Cục Di sản nói gì về “siêu dự án” tâm linh 15.000 tỉ tại chùa Hương?
Cục Di sản (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) cho biết chưa nhận được hồ sơ của “siêu dự án” 15.000 tỉ đồng tại chùa Hương từ phía doanh nghiệp Xuân Trường.
Như Báo Lao Động đã thông tin, những ngày qua, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi báo cáo UBND TP.Hà Nội về việc doanh nghiệp Xuân Trường (Ninh Bình) đề nghị đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn (Hương Sơn, Mỹ Đức) với tổng vốn đầu tư 15.000 tỉ khiến dư luận hết sức xôn xao.
DN Xuân Trường cho biết, nếu được triển khai, khu du lịch sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và thu ngân sách 1.000 tỉ đồng/năm.
Quy hoạch không gian kiến trúc khu du lịch Hương Sơn.
Đáng chú ý, báo cáo thể hiện nội dung: Chủ đầu tư đề nghị Nhà nước đầu tư toàn bộ cho giải phóng mặt bằng và hạ tầng, còn Xuân Trường chỉ đầu tư xây dựng các khu tâm linh, khu dịch vụ…
Bên cạnh đó, DN này cũng đề cập đến việc sẽ xây dựng một số trạm thu phí để đón luồng khách từ các tỉnh thành lân cận.
Trong khi chính quyền địa phương vẫn tỏ ra mơ hồ về dự án cùng với những lo ngại "dự án sẽ chồng dự án" thì nhiều chuyên gia văn hóa – du lịch và Đại biểu Quốc hội tỏ rõ sự lo lắng dự án được triển khai sẽ ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống, giá trị văn hóa mang tính cốt lõi.
Chưa trình hồ sơ lên Cục Di sản
Theo thông tư quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, khi đơn vị, tổ chức nào có hoạt động tác động đến hiện trạng của các di tích, phải trình hồ sơ và nhận được sự đồng thuận của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, thông qua Cục Di sản văn hóa.
"Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồ sơ nào của dự án này từ chủ đầu tư là doanh nghiệp Xuân Trường", Cục phó Cục Di sản văn hóa cho biết.
Ông Thành khẳng định, do chưa nhận được hồ sơ nên phía Cục Di sản cũng chưa thể đưa ra thẩm định và đánh giá gì về dự án này.
Cũng liên quan đến "siêu dự án" này, TS.Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết:
"Nhìn từ góc độ văn hóa, vấn đề không đơn giản. Bái Đính khác với Chùa Hương. Chùa Hương là một di sản quốc gia. Đầu tư vào nó phải đầu tư trên cơ sở đúng Luật Di sản".
GS.TS Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ Môi trường Việt Nam thì cho rằng: "Nếu triển khai "siêu dự án" thì khó tránh khỏi những nguy cơ về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, thay đổi hiện trạng di tích... do lưu lượng người đổ về chùa Hương hiện tại cũng đã rất đông rồi".
Không chỉ các chuyên gia văn hóa – xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng vô cùng lo ngại về dự án này.
Theo quy định, dự án nằm ở khu vực có Di tích quốc gia đặc biệt và nguồn vốn lớn hơn 10.000 tỉ đồng thì dự án thuộc nhóm A, cần có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
"Theo thông tin tôi nắm được thì "siêu dự án" này chưa được phê duyệt từ Thủ tướng", bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề Quốc hội, nói với PV Lao Động, đồng thời bày tỏ sự lo ngại như rất nhiều các chuyên gia khác