Cục trưởng A68 Bộ Công an: Luật An ninh mạng không ảnh hưởng gì đến tự do ngôn luận
Ngoài đời thật có 29 nội dung của Bộ Luật hình sự cấm, thì ảo cũng phải cấm. Không thể đe dọa giết người trên mạng được tự do, đe dọa giết người ở đời thực lại bị bắt - Cục trưởng A68 nhấn mạnh.
- 15-06-2018Tổng Thư ký Quốc hội: Luật an ninh mạng sẽ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người dân
- 14-06-2018Luật An ninh mạng quy định như thế nào về việc bày tỏ ý kiến cá nhân?
- 14-06-2018ĐBQH: Không có cơ sở nói Luật An ninh mạng hạn chế quyền con người, quyền công dân
- 12-06-2018Luật An ninh mạng: Những thông tin bị nghiêm cấm và hình thức xử lý
Facebook, Google có phản ứng như thế nào với Luật An ninh mạng
Sáng 15/6, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (A68, Bộ Công an) đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua.
- Trong quá trình xây dựng Dự án Luật An ninh mạng, Ban soạn thảo có làm việc với phía Google, Facebook không? Ý kiến của họ như thế nào khi Luật yêu cầu đặt chi nhánh và lưu trữ dữ liệu người dùng?
- Chúng ta xây dựng Dự thảo Luật An ninh mạng từ tháng 11/2016 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban soạn thảo gồm nhiều Bộ, ngành như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao. Về việc đặt máy chủ đã được quy định tại Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ.
Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi đã tiếp cận với người có trách nhiệm của Faceboook, Google và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á để giải thích, lắng nghe, tiếp thu theo tinh thần cầu thị.
Khi trao đổi, đại diện của các tập đoàn chưa có ý kiến gì khác. Họ cũng thấy Luật phù hợp và cho biết sẽ điều chỉnh chiến lược. Có thể khẳng định rằng, Ban soạn thảo đã cầu thị tiếp thu và điều chỉnh phù hợp với các ý kiến.
- Như vậy, có khả năng Facebook, Google rời khỏi thị trường Việt Nam sau khi thông qua Luật An ninh mạng không?
- Chưa có thông tin nào như vậy cả. Ở Việt Nam, với 48 triệu tài khoản là thị phần rất lớn và chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Facebook, Google.
- Một số ý kiến cho rằng, Luật ra đời đã vi phạm các Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam ký kết?
- Chưa bao giờ có vi phạm nào cả, chúng tôi đã rà soát và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình rất đầy đủ.
Tôi đã lắng nghe các nhà ngoại giao với vai trò thành viên ban biên soạn, họ đều khẳng định có ngoại lệ và quốc gia nào cũng ban hành Luật như vậy.
- Sau khi Luật được Quốc hội thông qua, ban soạn thảo nhận được phản hồi gì từ các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp như Facebook, Google?
- Đến giờ phút này tôi chưa nhận được bất cứ thông số nào.
Những người sử dụng không gian mạng để kích động, chia rẽ, xuyên tạc, bịa đặt thì họ cứ đồn rằng dư luận thế này, dư luận sẽ khác.
Tôi tin rằng nếu làm việc với VNPT, với Viettel, các bạn sẽ có câu trả lời chính xác. Trong khuôn khổ luật này có những nhóm bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp viễn thông mà trước đây chưa bao giờ có.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng A68.
- Có lo ngại, doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm chi phí khi thực hiện Luật An ninh mạng?
- Các doanh nghiệp trong nước không phát sinh gì cả. Còn các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google sẽ phải đóng thuế. Tại sao chúng ta không lo để đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
Về vấn đề lưu trữ dữ liệu, không phải doanh nghiệp nào cũng phải đặt văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu.
Chúng ta sẽ có quy định rất cụ thể. Số lượng doanh nghiệp phải đặt văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu sẽ được chọn lọc rất kỹ.
Không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân
- Hiện nay, dư luận bày tỏ lo ngại Luật An ninh mạng sau khi được thi hành sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của cá nhân trên mạng xã hội. điều này?
- Luật này không ảnh hưởng gì đến quyền tự do ngôn luận. Chúng ta được nói, phản biện các vấn đề, miễn không vi phạm pháp luật hình sự đã quy chiếu.
Có thể thấy chưa có Luật nào đưa ra những điều khoản bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng mới như Luật này. Chúng ta có thể thấy rất nhiều graphic, motion đưa lên không gian mạng trong mấy ngày hôm nay đã giải thích rất rõ ràng.
Tôi khẳng định, chưa bao giờ quyền trẻ em được bảo vệ như vậy trong không gian mạng. Ai bị xúc phạm nhân phẩm, bị bịa đặt mà hành vi đó quy chiếu theo 29 điều của Bộ Luật Hình sự và kể cả Luật Dân sự phải bị xử lý.
Điều đó có nghĩa, quyền của tổ chức và cá nhân rất được bảo vệ. Chúng ta thoải mái sử dụng mạng để hoạt động, trình bày quan điểm nếu không vi phạm theo các điều.
Chúng ta cần hiểu rõ, ngoài đời thật có 29 nội dung của Bộ Luật hình sự cấm thì ảo cũng phải cấm, bởi không thể nào đe dọa giết người trên mạng lại được tự do, trong khi đó đe dọa giết người ở đời thực bị bắt.
Không thể nào mua bán vũ khí, hướng dẫn sử dụng vật liệu nổ ở ngoài đời bị xử lý, còn trên mạng lại thoải mái. Không thể nào kích động biểu tình, mang bom xăng và gậy gộc, ngoài đời bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn trên mạng không bị xử lý.
Điều này có thể nói chưa Luật nào bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhiều như vậy, đặc biệt, tôn giáo, dân tộc.
Ai xúc phạm dân tộc, ai kỳ thị giới đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, đương nhiên là tùy theo mức độ và sẽ có hướng dẫn cụ thể.
- Người dân lo lắng rằng, khi họ chưa có tội họ đã phải cung cấp hết các thông tin cá nhân của mình cho cơ quan công an?
- Trong Bộ Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự đã quy định rõ, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng được điều tra.
Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh mạng, cơ quan chuyên trách an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải xác minh, làm rõ tài liệu đó, có đúng vi phạm không, lúc đó mới đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, internet để cung cấp thông tin.
Tôi khẳng định, nếu ai đó tung tin bịa đặt là cơ quan an ninh sẽ giám sát tất cả tài khoản cá nhân là không chính xác.
- Nhiều doanh nghiệp lo ngại thông tin cá nhân người dùng của họ sẽ bị lộ, lọt, Luật an ninh mạng lấy gì để đảm bảo?
- Chính các doanh nghiệp đang lưu trữ thông tin của người dùng rất nhiều. Chúng ta cũng đang bị lộ lọt tài khoản cá nhân rất nhiều.
Nhiều người vừa lên sân bay đã có tin nhắn hỏi có đi taxi hay không, đang họp nhận được tin mời mua bất động sản, trên mạng đầy link xấu mà biết rõ địa chỉ của người dùng.
Chính việc lộ lọt này do sự quản lý không tốt của doanh nghiệp và họ không có gì phải lo lắng cả, bởi từ trước đến nay, cơ quan An ninh chưa bao giờ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin mà chỉ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật mới đặt vấn đề.
Tỷ lệ đại biểu tán thành thông qua Luật An ninh mạng.
Không thể lạm quyền
Luật này ban hành liệu có trao quyền quá lớn cho cơ quan chức năng trong việc đánh giá các nội dung liên quan đến việc bôi xấu lãnh đạo hay phủ nhận thành tựu cách mạng. Làm thế nào để tránh được đánh giá không khách quan hay có thể là quy chụp cho tổ chức, người dân khi họ đăng các thông tin đó trên mạng xã hội?
- Trên thực tế, chúng ta đang thực hiện rất đúng, bài bản nếu xác định thông tin vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề thông tin truyền thông, phía Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thẩm định.
Khi liên quan đến văn hóa, Bộ Văn hóa sẽ thẩm định và cơ quan chuyên trách về an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng căn cứ vào những thẩm định đó mới đề nghị cung cấp các thông tin khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, có thể khẳng định là không thể lạm quyền. Trong điều cấm cũng nói rất rõ là cơ quan chuyên trách về an ninh mang, cá nhân, tổ chức nào đó mà lợi dung nghiệp vụ an ninh mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trật tự an toàn xã hội thì chắc chắn bị sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Cục An ninh mạng hay Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng quân đội cũng chưa có hành vi đó bao giờ. Còn ai đó sử dụng để tổ chức đánh bạc là vi phạm pháp luật và chúng ta đã xử lý nghiêm.
Chúng tôi luôn luôn lắng nghe
- Những nội dung đăng trên mạng trong trường hợp nào, phạm vi nào sẽ bị coi là nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ví dụ kêu gọi người dân biểu tình có bị coi là cấm trong Luật này không?
- Chúng ta đang bước vào tình huống nguy hiểm về an ninh mạng và kích động biểu tình, gây rối. Chúng ta phải giải quyết câu chuyện này và đừng để các thế lực xấu lợi dụng đồng bào mình đánh chính đồng bào mình, đừng để cho đồng bào mình đánh phá tài sản bằng tiền thuế của dân.
Các ĐBQH bấm nút thông qua Dự Luật An ninh mạng. Ảnh: Tiến Tuấn.
- Những nghiên cứu lịch sử có những phát hiện mới, hiện đại đưa ra những quan điểm mới có bị coi là phủ định thành tựu cách mạng như trong điều cấm của luật?
- Mọi thứ đều phải được thẩm định của cơ quan có thẩm quyền. Còn nếu liên quan đến lịch sử, những bộ phận nghiên cứu lịch sử phải trả lời và Nhà nước. Có rất nhiều Bộ ngành để thẩm định việc này chứ không phải thấy mới, thấy lạ mà có thể nói vi phạm pháp luật.
Phải có cơ quan thẩm định, không ai có thể trả lời việc này được. Nếu thẩm định không có gì vi phạm thì không sao cả. Lực lượng An ninh mạng không có thẩm quyền quyết định đúng hay sai.
- Cựu Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng có chia sẻ trên Facebook: "An ninh quốc gia là để bảo vệ quốc gia, an ninh mạng là để bảo vệ mạng. Vì vậy, dùng an ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia là sự nhầm lẫn đáng tiếc về khách thể của pháp luật". Ông có bình luận gì?
- Luật An ninh mạng đã nói rất rõ phạm vi điều chỉnh, an ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng, sử dụng không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
- Từ giờ đến lúc chính thức có hiệu lực, ban soạn thảo có tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản biện?
- Chúng tôi luôn luôn lắng nghe để điều chỉnh, cầu thị để đưa ra những nội dung phù hợp nhất vào Nghị định hướng dẫn. Không một Nghị định nào chỉ do một cơ quan tham gia, mà luôn luôn được các Bộ ngành, các doanh nghiệp, Tập đoàn viễn thông, internet tham gia rất đầy đủ.
Khi xây dựng dự thảo Luật, tất cả các thành phần đều được tham gia và khi xây dựng Nghị định cũng vậy.
Trí Thức Trẻ