Cục trưởng CSGT: Mong báo chí, người dân góp ý đề án đấu giá biển số xe
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT mong báo chí, người dân góp ý về đề án đấu giá biển số xe, do đây là vấn đề rất mới.
- 22-03-2019Đấu giá biển số xe, cấp đổi bằng lái qua cổng dịch vụ công quốc gia
- 05-07-2018Trình Thủ tướng đề án đấu giá biển số xe đẹp
- 26-02-2018Đấu giá biển số xe: Có lợi, cần làm ngay!
- 09-07-2017Đấu giá biển số xe đẹp sẽ diễn ra trực tiếp, công khai
Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về Đề án đấu giá biển số xe hiện đang được dư luận quan tâm, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng CSGT (Bộ Công an) cho biết, vừa qua Thường trực Chính phủ đã họp và Thủ tướng đã kết luận sẽ trình Chính phủ xem xét và ra Nghị quyết.
"Sau khi có Nghị quyết thì Thủ tướng xem xét phê duyệt đề án đấu giá biển số. Rất mong báo chí và nhân dân sẽ tham gia góp ý về vấn đề này bởi đây là vấn đề rất mới", Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nói.
Trước đó, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu Đề án đấu giá biển số xe, nguồn thu được sẽ nộp ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi là: theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, để đưa biển số xe ra đấu giá, việc đầu tiên và bắt buộc phải xác định được biển số xe là tài sản.
Tuy nhiên, quyền tài sản lại bao gồm cả quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Khi đó, biển số sẽ thành tài sản cá nhân, không còn là giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước nên chủ sở hữu có thể cho, tặng, bán biển xe đó cho người khác. Điều này sẽ làm thay đổi nguyên tắc quản lý phương tiện hiện hành.
Trao đổi với Báo Giao thông, một số ĐBQH cho rằng, trước mắt, đấu giá biển số xe chưa cần thiết đưa vào luật nhưng phải có nguyên tắc bằng văn bản dưới luật. Nên tổ chức thí điểm đấu giá một số biển số xe, rồi sau đó rút kinh nghiệm quy định chặt chẽ hơn. Bởi hiện nay quan niệm thế nào là biển đẹp, biển dễ nhớ cũng rất khác nhau. Vì thế, cần quy định những biển số nào mang ra đấu giá.
Từ 1/6 sẽ kết nối dữ liệu của CSGT và Tổng cục Đường bộ VN
Thông tin về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để quản lý các tài xế vi phạm cũng như quản lý GPLX, Cục trưởng CSGT cho biết, tính đến nay, Cục CSGT đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN bàn về việc kết nối chia sẻ dữ liệu này và thống nhất rất cao vấn đề thời gian.
Ông Dũng cho biết các phương án đang được giao cho hai tổ của hai bên xây dựng các phương án kỹ thuật, phương án tài chính, rà soát các văn bản pháp luật cho đồng bộ để phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm trong quý 2/2019. “Dự kiến chậm nhất 1/6 sẽ kết nối được” – Cục trưởng CSGT nói.
Theo ông Dũng, khi các dữ liệu được kết nối, chia sẻ giữa Cục CSGT và Tổng cục đường bộ thì tất cả thông tin vi phạm của người lái xe đều được chia sẻ giữa 2 cơ quan, và việc lái xe có sử dụng ma tuý hay không cũng nằm trong các hành vi vi phạm được cập nhật trong cơ sở dữ liệu này.
Nói thêm về tình trạng lái xe sử dụng ma tuý, Cục trưởng CSGT thông tin, vừa qua Cục CSGT có kế hoạch thực hiện tổng kiểm soát, trong đó tập trung kiểm tra việc lái xe sử dụng ma tuý và nồng độ cồn. Tuy nhiên, đối với việc sử dụng ma tuý kiểm soát rất khó khăn, việc tổng kiểm soát ảnh hưởng đến hoạt động bình thường nên CSGT rất hạn chế, chỉ khi nào rất cần thiết mới tiến hành kiểm soát.
“Vừa qua, trong vòng 20 ngày chia làm 2 giai đoạn khác nhau, lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý 182 trường hợp, qua đó rút ra kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước và chủ DN quản lý lái xe. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành thường xuyên và đột xuất theo từng đợt, từng chuyên đề” – ông Dũng nói và cho rằng việc này đã có hiệu ứng và tác động tốt khi nâng cao trách nhiệm của chủ DN trong quản lý lái xe.
Báo Giao thông