MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cú ‘vỗ mặt’ Fed từ thị trường trái phiếu Mỹ

21-03-2021 - 10:26 AM | Tài chính quốc tế

Cú ‘vỗ mặt’ Fed từ thị trường trái phiếu Mỹ

Thị trường trái phiếu Mỹ có phiên giao dịch khó lường hôm 18/3, sau khi Fed tỏ ý sẵn sàng cho phép kinh tế và lạm phát tăng nóng trong lúc thị trường việc làm phục hồi.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 1,64% cuối ngày 17/3 lên 1,75% trong sáng 18/3, cao nhất 14 tháng, trước khi hạ nhiệt còn 1,706% vào phiên chiều.

Lợi suất trái phiếu – diễn biến ngược chiều với giá trái phiếu – tăng một ngày sau khi chủ tịch Fed Jerome Powell trấn an thị trường rằng ngân hàng trung ương Mỹ chưa thu hồi chương trình mua trái phiếu cùng các biện pháp hỗ trợ khác.

Trong khi giới đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp cho biết không có diễn biến nào “châm ngòi” lợi suất trong phiên 18/3, sự chú ý từ thị trường dường như tập trung vào thông tin Fed định để lạm phát “tăng nóng”.

“Tôi nghĩ thị trường trái phiếu cho rằng lạm phát đang xuất hiện bởi Fed trấn an chúng ta rằng họ có thể chấp nhận lạm phát tăng nóng”, Sonal Desai, giám đốc đầu tư tại Franklin Templeton Fixed Income Group, nói.

Cú ‘vỗ mặt’ Fed từ thị trường trái phiếu Mỹ - Ảnh 1.

Diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trước và sau khi Fed họp.


Đường cong lợi suất dốc lên

Lợi suất trái phiếu tăng lúc này chưa tạo ra nguy cơ cho nền kinh tế. Giới chiến lược gia nhận định lợi suất vẫn tương đối thấp, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo bùng nổ năm nay. Tuy nhiên, biến động qua đêm lại đặc biệt đáng kể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chỉ là 1,07% cách đây 6 tuần.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm được theo dõi phổ biến bởi có ảnh hưởng đến lãi suất vay thế chấp, cho vay tiêu dùng, kinh doanh.

Thị trường trái phiếu gần như không biến động trong chiều 17/3, sau khi Fed ra thông báo lúc 14h00 ET (2h00 ngày 18/3 giờ Hà Nội) và sau khi Powell trả lời báo giới.

Desai lưu ý hệ quả từ phản ứng của thị trường là một đường cong lợi suất dốc hơn, tức chênh lệch lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn khác nhau gia tăng, như kỳ hạn 2 năm so với 10 năm. Đường cong lợi suất dốc lên thường được coi là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng, đường cong thẳng dần có thể là tín hiệu cảnh báo.

Ralph Axel, chiến lược gia về lãi suất Mỹ tại Bank of America, nói thị trường ngày 17/3 chỉ phản ứng với một phần thông báo mang thông điệp trái chiều từ Fed.

“Thông điệp đầu tiên khiến mọi người bất ngờ là ‘chúng tôi không tin vào việc tăng lãi suất trong năm 2023’”, Axel nói. “Tôi nghĩ đó chính là nơi thu hút sự chú ý ban đầu, giúp kìm hãm phần nào phản ứng từ thị trường”. Thông điệp thứ hai là Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, để nền kinh tế tăng trưởng nóng, cho phép lạm phát tăng trong lúc thị trường lao động phục hồi.

Thông điệp về lạm phát

Thị trường phản ứng trực tiếp với quan điểm cho phép lạm phát tăng nóng quanh 2% - mức mục tiêu của Fed.

“Thị trường muốn hiểu mục tiêu lạm phát trung bình nghĩa là thế nào trong thực tế”, Axel nói. “Chúng ta đang hiểu đó là tăng trưởng cao hơn, lạm phát cao hơn trong dài hạn, đồng nghĩa lãi suất cao hơn. Khi thị trường đã quen với áp lực lạm phát, Fed sẽ bắt đầu thắt chặt lại. Họ sẽ dừng đà phục hồi sớm hơn một chút”.

Quan điểm ở đây là để ngăn các giai đoạn tăng trưởng mạnh rồi vỡ bong bóng cũng như giảm nguy cơ xảy ra các đợt suy thoái sâu hơn. Tuy nhiên, Fed giờ đang đối mặt một nền kinh tế tiềm năng bùng nổ, theo Axel.

CNBC/Moody’s Analytics Rapid Update dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II có thể trên 9%.

Lạm phát vẫn thấp, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi (không gồm thực phẩm và năng lượng) trong tháng 2 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 3, lạm phát có thể tăng do giá cả cùng kỳ năm trước giảm vì ảnh hưởng từ Covid-19.

Thị trường thử thách Fed với dự báo lãi suất tăng trong năm 2023. Trong khi đó, bảng dự báo lãi suất (dot plot) của ngân hàng trung ương Mỹ lại chưa có sự đồng thuận hoàn toàn với quan điểm này.

Cú ‘vỗ mặt’ Fed từ thị trường trái phiếu Mỹ - Ảnh 2.

Diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm một năm qua.


Nguồn cung trái phiếu

Tony Crescenzi, nhà quản lý danh mục đầu tư kiêm chiến lược gia thị trường tại Pimco, nói thị trường còn kỳ vọng có thêm trái phiếu chính phủ Mỹ được phát hành để tài trợ cho các gói hỗ trợ kinh tế, gần nhất có quy mô 1.900 tỷ USD từ chính quyền Tổng thống Joe Biden. “Câu chuyện là cung trái phiếu dự báo tăng, khả năng hấp thụ nguồn cung bổ sung đó của thị trường và lo ngại lạm phát”.

Thị trường cho rằng lạm phát trong 10 năm tới trung bình ở 2,3%.

“Do đó, miễn là các điều kiện tài chính nói chung vẫn có lợi cho tăng trưởng kinh tế, Fed không cần phải lo ngại khi tăng lãi suất”, Crescenzi cho biết.

Phố Wall chao đảo

Phố Wall gần đây tăng rồi lại giảm trước diễn biến trên thị trường trái phiếu. Ngày 18/3, Phố Wall bị bán mạnh sau phiên lập đỉnh trước đó, chỉ số Nasdaq – lĩnh vực công nghệ chiếm tỷ trọng lớn – chịu ảnh hưởng đáng kể.

“Tôi không sốc nếu Phố Wall có thêm một phiên lao dốc mạnh hơn khi lợi suất trái phiếu 10 năm tiến nhanh về 2%”, theo James Paulsen, giám đốc đầu tư chiến lược tại The Leuthold Group. Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ lo ngại nếu lợi suất trái phiếu vẫn tăng nhanh. Nếu điều chỉnh được về mức tăng bình thường, mọi thứ không thành vấn đề. 

Paulsen dự báo lợi suất trái phiếu 10 năm chạm 2% vào cuối năm nay.

Với Crescenzi, thông báo từ Fed ngày 17/3 có thể là tín hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có cách nhìn mới. “Dường như Fed có quan điểm bao quát hơn bởi Powell nêu các điều kiện tài chính một cách tổng thể, thay vì chỉ tập trung vào lợi suất”.

Theo Như Tâm

NDH

Trở lên trên