“Cú sốc” mang tên Nga luôn chực đẩy giá vàng tới mức cao kỷ lục
Giá vàng mấy ngày gần đây liên tục giảm, nhưng hoàn toàn có khả năng sẽ đột ngột đảo chiều tăng lên mức cao kỷ lục do cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ kìm hãm nền kinh tế toàn cầu, từ đó làm tăng nhu cầu đối với kim loại vốn được coi là “kho của cải an toàn”.
- 11-03-2022"Hiện tượng kỳ cục" mang tính nhất thời của giá vàng trong nước
- 11-03-2022Sau cơn sốt giá vàng, nhà đầu tư ngậm 'trái đắng' ra sao?
- 11-03-2022Giá vàng tăng trở lại mốc 70 triệu đồng/lượng
Giá vàng ngày thứ Sáu (11/3) tiếp tục lùi xa khỏi ngưỡng 2.000 USD, với vàng giao ngay xuống khoảng 1.975 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tương lai khoảng 1.980 USD, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã đạt được một số tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Ukraine.
Chỉ vài ngày trước đó, hôm 8/3, giá vàng giao ngay đạt 2.069,89 USD – gần sát mức cao kỷ lục của mọi thời đại, là 2.072,50 USD đạt được vào năm 2020, và cao hơn nhiều so với mức khoảng 1.800 USD đầu năm 2022.
Giá vàng cao kỷ lục.
Nga là nước sản xuất hàng hóa lớn, và việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine đã gây ra các lệnh trừng phạt, tẩy chay hàng hóa Nga, đẩy giá dầu, khí đốt, kim loại và sản phẩm cây trồng tăng vọt, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của toàn cầu.
David Meger, giám đốc kinh doanh kim loại thuộc High Ridge Futures cho biết: "Trong ngắn hạn, thị trường có thể tạm ‘nghỉ ngơi’, nhưng nhiều yếu tố cơ bản tích cực, như lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn đó".
Với lạm phát Mỹ tăng vọt vào tháng 2, tỷ lệ đặt cược của thị trường rằng ngân hàng trung ương nước này sẽ tăng lãi suất tham chiếu qua đêm lên ít nhất 25 điểm cơ bản vào kỳ họp sắp tới, sẽ diễn ra vào ngày 16 tháng 3 đã tăng lên 94%, theo Công cụ FedWatch của CME.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: "Giá năng lượng và thực phẩm tăng lên báo trước những bất ngờ về lạm phát ở phía trước, điều này sẽ khiến lãi suất thực của Mỹ thấp hơn trong thời gian dài hơn". Điều đó sẽ giúp vàng, vốn thường được sử dụng như một hàng rào chống lại lạm phát cũng như sự bất ổn về kinh tế và chính trị, tăng giá. Vàng cũng phổ biến hơn khi lợi nhuận từ trái phiếu, một tài sản cạnh tranh, ở mức thấp.
"Rõ ràng là thị trường xác định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có những đợt tăng lãi suất tiếp theo. Nhưng lộ trình của những đợt tăng đó như thế nào là điều mà thị trường chưa vội quan tâm vào lúc này", ông Meger cho biết, đồng thời khẳng định: "Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng giá kim loại quý tăng lên ... do căng thẳng này sẽ rất có ý nghĩa đối với lạm phát (tăng), tăng trưởng (giảm) và kỳ vọng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương (ít hơn)", Ole Hansen, nhà phân tích ngân hàng Saxo, cho biết.
Lợi suất thực của trái phiếu kho bạc Mỹ giảm hỗ trợ giá vàng.
Goldman Sachs đã nâng dự báo của mình, cho biết cả ba nhóm người mua chính - nhà đầu tư, ngân hàng trung ương và người tiêu dùng trang sức và các sản phẩm vàng - đều tăng cường mua vàng, đồng thời dự báo kim loại này có thể đạt mức giá 2.500 USD trong vòng 6 tháng tới.
Các nhà phân tích của Goldman cho biết: "Lần cuối cùng mà chúng tôi chứng kiến tất cả các yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu đồng loạt tăng tốc là vào năm 2010 - 2011 khi giá vàng tăng gần 70%".
Ngân hàng trung ương Nga vào tháng trước cho biết họ sẽ bắt đầu mua vàng trở lại, và Goldman cho biết các ngân hàng trung ương khác, khi thấy các lệnh trừng phạt đóng băng dự trữ ngoại tệ của Nga, cũng có thể muốn nhiều vàng hơn.
Nhu cầu vàng toàn cầu năm 2021.
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất, tính đến ngày 2/3, các nhà đầu cơ đã tăng vị thế mua ròng vàng trên sàn giao dịch COMEX lên 16,8 triệu ounce (520 tấn), trị giá khoảng 33 tỷ USD - cao nhất kể từ tháng 8 năm 2020 - từ 6,25 triệu ounce vào đầu tháng 2/2022.
Các quỹ tăng mua vàng trên sàn COMEX.
Các nhà đầu tư cũng đổ tiền vào các quỹ giao dịch hối đoái có kho dự trữ vàng miếng, tăng thêm 3 triệu ounce (94 tấn), trị giá gần 5 tỷ USD trong 10 ngày đầu tháng 3, theo Hội đồng Vàng Thế giới.
Tương quan giữa lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF và giá vàng.
Nguồn cung vàng cũng trở nên bấp bênh khi Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) hôm thứ Hai (7/3) cho biết họ đã đình chỉ công nhận sáu nhà máy tinh luyện kim loại quý của Nga, có nghĩa là các nhà máy đó sẽ không thể bán vàng và bạc trên thị trường London nữa.
LBMA là thị trường giao dịch vàng lớn nhất thế giới.
Sáu nhà máy luyện vàng bị LBMA đình chỉ là JSC Krastsvetmet, JSC Novosibirsk Refinery, JSC Uralelectromed, Moscow Special Alloys Processing Plant, Prioksky Plant of Non-Ferrous Metals và Shyolkovsky Factory of Secondary Precious Metals.
Tất cả những cơ sở này đều được công nhận sản xuất cả vàng và bạc, ngoại trừ Moscow Special Alloys Processing Plant, nơi chỉ được công nhận về vàng.
"Sáu nhà máy tinh luyện này sẽ không còn được thị trường LBMA chấp nhận là "Giao hàng Tốt" cho đến khi có thông báo mới", LBMA cho biết trong một thông báo.
Theo các nhà tư vấn của Metals Focus, Nga sản xuất khoảng 330 tấn vàng mỗi năm, trị giá khoảng 20 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng lượng vàng được khai thác trên toàn thế giới. Nga cũng sản xuất khoảng 1.350 tấn bạc mỗi năm trị giá khoảng 1 tỷ USD, chiếm khoảng 5% nguồn cung cấp mỏ toàn cầu.
Hầu hết kim loại đó được mua bởi các ngân hàng thương mại của Nga, sau đó họ gửi đến các nhà máy tinh chế trước khi bán ra nước ngoài hoặc bán cho ngân hàng trung ương Nga.
Ngân hàng trung ương Nga ngày 27 tháng 2 cho biết sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước.
Nhưng nhà phân tích Staunovo của UBS cảnh báo không nên đặt cược vào khả năng giá vàng tăng rất mạnh. Một khi tình hình ở Ukraine được xoa dịu hoặc một tác động kinh tế nào đó xảy ra sẽ có thể khiến dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán và đẩy lợi suất trái phiếu tăng.
Ông Staunovo cho biết: "Để chuyển sang xu hướng tăng giá đối với vàng, chúng ta cần phải chứng kiến một sự kiện kiểu lạm phát đình trệ khiến tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh".
Tham khảo: Reuters