MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứ ra mắt là bị chê "bình mới rượu cũ": Vì sao Apple và Samsung năm nào cũng cố chấp bán điện thoại mới?

11-10-2024 - 11:30 AM | Thị trường

Dù bị chê là "bình mới rượu cũ", Apple năm nào cũng ra mắt iPhone mới. Lý do là sao?

Cứ vào tháng 9 hàng năm, Apple lại tổ chức sự kiện ra mắt iPhone đình đám. Điều này đã trở thành thông lệ từ nhiều năm và chưa bao giờ có chuyện một năm nào đó hãng không ra mắt iPhone mới.

Áp lực mỗi năm ra mắt một lần cũng khiến cho Apple bị trêu chọc về việc iPhone mới trông giống hệt iPhone cũ.

Tuy nhiên, Apple không phải là công ty duy nhất ra mắt điện thoại theo chu kỳ như vậy. Google, OnePlus và Samsung cũng tương tự, với những thiết bị mới không nhiều đột phá và hao hao thế hệ trước.

Vậy tại sao các công ty công nghệ năm nào cũng cố chấp phát hành điện thoại mới dù "chẳng hề có gì mới"?

Cứ ra mắt là bị chê "bình mới rượu cũ": Vì sao Apple và Samsung năm nào cũng cố chấp bán điện thoại mới?- Ảnh 1.

Vì sao điện thoại mới ra mắt hàng năm?

Khác với giai đoạn đổi mới thần tốc từ thập niên 2010, vào năm 2024, những chiếc điện thoại hàng đầu chỉ có những cải tiến nhỏ so với thế hệ tiền nhiệm.

Không phải vì những gã khổng lồ công nghệ không chịu đầu tư. Thực tế là một thập kỷ phát triển điện thoại thông minh quá nhanh đã đặt kỳ vọng của người dùng lên cao, điện thoại đã phát triển nhiều đến mức việc nâng cấp trở nên khó được ghi nhận hoặc thậm chí là khó nhận ra.

Ngay cả điện thoại màn hình gập, được cho là cải tiến lớn nhất trong những năm gần đây, cũng hầu như không tạo ra tác động. Samsung Galaxy Fold đầu tiên được bán ra cách đây hơn năm năm, nhưng theo ước tính của TrendForce, dòng điện thoại này chỉ chiếm 1,5% thị phần vào năm 2024.

Với tình hình trên, công chúng có thể cho rằng phát hành flagship hàng năm là điều vô nghĩa. Thay vào đó, họ nghĩ các công ty nên đầu tư nguồn lực và dành sức vài năm rồi mới ra mắt điện thoại mới. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế. Các công ty điện thoại hiểu rõ họ được lợi thế nào khi phát hành điện thoại mỗi năm.

Như SellCell ước tính, một bộ phận đáng kể người dùng, khoảng 40,4%, sẽ thay thế điện thoại sau 2 đến 3 năm. Mặc dù Galaxy S24 sẽ không làm kinh ngạc người sở hữu Galaxy S23, nhưng chúng rõ ràng sẽ trở thành thiết bị đáng mua đối với người dùng một chiếc điện thoại đã 3 năm tuổi như S21. Hay nói cách khác, khi bán điện thoại mới, bạn luôn có đối tượng khách hàng tiềm năng.

Điều thú vị khác là người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến điện thoại cao cấp (trên 1.000 USD). Nếu mọi người sẵn sàng chi nhiều tiền cho điện thoại, thì chẳng việc gì mà các công ty như Samsung không ra mắt điện thoại hàng năm.

Không phải ngẫu nhiên mà các sự kiện ra mắt dòng Galaxy S và điện thoại gập của Samsung lại cách nhau nửa năm; bất cứ lúc nào, Samsung cũng có một chiếc điện thoại cao cấp không quá sáu tháng tuổi.

Cứ ra mắt là bị chê "bình mới rượu cũ": Vì sao Apple và Samsung năm nào cũng cố chấp bán điện thoại mới?- Ảnh 2.

Áp lực từ đối thủ cạnh tranh

Việc một hãng không có flagship mới cũng có nguy cơ khiến khách hàng tiềm năng chuyển sang mua thiết bị đối thủ. Nếu iPhone 16 không ra mắt, người dùng khả năng sẽ tìm đến Galaxy S25.

Thực tế là mọi công ty điện thoại lớn đều có chu kỳ phát hành hàng năm, cho phép họ duy trì sự linh hoạt và thích ứng với xu hướng ngành hoặc kỳ vọng của người mua.

Điều tương tự cũng xảy ra với các nhà sản xuất các thành phần phần cứng chip xử lý. Nếu Samsung muốn con chip Snapdragon mới nhất trên điện thoại của họ, các đối tác cũng phải chạy theo.

Ngoài việc là công cụ mang lại doanh thu, điện thoại cao cấp còn là sản phẩm hào quang có thể định hình ấn tượng của công chúng về toàn bộ thương hiệu nhờ vào sự thu hút mà điện thoại đem đến.

Vì vậy, ngay cả khi bạn chê và không mua Galaxy S24 Ultra mới nhất, sự xuất hiện của nó vẫn gây chú ý. Nếu đang tìm mua tai nghe, bạn có nhiều khả năng cân nhắc mua một cặp tai nghe mang nhãn hiệu Samsung nếu điện thoại mới nhất của thương hiệu này đang là xu hướng.

Ít nhất, việc ra mắt điện thoại hàng năm là cơ hội để một công ty nhắc nhở công chúng rằng họ vẫn tồn tại, tạo ra những thứ thú vị và bắt kịp xu hướng.

Mọi sự chú ý của giới truyền thông đều giúp ích cho điều đó — đầu tiên là tin đồn, sau là thông báo chính thức, tiếp theo là các bài đánh giá, thử nghiệm, điểm chuẩn và so sánh.

Và ngay cả khi mọi người không hào hứng với việc ra mắt điện thoại như nhiều năm trước, thì một sự chú ý nhỏ vẫn tốt hơn là không có gì.

Cứ ra mắt là bị chê "bình mới rượu cũ": Vì sao Apple và Samsung năm nào cũng cố chấp bán điện thoại mới?- Ảnh 3.

Người dùng được lợi gì?

Ai cũng như bạn, đều cảm thấy ngành công nghiệp điện thoại thông minh đã trở nên quá nhàm chán và dễ đoán. Sự đổi mới đã chậm lại và những ngày tháng hoàng kim đã qua rồi.

Nhưng đó không hẳn là điều tệ, vì những đổi mới lớn trong quá khứ đã mang đến cho chúng ta những chiếc điện thoại hàng đầu có thể làm tốt mọi thứ. Hầu hết người dùng đều thấy ổn với điều đó.

Những ai cảm thấy mẫu điện thoại vừa được công bố quá giống với thứ mình đang có thì họ không cần phải mua nó. Nhưng với những ai cần nâng cấp, họ sẽ không phải đợi quá lâu để sở hữu công nghệ mới nhất. Những người có ngân sách hạn hẹp thì chọn từ những mẫu điện thoại tầm trung.

Đối với các công ty điện thoại, việc phát hành flagship hàng năm vẫn có ý nghĩa kinh doanh. Chu kỳ quen thuộc này khó có thể thay đổi miễn là đủ doanh số điện thoại mới được bán ra để biện minh cho khoản đầu tư khổng lồ bỏ ra.

Theo Mạnh Kiên

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên