MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cùng xuất phát điểm, cùng khoảng thời gian, sao Hàn Quốc lập kỳ tích còn Việt Nam vẫn chưa?

"Sau 30 năm đổi mới, quãng thời gian đủ để Hàn Quốc vươn mình trở thành nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế nước ta vẫn ở đẳng cấp thấp!".

Đây là nhận xét đầy tâm tư của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016: Thách thức tái cơ cấu và triển vọng vừa mới diễn ra.

Nguồn lực phân bổ nặng nguyên lý “xin – cho”

“Chúng ta đã duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả”, ông Trần Đình Thiên quả quyết.

Theo đó, Việt Nam đã duy trì một hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch, tập trung nguồn lực cho những ngành tài nguyên, gia công lắp ráp, những ngành thâm dụng lao động kỹ năng và tiền lương thấp sử dụng nhiều vốn thay vì các ngành định hướng công nghiệp và giá trị gia tăng cao.

Ông Thiên cũng chỉ rõ nguyên lý hoạt động của mô hình đó chính là cơ chế “xin – cho”, dành nhiều ưu tiên cho những khu vực doanh nghiệp nhà nước hay khu vực FDI.

Đây là điểm bất hợp lý bởi doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng lại được coi là “lực lượng chủ đạo” của nền kinh tế. Hay nỗ lực thu hút đầu tư FDI bằng “ưu đãi” cao như miễn giảm thuế, các điều kiện đất đai, hạ tầng, hạ thấp tiêu chuẩn môi trường… thay vì nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực nội lực.

Tất cả những điều này đã khiến cho sau 30 năm đổi mới, quãng thời gian đủ để Hàn Quốc vươn mình trở thành nước công nghiệp phát triển thì nền kinh tế Việt Nam vẫn ở đẳng cấp thấp, vẫn là nền kinh tế dựa chủ yếu vào các ngành khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, với hơn 80% số doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp và trung bình thấp... cho dù trong các bản Báo cáo Phát triển ở mọi cấp, cơ cấu kinh tế vẫn luôn luôn “chuyển dịch đúng hướng Công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, vị Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận xét.

Đây chính là lý do khiến cho nhiệm vụ tái cơ cấu trở nên cấp thiết – ông cho biết.

Tái cơ cấu lại bộ máy tái cơ cấu

Trên thực tế, vấn đề tái cơ cấu không phải là điều mới mẻ. Việc này đã được diễn ra từ lâu, tuy nhiên theo ông Trần Đình Thiên thì 5 năm qua Việt Nam đã và đang “vật lộn” với tái cơ cấu.

Thiếu động lực, thiếu niềm tin và sự lạc quan, hào hứng là dường như đã khiến cho kết quả của quá trình này tiến triển rất chậm, thành quả đạt được còn khá hạn chế, cách mục tiêu, kỳ vọng rất xa.

Ông Thiên chỉ rõ, cơ chế “xin – cho” vẫn đang chi phối đầu tư công, trong khi ngân sách ngày một khó khăn, nợ công tăng nhanh.

Hệ thống ngân hàng đã “trụ” được qua cơn sóng gió, song “cục máu đông” - nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí khối lượng nợ xấu còn tăng lên. Hệ thống ngân hàng đang thanh lọc, loại bỏ những bộ phận yếu kém, hư hỏng, song đang rất yếu, đang vận hành trên một nền tảng rất thiếu vững chắc.

Hệ thống doanh nghiệp nhìn chung là yếu, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp nội địa, cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân: thấp về đẳng cấp, yếu về thực lực và sức cạnh tranh.

Cho đến nay, Chính phủ đã cổ phần hóa được không ít DNNN, nhưng thực chất tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa, phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần nguồn vốn cho khu vực tư nhân quản lý sử dụng...chỉ đạt được không đáng kể, khoảng 10-15% tổng số vốn của các DNNN được cổ phần hóa. Đó thực sự là một tỷ lệ quá ít ỏi để thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp.

Ông Thiên nhận xét, kết quả tái cơ cấu khiêm tốn cũng có nghĩa là mô hình tăng trưởng không thay đổi được bao nhiêu. Kết quả như vậy tự nhiên làm nảy sinh câu hỏi: phương cách tái cơ cấu của 5 năm qua hợp lý đến mức nào? Nếu phương cách đó là đúng thì vấn đề ở đâu? Do chúng ta chưa tập trung hành động, hay do trong toàn bộ chương trình tái cơ cấu, còn yếu hay thiếu một khâu nào đó, như khâu “tái cơ cấu chính bộ máy điều hành tái cơ cấu”?

Mặt khác, với bối cảnh phát triển hội nhập toàn cầu trong thời gian tới, theo ông Việt Nam phải thay đổi căn bản thực lực của mình mới “bám” vào được các cấu trúc này, qua đó, hưởng lợi ích hội nhập để vượt lên.

“Chúng ta phải ráo riết tái cơ cấu, nhưng là tái cơ cấu theo hướng hội nhập hiện đại, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập. Chỉ có như vậy, nền kinh tế mới tránh khỏi lặp lại tình thế “hậu WTO”, để có năng lực thực thi hội nhập và thật sự dựa vào hội nhập để tiến lên. Tái cơ cấu, trong sự khôn ngoan cần có của nước đi sau, phải biết “mượn sức” hội nhập để “nhập” vào quỹ đạo hội nhập, thay đổi cơ cấu kinh tế của mình, nhanh chóng thoát khỏi đẳng cấp thấp để tiến vượt lên.” ông Trần Đình Thiên nhận định.

Đức Minh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên