MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cung cầu gạo Việt Nam ra sao sau bão?

17-09-2024 - 10:30 AM | Thị trường

Giữa lúc tình hình cung ứng gạo trong nước và xuất khẩu vẫn bảo đảm thì một số tài khoản trên mạng xã hội lại lợi dụng tình hình thiên tai để loan tin thiếu gạo

Theo các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia về lúa gạo, dù ảnh hưởng siêu bão số 3 (Yagi) nhưng khả năng cung ứng gạo cho thị trường trong nước vẫn được bảo đảm với giá ổn định. Thị trường xuất khẩu gạo cũng rất khả quan khi Indonesia vừa ra thông báo mời thầu gạo tháng 9 với số lượng lên đến 450.000 tấn - lượng mời thầu cao nhất từ trước đến nay.

Tung tin thất thiệt

Theo khảo sát của phóng viên, thị trường lúa gạo trong khoảng 1 tuần gần đây giao dịch tăng lên do nhu cầu từ thị trường miền Bắc sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, bao gồm các khách hàng thương mại và đơn hàng phục vụ cứu trợ, từ thiện.

Tại ĐBSCL, gạo IR50404 ở mức 12.800 - 13.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo thơm từ 18.000 - 21.000 đồng/kg. Tại TP HCM, giá gạo sỉ các loại phổ thông ở mức từ 14.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm nhẹ từ 17.000 - 18.000 đồng/kg; riêng gạo đặc sản ST25 tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng 8 chủ yếu do thiếu nguồn cung vì nông dân thích trồng các giống lúa khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Ngày 16-9, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cho hay so với 2 tuần trước, giá gạo giảm nhẹ do nhiều vùng trồng ở Tây Nguyên, miền Trung và một số khu vực ĐBSCL bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, những ngày gần đây lượng gạo bán ra cho các tổ chức, cá nhân với mục đích làm từ thiện cho bà con bị ảnh hưởng thiên tai tăng. "Với các đơn hàng này, chúng tôi đều để giá tốt, tức là bán hàng không lợi nhuận, thậm chí lỗ nhẹ để hỗ trợ. Không riêng DN tôi, đa số các nhà cung cấp khác cũng như vậy" - ông Thành khẳng định.

Thế nhưng, trên mạng xã hội lại có các tài khoản lợi dụng tình hình thiên tai để đăng nhiều thông tin về thiếu lương thực nhằm hoang mang dư luận. Đơn cử, một trang cá nhân của TK - chuyên dự báo tương lai với hơn 210.000 người theo dõi trên Facebook gây lo lắng khi viết "những cánh đồng sắp được thu hoạch mà ngập trong nước… có nhiều thứ đáng lo ngại sắp tới". Thậm chí, người này còn tung tin "tháng 9 này sẽ có quyết định cấm xuất khẩu gạo chăng, các bạn?"… Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, đằng sau những dòng trạng thái ấy là những gian thương muốn trục lợi, bán gạo với giá cao. Phóng viên thử liên hệ với một tài khoản có tên HTX gạo tích trữ… đăng thông tin "gạo đang bị đẩy giá từng ngày do lạm phát" thì được chào giá gạo ST21 gần 29.000 đồng/kg, gạo ST25 hơn 36.000 đồng/kg cho khách hàng tại TP HCM kèm cam kết giá rẻ nhất thị trường và gạo được đóng gói hút chân không, xử lý các vấn đề mối mọt, ẩm mốc…

Không nên trữ gạo

Đại diện một DN gạo tại TP HCM cho hay có nhiều khách hàng xem thông tin trên mạng rồi liên hệ đặt vấn đề mua gạo để trữ. "Các khách hàng của tôi ở Hà Nội họ lấy hàng nhiều hơn, chủ yếu phòng ngừa lưu thông gián đoạn. Còn các khách hàng có nhu cầu tích trữ lâu dài chúng tôi đều tư vấn không nên và khuyên chỉ cần trữ hàng vừa phải" - đại diện DN này thẳng thắn.

Lý do được người này đưa ra là bởi lo ngại phát sinh nhu cầu đổi trả sau này rất phiền phức. "Chỉ sau một thời gian ngắn, họ sẽ thấy việc trữ gạo là không cần thiết và yêu cầu trả hàng với lý do về chất lượng. Chúng tôi đã có kinh nghiệm từ hồi COVID-19" - ông này kể.

Ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hoa Nắng (TP HCM), khẳng định không có chuyện thiếu gạo, bản thân ông đang chạy chương trình khuyến mãi mua 5 tặng 1 để bán hết gạo mùa trước, chuẩn bị cho vụ lúa mới sắp thu hoạch vào 2 tháng tới.

Theo doanh nhân này, do ảnh hưởng thiên tai, lượng gạo tiêu thụ của DN tăng nhẹ, từ 5%-10% do gạo thuộc phân khúc cao cấp. Gạo Hoa Nắng trồng ở vùng lúa tôm, mỗi năm chỉ có 1 vụ nên DN phải trữ để bán quanh năm. Do vậy, ông Tú cho rằng các gia đình nếu trữ gạo chỉ nên để 1 tháng trở lại. "Việt Nam có gạo thu hoạch quanh năm nên người tiêu dùng không cần trữ nhiều. Hơn nữa, việc trữ gạo tại nhà sẽ gặp các vấn đề như mối mọt, ẩm mốc, chuột phá,…" - ông Tú phân tích.

Cung cầu gạo Việt Nam ra sao sau bão?- Ảnh 1.

Việt Nam không lo thiếu gạo. Trong ảnh: Doanh nghiệp mang “kho gạo” đến hội chợ xuất khẩu chào hàng. Ảnh: AN NA

Bảo đảm mục tiêu xuất khẩu

TS Đào Minh Sô, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây trồng thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, nêu giả định bão Yagi gây thiệt hại mùa màng 100% cho 1 triệu hộ gia đình, tương ứng 4 triệu nhân khẩu thì kế hoạch xuất khẩu 8 triệu tấn gạo của Việt Nam trong năm nay vẫn khả thi.

Theo đó, các nhân khẩu bị ảnh hưởng mất mùa cần Chính phủ hỗ trợ lương thực trong 3 tháng, tính ra cần 1,2 triệu tấn gạo (10 kg/người/tháng) hoàn toàn trong khả năng sản xuất của nông dân các tỉnh phía Nam. "Tôi vừa đi thực tế các trang trại ở Bình Thuận trước trồng thanh long nay chuyển qua trồng lúa với diện tích rất lớn. Tại nhiều vùng, nông dân chủ động được nước tưới hầu hết đều chuyển sang trồng 3 vụ lúa trong năm 2024. Nếu có đầu ra, riêng các tỉnh phía Nam diện tích lúa trong năm 2024 có thể gia tăng hàng trăm ngàn ha vì người dân tính được lợi nhuận mà cây lúa đem lại" - TS Sô khẳng định.

Theo TS Sô, thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ gạo nội địa là có nhưng cần có biện pháp ứng phó linh hoạt, thận trọng để không ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân. "Việt Nam không lo thiếu gạo. Không nên tin các thông tin sai sự thật trên mạng" - TS Sô khuyến cáo.

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cũng nói rằng dù chưa có số liệu công bố chính thức về thiệt hại ở những vùng trồng lúa do ảnh hưởng bão số 3 nhưng tỉ lệ đóng góp cho sản lượng gạo toàn quốc ở khu vực phía Bắc khá thấp. Do đó, gạo từ các vùng sản xuất trọng điểm dư sức bù đắp. Hơn nữa, hiện tại đang là thời điểm vụ mùa, không phải vụ sản xuất chính. Do đó, các thông tin trên mạng xã hội về việc Việt Nam mất mùa và đứng trước nguy cơ thiếu gạo là không có cơ sở. 

Xuất khẩu đạt gần 3,8 tỉ USD

Theo số liệu hải quan, trong tháng 8, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu được 837.000 tấn gạo, thu về hơn 500 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,06 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3,8 tỉ USD; tăng 4,7% về số lượng và tăng 20,5% về giá trị.

GS-TS Bùi Chí Bửu cho biết thị trường xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ chịu tác động từ 2 nước nhập khẩu lớn là Philippines và Indonesia cũng như khả năng quay lại thị trường xuất khẩu gạo bình thường của Ấn Độ. "Riêng Ấn Độ, có khả năng cuối năm nay họ sẽ "xả kho" sau 1 năm cấm xuất khẩu vì gạo không trữ được quá lâu" - GS-TS Bùi Chí Bửu dự báo. Tuy vậy, các chuyên gia và DN đều đồng quan điểm Ấn Độ sẽ điều hành khéo léo để giá gạo xuất khẩu không giảm sâu vì sẽ ảnh hưởng đến chính họ.


Theo Ngọc Ánh

Người lao động

Trở lên trên