MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cử tri cho rằng quy định nồng độ cồn bằng 0 là "rất khó khăn cho người dân" - Bộ GTVT nói gì?

28-01-2024 - 09:02 AM | Xã hội

Cử tri gửi kiến nghị cho rằng quy định nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay là rất khó khăn cho người dân và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ.

Mới đây, Bộ GTVT đã có Công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình đề nghị điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông.

Trong Công văn của Bộ này có trích các kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình cho rằng, "theo quy định của pháp luật thì không có mức tối thiểu cho nồng độ cồn khi tham gia giao thông, đây là quy định khá nghiêm khắc trong luật, áp dụng để ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông với tỷ lệ tuyệt đối mà không có nới lỏng về ngưỡng giới hạn bị xử phạt".

Cũng theo quan điểm của cử tri tỉnh Hòa Bình, cho rằng, trên thực tế, "việc quy định tuyệt đối mà không có ngưỡng giới hạn tối thiểu nồng độ cồn bị xử phạt như hiện nay là rất khó khăn cho người dân và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ".

Nhiều trường hợp người dân có sử dụng rượu bia từ trưa hoặc tối hôm trước nhưng khi kiểm tra nồng độ cồn thì đa số vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở nên các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định.

Từ đó, cử tri "đề nghị điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông".

Cử tri kiến nghị quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông - Ảnh minh hoạ: H.N

Bộ GTVT: Đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng

Trả lời về những đề nghị trên của cử tri tỉnh Hoà Bình, đại diện Bộ GTVT cho biết "đã nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, Bộ cũng xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các Bộ, ban ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ đồng ý ban hành".

Có thể thấy, việc quy định như đã nêu nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, qua đó hạn chế tai nạn giao thông; người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.

Thêm vào đó, thực tế cho thấy thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Thời gian qua khi lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, ý thức của người dân đã được nâng cao.

Hiện nay, quy định trên tiếp tục được đưa vào Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm tính khả thi.

Hôm 24/1, tài xế Hà Quang Tùng ở Bắc Giang đã lái xe bán tải trốn đo nồng độ cồn, xe kéo lê chiếc xe môtô CSGT trên đường - Ảnh cắt từ clip

Cùng quan điểm với Bộ GTVT, trước đó, buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2023 của Bộ Công an hồi tháng 12/2023, thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cũng trả lời về vấn đề này.

Tại buổi họp, Thiếu tướng Nguyên dẫn theo số liệu thống kê trong năm vừa qua đã giảm được hơn 1.900 người chết vì tai nạn giao thông. Đây là số liệu làm cơ sở để Ban soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội nội dung trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đó là quy định nồng độ cồn bằng 0 đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Vì vậy, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết.

Quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.

Bên cạnh những nội dung tương tự với Bộ GTVT và Thiếu tướng Nguyên, giải trình vấn đề này trước quốc hội hồi cuối tháng 11/2023, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhận định rằng, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.

Do đó, với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ông Tô Lâm khẳng định Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.

Quy định cấm Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được đưa vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia từ giữa năm 2019. Điều 8 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng tiếp tục kế thừa quy định này.

Bên cạnh nhiều cử tri đồng ý với quy định này thì cũng có một số cử tri cho rằng nên quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tức cho phép lái xe có nồng độ cồn nhất định, nếu vượt ngưỡng cho phép mới bị xử phạt.

Theo Trang Anh

Đời sống và pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên