MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cửa sáng' cho phân khúc nhà đất, biệt thự nửa cuối 2020

27-07-2020 - 08:15 AM | Bất động sản

Theo Savills Việt Nam, thị trường nhà đất và biệt thự liền kề tại Hà Nội hiện là một trong những phân khúc 'sáng cửa' nhất, do thị trường vẫn đảm bảo được nguồn cung và nguồn cầu.

Nguồn cung mới tăng trưởng

Trong quý II/2020, sau giai đoạn giãn cách xã hội, 8 dự án mới được triển khai và giai đoạn mới của hai dự án trước đó, đã cung cấp cho thị trường khoảng 790 căn, tăng 17% theo quý nhưng vẫn giảm -44% theo năm. Quận Tây Hồ dẫn đầu nguồn cung mới với các dự án của Tập đoàn Sunshine tại Ciputra. Hầu hết các dự án mới trong quý này đã bắt đầu quá trình huy động vốn, gần một năm đối với một số dự án, với các phương thức đa dạng bao gồm hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư hay hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Hà Đông, với hai dự án mới triển khai gồm là Kiến Hưng Luxury và Mipec City View, tiếp tục dẫn đầu nguồn cung sơ cấp với 38% thị phần. Theo Savills Việt Nam, Hà Đông sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường trong phần còn lại của năm.

Tình hình hoạt động được cải thiện với khoảng 470 căn bán được, tăng 67% theo quý nhưng giảm -78% theo năm. Bên cạnh sở hữu nguồn cung sơ cấp cao nhất, Hà Đông cũng dẫn đầu lượng giao dịch với 34% thị phần. Tỷ lệ hấp thụ trong quý vẫn ở mức thấp nhất trong ba năm, tại mức 25%, giảm -39 điểm % theo năm nhưng đã tăng 4 điểm % theo quý.

Mặc dù đại dịch khiến nền kinh tế phát triển chậm lại và gia tăng sự thận trọng của người mua, với nguồn cung mới tăng trưởng, hoạt động được cải thiện, cùng với tỷ lệ hấp thụ tăng, Savills dự kiến hiệu suất hoạt động sẽ phục hồi vào quý IV/2020.

Giá sơ cấp trung bình tăng trong quý II do nguồn cung mới có giá cao. Giá sơ cấp trung bình của biệt thự là 4.764 USD/m2, tăng 19% theo quý. Trong khi đó, giá trung bình liền kề đạt 4.458 USD/m2, tăng 9% theo quý; và Shophouse khoảng 7.306 USD/m2, tăng 18% theo quý.

Trong các dự án mới, Tập đoàn Sunshine có giá chào bán cao nhất do các dự án có vị trí đắc địa ngay tại quận Tây Hồ. Giá trung bình thứ cấp toàn thị trường tăng nhẹ, tăng 1,1% theo quý cho Biệt thự, tăng 0,5% theo quý cho liền kề và tăng 0,1% theo quý cho Shophouse.

"Sự hạn chế trong nguồn cung là một vấn đề quan ngại. Tuy vậy, việc phát triển tới các khu vực ngoại thành sẽ giúp gia tăng nguồn cung và thêm nhiều sự lựa chọn. Các chủ đầu tư tiếp tục hướng đến phát triển các sản phẩm nhà liền kề và shophouse phù hợp với tầng lớp trung lưu", ông Matthew Powell, giám đốc Savills Hà Nội cho biết.

Triển vọng 6 tháng cuối năm 2020

Trong nửa cuối năm 2020, sẽ có tám dự án được triển khai mở bán hoặc mở thêm giai đoạn tiếp theo, cung cấp gần 1.700 căn, chủ yếu ở Huyện Đan Phượng và Quận Hà Đông. Vingroup và Him Lam dẫn đầu nguồn cung tương lai trong nửa cuối năm 2020.

Từ năm 2016 đến 2019, năm chủ đầu tư dẫn đầu nguồn cung mới gồm Vingroup, Gamuda Land Việt Nam, Nam Cường Group, Bitexco và Vimefulland với Vingroup luôn chiếm thị phần lớn nhất trong khoảng thời gian này, khoảng 39% thị phần. Vingroup hiện chưa mở bán dự án thấp tầng nào ở Hà Nội trong nửa đầu năm 2020 nhưng dự định sẽ mở bán giai đoạn đầu của dự án Vinhomes Wonder Park ở Huyện Đan Phượng cuối năm nay. Vingroup cũng được kỳ vọng sẽ dẫn đầu nguồn cung mới trong năm 2020.

Nguồn cung mới trong năm 2020 chủ yếu nằm ở khu vực ven của các quận trung tâm do quỹ đất hạn chế để phát triển các dự án biệt thự/liền kề với quy mô vừa tới lớn. Những dự án biệt thự/liền kề mới với quy mô lớn đều tập trung ở các khu ngoại thành như Vinhomes Wonder Park ở Đan Phượng, BRG – Sumitomo Smart City ở Đông Anh, Xuân Mai Smart City ở Chương Mỹ, hay hai khu đô thị của Vinhomes ở Hòa Lạc. Việc đầu tư phát triển tới các khu đô thị vệ tinh sẽ ngày càng rõ ràng hơn.

Gần đây vào ngày 28/5, Thủ Tướng đã ban hành Nghị định số 705/QĐ-TTg thông qua quy hoạch chung của đô thị Hòa Lạc tới năm 2030 với tỷ lệ 1/10.000. Một vài dự án nhà ở thấp tầng ở Hòa Lạc đang được mở bán dưới hình thức đất nền như Hòa Lạc Premier Residence, Hòa Lạc Lotus, hay Lucky Hill. Một số dự án cho phép người mua được tự xây dựng theo quy hoạch được duyệt hoặc trả tiền xây dựng cho chủ đầu tư để thi công.

Không chỉ vậy, hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển ở Hà Nội vào ngày 27/6 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc quan trọng về việc thu hút đầu tư vào Hà Nội, đặc biệt trong giai đoạn ngay sau đại dịch. Hội nghị thu hút khoảng 1.200 chủ đầu tư trong và ngoài nước; 229 dự án được chứng nhận đầu tư với tổng số vốn lên tới 17,6 triệu USD.

Một số dự án nhà ở lớn được nhận giấy chứng nhận như khu đô thị Mai Lâm, Xuân Canh, Đông Hội tại Huyện Đông Anh, khu đô thị Tây Hồ Tây, Lê Trọng Tấn Geleximco, Kim Chung Di Trạch, An Lạc Green Symphony, CEO Mê Linh, Thanh Lâm Đại Thịnh 2 và giai đoạn tiếp theo của Gamuda Garden. Với tốc độ tăng trưởng dân số đô thị trung bình 2,3% mỗi năm và là thành phố đông dân thứ hai sau TP. HCM, dòng vốn đầu tư mạnh cùng lượng cung tương lai lớn, triển vọng cho thị trường biệt thự/liền kề ở Hà Nội sẽ rất hứa hẹn.

Theo Thanh Trần

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên