Cuộc 'cách mạng' 850 tỷ USD của ngành bán lẻ ở Ấn Độ
Cuộc 'cách mạng' 850 tỷ USD của ngành bán lẻ ở Ấn Độ
Anil Kumar Bhadra, chủ một cửa hàng bán lẻ nhỏ, có thể được coi là một người đàn ông đang rất có “sức hút”. Amazon.com, Reliance Retail và nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác đang “theo đuổi” người đàn ông này nói riêng, và lĩnh vực kinh doanh bán lẻ nói chung.
Nằm sát nhiều siêu thị hiện đại trên một tuyến phố tại quận Airoli, Navi Mumbai - khu vực đô thị được định hướng phát triển trở thành thủ phủ thương mại tiếp theo của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, cửa hàng của Bhadra chỉ có diện tích khoảng 23 m2 và doanh thu khoảng 300 USD mỗi ngày.
Tuy nhiên, những công ty bán lẻ lớn nói trên lại thường cử các chuyên viên kinh doanh đến để gặp gỡ anh, nhằm giao dịch các mặt hàng như gạo, đậu lăng, xà phòng và dầu gội, từ đó thay thế những đơn vị bán buôn truyền thống mà cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ như của Bhadra từng phụ thuộc trước đây.
Nỗ lực thuyết phục Bhadra chỉ là một phần trong cuộc chạy đua giữa các công ty bán lẻ lớn của Ấn Độ nhằm đưa hàng triệu các cửa hàng tạp hóa nhỏ, thường được biết tới với tên gọi "kirana", gia nhập các chuỗi cung ứng.
Thị trường bán lẻ tại Ấn Độ đạt quy mô lên tới 793 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2020 và được dự đoán tăng lên 1.500 tỷ USD vào năm 2030, theo báo cáo mới nhất thực hiện bởi công ty tư vấn Technopak Advisors và Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ phần mềm Ấn Độ.
Ấn Độ hiện có khoảng 20 triệu kirana, chiếm tới 88% thị phần bán lẻ truyền thống của quốc gia này. Tiềm năng là rất lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu như họ có thể thống nhất được chuỗi cung ứng khổng lồ này và trở thành một nhà “siêu phân phối”, thay thế cho hàng nghìn doanh nghiệp bán buôn nhỏ lẻ đang tồn tại. Đó cũng là chiến lược mà Amazon thực hiện đối với hoạt động bán lẻ tại các quốc gia phương Tây.
Người dân mua sắm giữ khoảng cách tối thiểu để phòng chống Covid-19 tại một kirana ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Bán hàng thông qua kirana sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận với một bộ phận khách hàng mới, và “có thể tạo nên một nền tảng khách hàng rộng lớn hơn”, hoặc ít nhất là ngăn cản các đối thủ khác “cướp” mất lượng khách hàng hiện hữu, theo Kinjal Shah, phó chủ tịch của ICRA Ratings.
“Cách duy nhất để họ có thể tiếp cận nhiều hơn các khách hàng đó chính là thông qua cửa hàng truyền thống”. Đối với kirana, chính sách chiết khấu từ các ông lớn ngành bán lẻ sẽ giúp họ giữ chân được những khách hàng truyền thống, những người có xu hướng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến đối với những sản phẩm cùng loại nhưng giá rẻ hơn.
Trong môi trường bán lẻ có tổ chức, cuộc chiến giành ngôi vị dẫn đầu trở thành một cuộc chiến pháp lý. Reliance Group, thuộc sở hữu của ty phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani, phát đi thông báo hồi tháng 8/2020 rằng công ty này muốn mua lại hoạt động kinh doanh lõi của Future Group, đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ tại Ấn Độ, với giá 3,4 tỷ USD.
Amazon, vốn sở hữu cổ phần trong Future, lên tiếng không thừa nhận tính hợp pháp của thỏa thuận mua bán này, và hai bên đã kiện nhau ra tòa án. Tuy nhiên, cuộc chiến tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông giữa các doanh nghiệp lớn chỉ mà một phần tương đối nhỏ nếu như đem so sánh với cả thị trường bán lẻ vô cùng lớn của Ấn Độ. Cuộc chiến này diễn ra song song với cuộc chạy đua “thu phục” các kirana, vốn đang rất nóng.
Reliance Retail, đơn vị phụ trách lĩnh vực bán lẻ của Reliance Group, ra mắt nền tảng bán hàng trực tuyến JioMart hồi năm ngoái, thông qua đó, các chủ sở hữu karina có thể đặt hàng thông qua một chiếc máy được phát triển đặc biệt bởi chính công ty - thiết bị có sứ mệnh thay thế các đơn vị bán buôn truyền thống.
Thiết bị, có kích thước chỉ ngang một chiếc điện thoại thông minh, sẽ giúp các chủ cửa hàng quản lý lượng hàng hóa ra và vào, bên cạnh đó là những sản phẩm hạ giá. Công ty hiện tại đã phân phối ra hơn 100.000 thiết bị như vậy. Các chủ cửa hàng sẽ phải đóng một khoản đặt cọc cho sản phẩm, nhưng không phải chịu chi phí thuê sử dụng thiết bị.
Quy mô thị trường bán lẻ Ấn Độ. Đơn vị: nghìn tỷ USD. |
Ẩn sâu sau đó, ông lớn bán lẻ này muốn người tiêu dùng có thể mua sắm thông qua JioMart, nơi họ có thể chọn một kirana ở gần họ nhất để thực hiện công tác giao hàng. Reliance cũng sẽ trợ giúp cung cấp hang hóa cho các cửa hàng từ chính nhà kho của mình.
Bằng cách mang cả người bán và người mua lên cùng một nền tảng, công ty không giấu đi tham vọng sở hữu toàn bộ chuỗi giá trị, trong đó bao gồm cả các giao dịch thông qua JioMoney - ví điện tử cũng chính do công ty này phát tiển.
Ông Ambani từng phát biểu trong một hội nghị toàn thể của công ty hồi năm 2018 rằng ông muốn Reliance trở thành một nền tảng công nghệ hội tụ các cửa hàng bán lẻ cùng các khách hàng của Jio với các chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ, thống nhất thị trường trực tuyến và truyền thống. Khách hàng cũng có thể truy cập internet thông qua mạng lưới viễn thông của Jio.
Tương tự, Udaan, một nền tảng thương mại điện tử, đẩy mạnh kết nối với các nhà sản xuất cũng như các thương hiệu nhằm phân phối sản phẩm tới các kirana. Udaan có những đơn vị và chính sách chuyên biệt để phục vụ các chủ cửa hàng này.
Công ty khởi nghiệp này, được thành lập năm 2016, kêu gọi được 1,15 tỷ USD tiền đầu tư tính tới thời điểm hiện tại. Các nhà đầu tư của công ty bao gồm GGV Capital, Tencent Holdings và Lightspeed Venture Partners. Udaan cung cấp đa dạng các loại hàng hóa từ quần áo, giày dép, đồ điện tử cho tới hàng tạp hóa và hiện đang có khoảng 30.000 người bán hàng tới từ 900 thành phố khác nhau tham gia nền tảng.
Không giống như Udaan, Jumbotail, được thành lập năm 2015 tại Bangalore, chủ yếu phân phối các sản phẩm tạp hóa và thực phẩm. Công ty này kêu gọi thành công 53 triệu USD tiền đầu tư. Hiện tại, công ty bắt đầu sinh lợi nhuận và đặt mục tiêu mở rộng ra nhiều địa phương trên toàn quốc.
Trong khi đó, Amazon, đưa ra ý tưởng tích hợp hoạt động thương mại điện tử vào mạng lưới các kirana rộng lớn, theo đó, nỗ lực trực tuyến hóa các cửa hàng đó trong suốt thời kỳ dịch bệnh nhằm phục vụ các loại hàng hóa từ hoa tươi cho tới đồ điện từ, và biến họ thành những đơn vị thành viên phục vụ cho công tác giao hàng từ xa.
Trong tháng 4 này, công ty tuyên bố tới năm 2025, họ sẽ có hàng triệu kirana trên website, một bước đại nhảy vọt so với con số 50.000 cửa hàng ở thời điểm hiện tại.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ thành công của các chiến lược kinh doanh nói trên. Tuy nhiên, các kirana cũng nhận được động lực thay đổi từ một số sự kiện xảy ra gần đây, trong đó bao gồm thu hồi 86% lượng tiền mặt lưu hành chỉ trong vòng một đêm hồi năm 2016 và việc áp thuế hàng hóa, dịch vụ. Những sự kiện trên, cùng với dịch bệnh Covid-19, buộc các đơn vị bán lẻ nhỏ phải thực hiện trực tuyến hóa.
Hiện tại, các kirana đang có rất nhiều lựa chọn. Họ hoàn toàn có thể đưa ra quyết định sẽ hợp tác với đơn vị nào.
Mahendra Prajapati, chủ kirana tại Mumbai, cho biết sẽ sử dụng nền tảng của JioMart để hưởng chiết khấu trên những mặt hàng đắt tiền như dầu ăn, bên cạnh đó là cam kết sẽ giao hàng nhanh chóng tới từ đơn vị này. Những ưu đãi của JioMart khiến ông bỏ qua thực tế rằng công ty có lượng hàng tồn kho tương đối hạn chế và nhiều sản phẩm đang được gắn giá cao hơn so với mức giá mà ông chào bán tới khách hàng.
Không chỉ chiết khẩu, các nền tảng còn có những ưu đãi như cho phép thanh toán chậm, một yếu tố khá quan trọng trong một lĩnh vực kinh doanh cần nhiều vốn này.
Tại Bangalore, Suresh Lakshman Amin chuyên cung cấp thực phẩm và hàng tạp hóa cho những cửa hàng bán lẻ khác và khách hàng cá nhân. Ông đánh giá cao những ưu đãi mà Jumbotail đưa ra khi ông bắt đầu kinh doanh 3 năm trước. Ông đặt hàng rất nhiều sản phẩm thực phẩm từ Jumotail, nhưng bên cạnh đó cũng là từ các cửa hàng của Amazon và Udaan đối với một số mặt hàng có giá phải chăng hơn.
“Kirana hoàn toàn có thể giúp thu về nhiều giá trị nếu như có ai đó giúp họ gia tăng doanh số”, theo một chuyên gia phân tích tới từ Mumbai.
Ashok Kumar, mở một cửa hang kirana 6 tháng trước tại Mysore, có những lựa chọn riêng. Sau khi đánh giá các nhà cung cấp và đơn vị bán buôn, anh quyết định tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp truyền thống, bên cạnh đó cũng tận dụng nguồn hàng từ Jumbotail và Amazon, nơi có thể tiếp cận nhiều loại hàng hóa rẻ như dụng cụ vệ sinh và mỹ phẩm.
“Tôi thay đổi thường xuyên giữa các bên”, anh cho biết. "Nếu như có thời gian rảnh, tôi thường kiếm tra các ứng dụng. Ở đâu tôi được chào giá tốt hơn, tôi sẽ đặt hàng ở đó”.
Kết quả cuộc đua giành kirana tại Ấn Độ rất khó đoán. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, vẫn có những hoài nghi về mô hình kinh doanh của các nền tảng lớn khi tích hợp các kirana vào chuỗi cung ứng của họ.
“Có một điều chắc chắn rằng nếu như việc giao hàng được thông qua các kirana, chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn rất nhiều”, theo Arvind Singhal, chủ tịch của Technopak. “Điểm còn thiếu ở đây đó là diện tích của các kirana chỉ từ 17m2 tới 37m2, và lý do mà nhiều người mua sắm trực tuyến chính là sự đa dạng của các mặt hàng”.
Một chủ cửa hàng kirana giãi bày rằng ông “chán ngán” với việc đại diện các nền tảng thường xuyên đặt câu hỏi về những mặt hàng mà ông đang bày bán trong cửa hàng. Ông chỉ ra rằng nếu như họ muốn mang lợi ích cho cửa hàng, công việc của họ nên là thông báo với cửa hàng rằng họ đang bán những sản phẩm gì chứ không phải là điều ngược lại”.
Bhadra vẫn không thể đưa ra quyết định đơn vị nào sẽ hợp tác trong tương lai vì anh không ấn tượng với phần lớn các nền tảng.
“Tại sao tôi phải cung cấp cho họ dữ liệu bán hàng của mình”, anh cho biết, đặc biệt là khi các nhà cung cấp hiện tại vẫn có thể cung cấp cho anh một dải hàng hóa rộng lớn với giá cả hợp lý, thậm chí họ cũng có dịch vụ giao hàng tận cửa, ngay cả khi đất nước đang áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Nền tảng ngoại lệ duy nhất đó chính là JioMart của Reliance. Anh ban đầu đăng ký sử dụng máy bán hàng của công ty vì anh không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Anh đang đặt một vài mặt hàng thông qua ứng dụng này, nhưng số lượng hàng hóa đó chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng hàng anh nhập về.
Những nền tảng điện tử tại Ấn Độ vẫn còn một quãng đường dài phía trước cho tới khi toàn bộ chủ sở hữu những cửa hàng kirana như Bhadra đồng ý gia nhập vào sân chơi.
Người đồng hành