MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cùng đối mặt với khủng hoảng, kẻ nhanh chóng chán chường, người phất lên nhanh chóng: Sự khác biệt nằm ở đâu?

04-03-2020 - 23:54 PM | Sống

Cơ hội không bao giờ mất đi, kể cả trong lúc khủng hoảng nhất, miễn là bạn luôn chuẩn bị và sẵn sàng.

01. Đối mặt với khủng hoảng

Trong nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng hiện nay, rất nhiều ngành kinh doanh dịch vụ đều gặp không ít khó khăn. Một số khách sạn, nhà hàng thậm chí còn phải đóng cửa tạm thời, giải tán phần lớn nhân viên, ngày mở cửa trở lại còn chưa thể nói trước. Một bộ phận những doanh nghiệp còn lại đang cầm cự thì cũng phải đưa ra hàng loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu, hoãn kế hoạch trả lương cho nhân viên.

Điển hình nhất là trường hợp của khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel & Spa đã buộc phải cho toàn bộ quản lý và nhân viên nghỉ việc dài hạn với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người gần đây. Theo Giám đốc chuỗi khách sạn này, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp tại rất nhiều quốc gia khác, từ châu Á cho tới châu Âu, do đó, lượng khách du lịch nước ngoài đã giảm mạnh, chỉ sau vài tháng đầu năm mà đơn vị doanh nghiệp thua lỗ gần 20 tỷ đồng.

Với những ai lựa chọn ở lại làm việc để cầm cự cùng khách sạn, Giám đốc đề xuất mức lương đồng đều 4 triệu đồng/tháng cho mọi vị trí, từ bảo vệ cho tới bếp trưởng, thậm chí là quản lý, giám đốc. Tuy nhiên, khoản tiền này đơn vị cũng chưa đủ khả năng tài chính để chi trả ngay lập tức mà hy vọng sẽ “nợ” mọi người tới tháng 8.

Đây chắc chắn không phải là doanh nghiệp duy nhất phải đưa ra những quyết định hết sức khó khăn trong giai đoạn bế tắc này. Những công ty khác, những ngành nghề khác cũng đang ra sức chống chọi bằng hàng loạt giải pháp “thắt lưng buộc bụng”.

Ở vào thời điểm này, chỉ có những tập thể nắm trong tay một lượng tiền mặt đủ lớn và những cá nhân có một khoản tiền tiết kiệm nhất định trong tay mới có thể sống an tâm hơn. Có đủ tài chính thì mới có đủ năng lực chống chọi với nguy hiểm mang tính đột phát bất ngờ như dịch bệnh hôm nay.

Cùng đối mặt với khủng hoảng, kẻ nhanh chóng chán chường, người phất lên nhanh chóng: Sự khác biệt nằm ở đâu? - Ảnh 1.

Thế nhưng, không phải ai cũng lường trước được tình trạng này để chuẩn bị dự phòng từ trước. Rất nhiều người chia sẻ: “Trong thẻ ngân hàng của tôi hiện chỉ còn không quá 5 triệu đồng, trừ đi tiền ăn uống mỗi ngày, tiết kiệm một chút thì vừa đủ trả tiền thuê nhà. Nếu tháng sau không được đi làm và nhận lương thì chỉ có thể đi vay nợ mất”.

“Tôi còn đang nợ thẻ tín dụng mấy triệu chưa trả hết, dự định tháng sau có lương sẽ tiết kiệm một chút để trả nợ mà. Nếu bây giờ mà công ty cũng cho nghỉ việc nằm nhà thì biết làm sao bây giờ?”.

Không đi làm, không thu nhập, nhiều nhất mỗi người chỉ có thể cầm cự được từ 1-2 tháng, sau đó chẳng lẽ phải “ăn gió nằm sương” hay sao? Đây là câu hỏi đang bồi hồi trong lòng rất nhiều người.

02. Khi bản thân chưa sẵn sàng, mọi con đường đều dẫn đến thất bại

Tiểu Hồng đã làm việc tại một khách sạn với thâm niên 9 năm. Có kinh nghiệm, có ngoại hình, lại giỏi giao tiếp, Tiểu Hồng chưa bao giờ phải chịu đựng áp lực kinh tế tài chính, lúc nào cũng thoải mái tiêu xài, sống mà không lo nghĩ gì nhiều. Cô cho rằng, cả đời này cứ tiếp tục như vậy cũng được, chẳng cần thăng chức, chẳng cần tăng lương, mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng là quá đủ để phục vụ nhu cầu bản thân rồi.

Đột nhiên, trong năm ngoái, bà nội của cô đột nhiên ngã bệnh. Cả nhà phải dồn hết tiền nong lại để chữa trị cho bà. Thời gian càng lâu, chi phí thuốc men và điều trị lại càng tốn kém. Quá trình tẩm bổ, bồi dưỡng sức khỏe cũng tiêu hao không ít tài chính trong nhà. Do đó, bố mẹ Tiểu Hồng phải không ngừng lo âu, bôn ba cả ngày để kiếm thêm thu nhập.

Thế nhưng, sau bao nỗ lực duy trì, cuối cùng bà nội cô vẫn không thể vượt qua. Sau đó, khi mọi người còn chưa lấy lại tinh thần, mẹ của Tiểu Hồng cũng nằm xuống giường bệnh do lao lực quá độ. Chỉ trong một đêm, bố cô bạc trắng đầu.

Đến tận lúc này, Tiểu Hồng mới bàng hoàng nhận ra, cuộc sống thoải mái suốt 30 năm nay đã khiến cô trở thành một con người yếu đuối, không đủ sức chống chọi với biến cố cuộc đời. Nếu trước đó nỗ lực cho sự nghiệp nhiều hơn, tích góp tài chính nhiều hơn, cô đã có thể cung cấp cho người thân một hoàn cảnh trị liệu tốt hơn, san sẻ được nhiều gánh nặng hơn cho cha mẹ. Vậy thì cuối cùng, nhà cô sẽ không ra nông nỗi này.

Sau cùng, mọi việc trên đời đều không có chữ “nếu”.

Có người nói rằng: "Sau 30 tuổi, bạn sẽ nhận ra rằng, điều khủng khiếp nhất không phải là chưa kết hôn, mà là chưa thể đặt nền móng cơ sở cho sự phát triển của chính mình”. Quả thật, khi thế giới không ngừng biến hóa, chỉ có nâng cao năng lực tự thân, phát triển con người, chúng ta mới có thể tồn tại tốt hơn trong cuộc sống này.

Cùng đối mặt với khủng hoảng, kẻ nhanh chóng chán chường, người phất lên nhanh chóng: Sự khác biệt nằm ở đâu? - Ảnh 2.

03. Biến khủng hoảng thành cơ hội dựa vào năng lực bản thân

Với những người có đủ năng lực, luôn đặt bản thân trong tâm thái sẵn sàng đối mặt với mọi chuyện, thì dù gặp nguy cơ trước mắt, họ vẫn có cơ hội xoay chuyển cục diện trở thành có lợi cho bản thân.

Vào thời kỳ dịch SARS lây lan năm 2003, các xí nghiệp ở vùng Quảng Đông và Hồng Kông đã chịu khủng hoảng nghiêm trọng. Trong đó, đơn vị SF Express - một công ty kinh doanh dịch vụ vận chuyển nội địa và quốc tế - đã gần như bị đình trệ toàn bộ hoạt động vì chính sách xuất nhập bến cảng tại Hồng Kông bị thắt chặt.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông chủ xí nghiệp lại tinh tường phát hiện ra, nhu cầu chuyển phát nhanh đang tăng vọt đến chóng mặt vì rất nhiều người không dám ra đường mua sắm. Thế là trọng tâm hoạt động của xí nghiệp nhanh chóng chuyển hướng sang dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa.

Bên cạnh đó, ông cũng nhận thấy ngành hàng không dân dụng cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tương tự, rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ nghiêm trọng, buộc phải đóng cửa và thanh lý rất nhiều cơ sở vật chất. SF Express đã tận dụng điều kiện này để xây dựng một hệ thống chuyển phát nhanh bằng máy bay chở hàng chuyên dụng.

Nhờ thế, giữa cả chục đơn vị cạnh tranh đầy khốc liệt trên thị trường, doanh nghiệp của ông vẫn nhanh chóng nổi bật lên hàng đầu với tiêu chí giao hàng nhanh chóng, mở cửa quanh năm, chi phí lại không quá đắt đỏ. Cái tên SF Express dần vang danh cả nước.

Từ đây, SF Express đã đạt được một cơ hội mới để hồi sinh, phát triển vượt bậc.

Có thể thấy rằng, khủng hoảng có thể trở thành nguy cơ, cũng có thể trở thành cơ hội. Chỉ cần chúng ta luôn sẵn sàng, chuẩn bị tốt, mỗi nguy cơ đều có thể chuyển hóa thành một hy vọng mới, nấc thang mới đưa sự phát triển lên thêm một tầm cao.

Dương Mộc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên