Củng cố vị thế cho VND
Mong muốn giảm thêm lãi suất của cộng đồng doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng, song muốn mặt bằng lãi suất giảm thêm, điều kiện tiên quyết vẫn phải là kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Còn trong bối cảnh hiện nay, giữ được lãi suất ổn định đã là một thành công.
- 12-07-2018Ngân hàng lại thừa tiền?
- 12-07-2018Giá USD 'chợ đen' lập đỉnh mới
Hy vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm ít nhiều sau động thái giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5 bỗng chốc trở nên xa vời khi lạm phát đột nhiên tăng tốc trong 2 tháng gần đây.
Xét trên giác độ của các ngân hàng thương mại, về lý thuyết muốn giảm lãi suất cho vay để chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp chỉ có 2 phương cách, đó là tiết giảm chi phí hoạt động và giảm giá vốn đầu vào. Thế nhưng hiện tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng đã giảm xuống mức rất thấp nhất sau khi mặt bằng lãi suất cho vay được kéo giảm nhanh hơn lãi suất huy động trong mấy năm gần đây, nên khó có thể kéo giảm thêm. Bởi các ngân hàng cũng phải đảm bảo kinh doanh có lãi mới có thể tồn tại và phát triển được.
Điều đó cũng có nghĩa, muốn giảm lãi suất cho vay chỉ còn cách duy nhất là giảm mặt bằng lãi suất huy động. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ là trung gian tài chính, đi vay để cho vay nên phải cân đối hài hòa lợi ích của cả người gửi tiền và khách hàng vay vốn. Hay nói cách khác là các ngân hàng phải đảm bảo lãi suất huy động thực dương ở mức hợp lý so với lạm phát để đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.
Cũng có ý kiến cho rằng, hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng bình quân khoảng 6,7 - 6,8%/năm, có nghĩa vẫn đảm bảo thực dương tới gần 3% nếu lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức 4% đúng như mục tiêu đã đề ra. Song điều đó chỉ đúng nếu nhìn ở thời điểm đầu năm, còn tính tới ở thời điểm này nó không còn đúng nữa khi mà lạm phát tính theo năm đã tăng tốc mạnh lên 4,67% trong tháng 6 từ mức 3,86% của tháng 5 và điều đó đã thu hẹp mức thực dương của lãi suất đi khá nhiều. Đó là chưa kể việc lạm phát tăng tốc mạnh trong 2 tháng qua, cộng thêm áp lực lạm phát những tháng cuối năm đã đẩy kỳ vọng lạm phát tăng cao hơn rất nhiều.
Vì thế nếu tiếp tục giảm lãi suất huy động trong bối cảnh hiện nay rất có thể khiến dòng tiền tiết kiệm đảo chiều, chảy vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… thậm chí có thể "chôn" và vàng hoặc ngoại tệ. Đó chắc chắn không phải là điều mong muốn của các cơ quan quản lý khi mà mục tiêu chống vàng hóa và đôla hóa nền kinh tế vẫn đang tiếp tục được thực thi.
Còn xét trên giác độ của cơ quan quản lý, kiềm chế lạm phát cũng đang là mục tiêu hàng đầu hiện nay. Trước sức ép lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay cũng như giữ ổn định các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6. Đồng thời tiếp tục rà soát để đẩy nhanh các mặt hàng có khả năng giảm, quyết liệt triển khai biện pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao... Trong tình thế đó, không thể đòi hỏi NHNN nới lỏng tiền tệ để kéo giảm mặt bằng lãi suất được. Thậm chí để kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ có thể cần phải được siết chặt hơn.
Đó là chưa kể, NHNN vẫn còn một vấn đề khác phải quan tâm đó là tỷ giá. Hiện tỷ giá đang chịu áp lực khá lớn sau động thái tăng tốc thắt chặt tiền tệ của Fed và nhiều NHTW lớn khác cũng đang phát đi tín hiệu sẽ chấm dứt chu kỳ nới lỏng của mình. Việc tỷ giá trong nước được duy trì khá ổn định trong thời gian vừa qua bất chấp đồng USD biến động mạnh trên thị trường thế giới một phần cũng nhờ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD được duy trì ở mức khá cao, đã góp phần nâng cao vị thế cho VND so với USD.
Tuy nhiên, lạm phát tăng cao cũng đã làm lung lay phần nào vị thế của đồng nội tệ. Thế nhưng lãi suất USD hiện đã ở mức 0% nên không thể giảm thấp hơn được nữa. Vì lẽ đó, nếu giảm lãi suất VND sẽ khiến chênh lệch lãi suất VND – USD bị thu hẹp và điều đó có thể làm giảm vị thế của đồng nội tệ, từ đó tạo thêm sức ép đến tỷ giá.
Nói như vậy để thấy, mong muốn giảm thêm lãi suất của cộng đồng doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng, song muốn mặt bằng lãi suất giảm thêm, điều kiện tiên quyết vẫn phải là kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Còn trong bối cảnh hiện nay, giữ được lãi suất ổn định đã là một thành công.
Thời báo ngân hàng