Cung cấp 1 triệu quả trứng mỗi ngày, bà Ba Huân từ chối nâng giá: Dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn
Dù Sở Công Thương TPHCM đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường, nhưng bà Ba Huân không đồng ý và từ chối đề nghị nâng giá.
- 04-08-2021Giới chuyên gia chỉ ra lý do doanh nghiệp nên đẩy mạnh ứng dụng Robot tự động
- 04-08-2021Dasco và những nỗ lực đáng trân trọng vì nền nông nghiệp bền vững
- 04-08-2021Công ty Thanh Nga kinh doanh ra sao trước khi phát hiện chùm F0 giao hàng cho hơn 50 siêu thị tại Hà Nội?
Làn sóng Covid lần thứ 4 bùng nổ đã buộc Hà Nội, Tp.HCM cùng nhiều tỉnh thành tại phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm gia tăng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chỉ thị đã và đang còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá và khiến giá tăng.
Đơn cử, giữa tháng 7, nhận thấy giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm dẫn đến tình trạng thua lỗ, Sở Công Thương TPHCM đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân – bà Ba Huân không đồng ý và từ chối đề nghị nâng giá. Theo bà Ba Huân, các doanh nghiệp bình ổn đóng vai trò giải cứu thị trường, nếu tăng giá khiến giá trứng sẽ biến động lên cao.
Theo Dân trí, tại buổi họp tìm cách tháo gỡ khó khăn trong cung ứng lương thực với UBND Tp.HCM, nữ doanh nhân khẳng định: "Dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay. Anh Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) gọi điện và nói tôi hỗ trợ, tôi nói các anh đừng tăng giá, tôi cũng sẽ không tăng và đảm bảo cung ứng".
Được biết, Công ty Ba Huân cung cấp khoảng 1 triệu trứng mỗi ngày. Dù có tình trạng thiếu trứng cục bộ trong những ngày đầu giãn cách, hiện các hệ thống phân phối đã đáp ứng đủ nhu cầu người dân.
Tuy nhiên, hiện vẫn có không ít trường hợp các xe chở trứng, thịt bị chặn khi lưu thông sau 18h tại Tp.HCM. Cũng tại buổi họp, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết thực tế vẫn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát gây khó dễ và đòi hỏi nhiều thủ tục khiến doanh nghiệp chở hàng thiết yếu bức xúc.
Cụ thể, TP.HCM đang thực hiện hạn chế người dân ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau, trong khoảng thời gian này, các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông. Nhưng các doanh nghiệp giao hàng thiết yếu như thịt, trứng... cho biết thực tế lại xảy ra các tình huống như: Chốt kiểm dịch đường M1 từ KCN Tân Bình ra quốc lộ xe không qua được mặc dù xe đã được cấp mã QR và báo với chốt là xe chở hàng thiết yếu. Hay một số chốt khác ở các cửa ngõ của TP, xe về sau 18h không thể qua chốt vì trên xe không chở hàng mặc dù có giấy tờ giao nhận hàng thiết yếu, buộc tài xế phải ngủ lại trên xe.
Còn ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết trong quá trình vận chuyển, xe tải có nhận diện của Vissan thì di chuyển được nhưng xe của các đơn vị tư nhân khác lại không. Giấy tờ Vissan đăng ký cho các xe chở hàng có nơi cho qua, nơi lại không.
Trước đó, Công ty Diana Unicharm cũng lúng túng, lo lắng vì các xe chở băng vệ sinh, tã, bỉm bị chặn tại các chốt vì "không phải hàng thiết yếu".
Trong khi đó, Hiệp hội lương thực, thực phẩm TP.HCM cũng đề xuất thành phố kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện "Y tế tại chỗ" như tự xét nghiệm cho người lao động. Về vấn đề này, đại diện UBND Tp.HCM cho hay đã thống nhất tập huấn cho các doanh nghiệp. Đơn vị muốn mua mẫu test ở đâu thì mua (miễn sao nằm trong danh mục do Bộ Y tế ban hành), chỉ khi nào xuất hiện F0 mới cần liên hệ ngay cơ quan y tế.
Doanh nghiệp và tiếp thị