"Cú sốc" dự án thế chấp ngân hàng, doanh nghiệp địa ốc nói gì?
Sau khi danh sách 77 dự án BĐS tại Tp.HCM đang thế chấp ngân hàng được công bố, đã khiến thị trường BĐS "chao đảo" mấy ngày qua, khách hàng hoang mang, nhiều doanh nghiệp bàng hoàng, bức xúc.
- 26-07-2016Người mua dự án thế chấp ngân hàng cần biết những thông tin này
- 26-07-2016Doanh nghiệp địa ốc "phản pháo" khi có tên trong danh sách dự án đang thế chấp ngân hàng
- 26-07-2016Hà Nội: Bất thường 26/300 dự án bất động sản thế chấp ngân hàng
- 26-07-2016Dự án đã bị thế chấp vẫn được phép bán, chuyển nhượng mà không trái luật
- 25-07-2016Dư luận xôn xao dự án thế chấp ngân hàng, hiểu thế nào cho đúng?
Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (TNMT) công bố 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, nhiều đơn vị có tên trong danh sách đã đến Sở TNMT để khiếu nại vì cho rằng mình bị oan. Đa phần các công ty đều khẳng định việc cầm cố dự án là không sai luật, gần như 100% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đều cầm cố dự án nhưng chỉ số ít bị nêu tên, như vậy không công bằng.
Về việc Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát được nêu có thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại tầng 2, 3, 17 thuộc cao ốc Hưng Phát (huyện Nhà Bè) tại Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Sài Gòn, ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT công ty, cho rằng thông tin này gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu của Hưng Lộc Phát và các dự án công ty đang triển khai.
Theo ông Lực, tất cả 10 căn hộ của cao ốc Hưng Phát mà Sở TNMT công bố đang thế chấp ngân hàng đều là những căn hộ được công ty giữ lại phục vụ cho mục đích khác chứ hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào.
Tương tự, 6 sàn thương mại thuộc tầng 2, 3, 17 của dự án cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của công ty. “Do vậy, chúng tôi hoàn toàn có thể thế chấp phần tài sản này cho NH mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc cao ốc Hưng Phát”, ông Lực khẳng định.
Tương tự, ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho rằng số liệu Sở TNMT TP.HCM đưa ra là chưa cập nhật đầy đủ. Cụ thể, trong danh sách có trên 150 khách hàng chưa được Novaland giao sổ hồng, nhưng thực tế những khách này đã dọn vào ở và đã được cấp sổ đỏ. “Số khách chưa được cấp sổ hồng là những người vừa mới mua, hồ sơ đã được chúng tôi nộp lên sở ban ngành theo đúng lộ trình”, ông Huy nói.
Ông Huy cho rằng cách đưa thông tin cô đọng và chưa đầy đủ như trên làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp do người mua nhà chỉ cần biết doanh nghiệp có tên trong bảng danh sách này là hoang mang, nghi ngại.
Một doanh nghiệp khác là công ty Gia Hoà cũng "phản ứng": "Sau khi tên một dự án chung cư của chúng tôi nằm trong danh sách các dự án đang thế chấp ngân hàng được Sở TNMT TP.HCM công bố, nhiều khách hàng và đối tác liên lạc với công ty để chất vấn dù chúng tôi không thế chấp dự án để vay tiền".
"Trong thực tế, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo điều 56 của Luật kinh doanh bất động sản, dự án của Gia Hòa đã được Vietbank nhận thế chấp để bảo lãnh việc sẽ hoàn thành dự án, chứ Gia Hòa không vay vốn tại Vietbank. Việc công bố thông tin các doanh nghiệp đang thế chấp ngân hàng để minh bạch thị trường là cần thiết, nhưng thông tin công bố của Sở TNMT chưa ổn lắm. Lẽ ra phải phân loại và giải thích rõ mục đích thế chấp để tránh ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp." vị đại diện DN này nói
Có lẽ phản ứng khá gay gắt nhất vì bị "bêu" tên trong danh sách này là phía công ty Quốc Cường Gia Lai. Theo đó, trong hai ngày qua doanh nghiệp này đã và đang tỏ ra bức xúc vì 2 dự án của công ty bị đưa vào danh sách đang thế chấp ngân hàng của Sở TNMT. Đại diện công ty khẳng định thông tin mà Văn phòng Đăng ký thuộc Sở TN-MT công bố có nhiều điểm chưa rõ. Do đó, công ty đã gửi đơn khiếu nại đến Sở TN-MT và một số cơ quan báo, đài.
“Đến thời điểm này, Quốc Cường Gia Lai hoàn toàn không thế chấp bất cứ dự án căn hộ nhà ở thương mại nào dù rất nhiều dự án đang xây dựng, đang mở bán và cả dự án sắp giao nhà... Ngay cả dự án rất dễ thế chấp nhất là dự án số 24 Lê Thánh Tôn, quận 1, chúng tôi vẫn không vay và đang giao nhà. Trên thực tế, công ty chỉ vay duy nhất 1 dự án nhà ở xã hội 6B vì lãi suất ưu đãi 5% để cấu thành giá thành rẻ bán cho khách hàng thu nhập thấp", vị đại diện công ty cho biết thêm.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản chuyên phân phối các dự án tại TP.HCM, cho biết khi thông tin doanh nghiệp thế chấp dự án được công bố, rất nhiều khách hàng đã gọi điện, kể cả to tiếng đòi nhân viên môi giới giải thích.
"Sau sự cố The Harmona, nhiều người nghĩ chuyện thế chấp dự án là rất tiêu cực, nhưng thực sự đa phần các chủ đầu tư, kể cả những doanh nghiệp uy tín, có vốn ngoại họ cũng thế chấp để vay vốn, miễn sao họ làm đúng quy định, giải chấp căn hộ đó trước khi bán cho khách hàng. Do vậy, thà không công bố thông tin thì thôi, đã công bố thì phải cụ thể để không bị xáo trộn thị trường", đại diện của Sàn BĐS này nói.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), khẳng định bảng công bố danh sách của Sở TNMT có nhiều chỗ chưa rõ ràng, ví dụ như thửa đất là như thế nào, diện tích bao nhiêu hay là tình trạng thế chấp của dự án là để làm gì, vay tiền hay thế chấp để bảo lãnh tín dụng cho người mua nhà...
Chưa kể, tên một số cá nhân người nước ngoài cũng bị nêu trong danh sách này. Trong khi thực tế, họ chỉ là những cá nhân, thế chấp dự án vay tiền mua chính dự án này hay vay tiền vào việc khác là điều hết sức bình thường, do đó việc công bố sẽ ảnh hưởng đến bí mật làm ăn của họ.
Ông Châu cho rằng việc công bố danh tính các doanh nghiệp có dự án thế chấp phải rõ ràng, cụ thể để tránh làm cho người mua nhà hiểu sai và hoang mang, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Đứng từ góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Vietbank, giải thích nguyên tắc cấp tín dụng là phải có tài sản bảo đảm. Nếu một dự án được thế chấp để bảo lãnh cho khách hàng thì dự án đó tốt vì thủ tục đầy đủ từ giấy phép xây dựng, hoàn thành phần móng, đã đóng tiền sử dụng đất... Một dự án đã thế chấp thì khi bán cho khách hàng, chủ đầu tư phải giải chấp.
Đơn cử một dự án có 1.700 căn mà đã bán 1.000 căn thì 1.000 căn không còn thế chấp nữa, chỉ còn 700 căn của dự án đang thế chấp tại ngân hàng mà thôi. Đứng về góc độ khách hàng, để yên tâm khi mua một dự án nào đó, khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư khi ký hợp đồng bán căn hộ nào đó phải có thông báo giải chấp từ ngân hàng đang cầm cố dự án. Đồng thời phải có chứng thư bảo lãnh mua nhà hình thành trong tương lai của các nhà băng. Văn bản giải chấp gửi Văn phòng đăng ký đất đai sẽ được gửi đến Sở Xây dựng, Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM.