Cùng bị giam, công dân Trung Quốc sướng, tù nhân Canada khổ
Trong khi bà Mạnh Vãn Châu sống trong một căn nhà trị giá 4,2 triệu USD, hai tù nhân Canada bị nhốt trong một căn phòng bật đèn cả ngày lẫn đêm và bị thẩm vấn mỗi buổi sáng, chiều và tối.
Reuters hôm 20-5 cho biết sự tương phản về điều kiện giam giữ giữa Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Châu và hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giam có thể khiến người Canada tức giận.
Căn nhà mà bà Mạnh, 47 tuổi, bị quản thúc 6 tháng qua trị giá 4,2 triệu USD, gồm 6 phòng ngủ và 5 phòng tắm. Người phụ nữ được tiếp cận với các luật sư hàng đầu cũng như đi lại tương đối tự do ở TP Vancouver.
"Mặc dù bị giới hạn về thể chất trong một không gian rất hạn chế nhưng nội tâm của tôi chưa bao giờ cảm thấy đầy màu sắc và rộng mở như vậy" – bà Mạnh viết trong bức thư được đăng tải trên diễn đàn Xinsheng Community dành cho 188.000 nhân viên của Tập đoàn Huawei hồi đầu tuần trước.
Bà Mạnh rời khỏi ngôi nhà đang bị quản thúc ở TP Vancouver hôm 8-5. Ảnh: Reuters
Bà Mạnh cũng ca ngợi các nhân viên vì sự quan tâm của họ, đồng thời nói rằng nhiều nhân viên đã thức suốt đêm để theo dõi tình hình của mình ở Canada.
Đầu tháng này, thẩm phán Tòa án tối cao British Columbia cho phép bà Mạnh chuyển đến một ngôi nhà rộng rãi hơn, trị giá gần 10 triệu USD nằm trong một khu phố đắt đỏ ở Canada. Ngôi nhà tọa lạc gần Đại sứ quán Trung Quốc, có 7 phòng ngủ và 8 phòng tắm, bên ngoài rào chắn cẩn thận để đảm bảo an ninh.
Tại phiên điều trần gần đây nhất, bà Mạnh ngồi trên một chiếc xe thể thao Chevy, mặc váy đen và xám nhìn rất thanh lịch. Con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi bị bắt tại sân bay Vancouver vào tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ về cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.
Sự tương phản về điều kiện giam giữ giữa bà Mạnh và hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giam có thể khiến người Canada tức giận. Ảnh: Reuters
Về phần hai tù nhân Canada bị giam ở Trung Quốc – doanh nhân Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, họ không được gặp luật sư hoặc tại ngoại, bị thẩm vấn mỗi buổi sáng, chiều và tối.
Hai người cũng bị nhốt trong một căn phòng bật đèn cả ngày lẫn đêm, theo các nhà ngoại giao Canada. Thậm chí không ai biết họ bị giam giữ ở đâu. Mỗi lần các nhà ngoại giao Canada muốn gặp, họ được đưa tới đồn cảnh sát mà không phải địa điểm giam giữ. Cặp đôi bị bắt vào tháng 12 năm ngoái sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh và bị cáo buộc "ăn cắp bí mật nhà nước Trung Quốc".
(Theo Reuters)
Người Lao động