá bằng chim cốc cổ xưa nghìn năm, đảm bảo gia đình mấy người luôn có cái ăn cái mặc.
Trước đây, Hoàng Sùng Quý nuôi được 8 con chim cốc, đến nay chỉ còn lại 2 con. Những con chim cốc này đều được ông chăm sóc từ lúc chúng nở ra từ trứng.
Chim cốc là loài chim khá hung dữ, giỏi lặn và bắt cá, đã được con người thuần hóa từ xa xưa. Trải qua hàng nghìn năm, chim cốc đã trở thành công cụ kiếm sống của ngư dân trong Li. Đối với ông Hoàng, chim cốc không phải là công cụ kiếm tiền, mà là người bạn đồng hành trong cuộc sống mưu sinh.
Chim cốc có thể bắt cá từ lúc được 3 tháng tuổi và khả năng bắt cá phát triển mạnh nhất khi chúng được 3 năm tuổi. Tuổi thọ của chim cốc được nuôi trung bình mười mấy năm, mắt của chúng sẽ dần mờ đi, động tác chậm chạp, không thể bắt cá. Lúc này, ngư dân vẫn tiếp tục nuôi chúng cho đến khi chết đi.
Ngư dân và chim cốc - đạo hài hòa của con người và thiên nhiên
Nghề đánh bắt cá bằng chim cốc cổ xưa gắn liền với cụm từ “Li Giang ngư hỏa”. Chữ “ngư” là chỉ hoạt động bắt cá điêu luyện của chim cốc. Hẳn rằng nhiều người thắc mắc, tại sao bắt cá trên sông lại không dùng từ “thủy” mang ý nghĩa nước, mà lại cùng “hỏa” (lửa). Song mọi thứ đều có ý nghĩa riêng.
Chữ “hỏa” trong “Li Giang ngư hỏa” là ánh sáng lấp lóe từ ngọn đèn dầu treo lắc lư trên chiếc bè trúc trôi nổi. Ánh sáng từ ngọn đèn hấp dẫn những loài cá có tính hướng sáng trong đêm. Theo đó khi thấy sáng, cá sẽ bơi lại gần bè trúc. Lúc này, ngư dân sẽ dùng gậy dài mạnh lên mặt nước, khiến lũ cá sợ hãi bơi tán loạn khuấy động một vùng nước.
Chim cốc thấy cá xuất hiện nhiều gần mặt nước, chúng sẽ bị kích thích bản năng để bắt thêm nhiều cá hơn. Song sau khi ăn no, chim cốc sẽ không bắt cá nữa. Do đó, để chim cốc bắt cá liên tục, trước tiên ngư dân sẽ dùng rơm bện thành dây buộc ngang cổ chim, nhưng vẫn đảm bảo chúng có thể hít thở bình thường. Việc làm này có mục đích để chim cốc không nuốt cá hoàn toàn xuống bụng, mà bị mắc lại tại cổ. Ngư dân lấy cá ra khỏi miệng chim cốc rồi lại thả chim xuống nước.
Chim cốc bơi trong nước như tên bắn, sử dụng khả năng lặn tuyệt đỉnh bắt những con cá to đang trú ẩn dưới đáy. Chim cốc bắt cá trong miệng rồi theo thói quen quay trở về bè trúc. Ngư dân dùng sào trúc để chim cốc thuận tiện đứng lên bè, sau đó lấy cá trong miệng chim ra. Người và cá phối hợp tài tình, chẳng mấy chốc mà rổ đã đầy cá.
Nhiều người cho rằng phương thức đánh bắt cá này vô cùng tàn nhẫn. Song ở đây đã có sự nhầm lẫn.
Hoàng Sùng Quý kế thừa cả nghề lẫn lời dạy của cha. Ông gọi chim cốc là “dưỡng mệnh tử”, mang ý nghĩa “cho mình một đứa con để nuôi dưỡng cuộc sống”. Ngư dân thời xưa rất yêu thương chim cốc của mình, nuôi chúng như những đứa con trong gia đình. Khi đến mùa hạn hán hay thời tiết không thuận lợi, ngư dân vẫn áp dụng cách đánh bắt thông thường và ra chợ mua cá về cho chim cốc ăn.
Chim cốc bắt cá thay ngư dân, để họ có tiền mưu sinh, lo cơm áo gạo tiền. Còn ngư dân lại cho chim cốc nơi trú ẩn an toàn và nguồn thức ăn ổn định. Do đó, chim cốc được nuôi có thể sống đến hơn 20 năm, vượt xa tuổi thọ trung bình của chim cốc sống ngoài hoang dã.
“Li Giang ngư hỏa” trải qua lịch sử hàng nghìn năm, chính là mối quan hệ tiến hóa để sinh tồn giữa con người và động vật. Đây cũng là đạo hài hòa cao minh giữa con người và thiên nhiên theo quan niệm của người Trung Quốc xưa.
Thể thao & Văn hóa