Cuộc cãi nhau nảy lửa "hậu Tết" và chuyện về cô vợ có "sở thích kì lạ" sau khi lấy chồng: Đây mới là thứ khiến phụ nữ "chấp mọi cuộc chơi"
Không phải bỗng dưng mà cứ Tết đến phụ nữ lại lắm tâm sự, cứ sau Tết các bà vợ lại đòi bỏ chồng.
- 18-02-20213 thói quen đơn giản của những người sống tại “vùng đất trường thọ” có thể giúp bạn hạnh phúc và khỏe mạnh trong thời kỳ đại dịch
- 17-02-2021Tâm sự của những người độc thân giữa đại dịch COVID-19: Vì dịch, tôi đã 3 tháng không chạm vào người khác!
- 16-02-2021Giàu không tiết kiệm, nghèo liền tay; nghèo không tiết kiệm, sớm ăn mày: 5 nguyên tắc bất di bất dịch giúp kiểm soát tình hình tài chính, thiết lập thành công cho cả năm
- Phụ nữ nào Tết chả phải nấu ăn, phải lo việc nhà chồng mà cô kêu ca cái gì. Vợ người ta thì quần là áo lượt, vợ mình trông chả ra làm sao, cứ thắc mắc chồng không muốn đưa đi đâu.
- Anh ích kỉ vừa thôi, anh đòi tôi thay đổi, phải thế nọ thế kia, sao anh không thay đổi cái bản thân anh trước đi.
- Đấy, vậy mà cô nói cô yêu tôi nhiều, như thế là yêu à, suốt ngày chì chiết nhau, không sống được thì giải tán.
- Anh nhớ lấy câu này, tôi mà không ly hôn tôi làm con anh!
Đó là đoạn trích trong cuộc cãi nhau "xưa như Diễm" mà tôi nghe được ở nhà hàng xóm. Hôm nay mới mùng 8 tháng đầu năm mới, trong khi nhiều nhà bảo nhau "dọn tủ lạnh, giải quyết thức ăn thừa" thì 1 số cặp vợ chồng lại muốn "thanh lý" luôn cuộc hôn nhân mục ruỗng mà họ đã phải gồng mình qua mấy ngày Tết.
Không phải bỗng dưng mà cứ Tết đến phụ nữ lại lắm tâm sự, cứ sau Tết các bà vợ lại đòi bỏ chồng. Khi chúng ta càng có nhiều thời gian bên nhau, càng phải cùng nhau lo toan nhiều việc thì càng xảy ra bất đồng. Nên dù chỉ 1 hành động nhỏ cũng đủ làm bùng "ngọn lửa" âm ỉ bấy lâu.
Để tôi kể các bạn nghe 2 câu chuyện rất thực tế nhưng khiến phụ nữ chúng ta cần suy ngẫm nhiều, không phải để so đo, rạch ròi với nhau mà về cơ bản, chỉ cần trong lòng bạn hạnh phúc trước tiên thì người bên cạnh cũng được thoải mái.
Câu chuyện thứ nhất
Loan - cô bạn cùng thời đại học với tôi tính cách khá nhút nhát, có chút "bánh bèo" và không bao giờ động chân, động tay vào các bộ môn thể thao hay việc nặng nhọc. Bởi cô ấy sợ sờn bộ móng tay, hỏng chiếc váy hoặc rối mái tóc bồng bềnh nếu vận động quá sức.
Ấy vậy mà nửa năm nay tuần nào tôi cũng thấy cô ấy cô ấy ra sân tập Tennis - môn thể thao trước kia cô ấy cực kì ghét. Điều dễ hiểu hơn cả là Loan luôn đi cùng chồng khiến ai biết rõ về cô ấy sẽ nghĩ cô nàng giữ chồng , làm hài lòng chồng là chủ yếu.
Thế nhưng trong 1 buổi cafe cùng bạn bè, Loan đã nói cho chúng tôi đáp án khá kinh ngạc: "Mình từng có ý định ly hôn chỉ sau cưới 3 tháng. Mình gần như bị vỡ mộng và liên tục xích mích với chồng. Bọn mình như ở 2 thái cực: Mình thích mua sắm, anh ấy thích chơi thể thao, mình thích xem phim ngôn tình, anh ấy thích phim hành động... Sau đó bọn mình thỏa thuận sẽ học cách 'bước vào thế giới của nhau'. Chồng mình sẽ vui vẻ đi mua sắm cùng vợ còn mình tập chơi Tennis. Và dần dần mình nhận ra đó là cách giúp vợ chồng mình giải quyết mâu thuẫn nhanh nhất".
Thực chất hôn nhân không phải mỗi người đi tìm 1 nửa hoàn hảo của mình rồi ghép lại. Mà hôn nhân là dựa trên nền tảng tình yêu, vì yêu mà chấp nhận những thiếu sót của đối phương để cả 2 giúp nhau hoàn thiện hơn.
Đừng nghĩ tại lễ Tết hay tại bất cứ công to việc lớn nào làm cho chồng/ vợ bạn thay đổi, khiến bạn stress nhiều hơn. Vấn đề nằm trong chính chúng ta, những dịp đó chỉ là thời điểm cụ thể thử thách tình yêu và lòng kiên nhẫn của những người yêu nhau, đang từng ngày gọi nhau là vợ, là chồng.
Nếu nghĩ cho nhau thì nó là CƠ HỘI nhưng nếu chỉ nghĩ đến bản thân thì nó là LÝ DO. Cơ hội cho chúng ta gần nhau hơn còn lý do để chúng ta muốn kết thúc.
Hôn nhân không chỉ là "mái nhà" ghi dấu mốc tình yêu, hôn nhân đòi hỏi ai bước vào cũng cần học cách vận hành trôi chảy.
Câu chuyện thứ hai
Các bà vợ có bao giờ tự hỏi, khi chúng ta ngồi than thở mình phải rửa bao nhiêu cái bát, đếm bao nhiêu trận say của chồng trong mấy ngày Tết thì rất nhiều nơi trên đất nước này, rất nhiều những người làm vợ đang phải đón Tết 1 mình?
Nga là 1 phụ nữ rất lạc quan, sự lạc quan của cô ấy khiến người xung quanh phải kinh ngạc. Chồng Nga là bộ đội, anh ấy thường xuyên phải đi trực, đi học, đi tập huấn xa nhà và rất nhiều cái Tết anh ấy không được gần vợ con.
Bố mẹ chồng già yếu, con còn nhỏ, chồng không đỡ đần được vợ nhiều nhưng Nga chẳng bao giờ than thở. Cô ấy như 1 siêu nhân trong mắt cánh đàn ông quanh xóm.
Có lần thấy Nga xích mích với mẹ chồng, tủi thân đến phát khóc nhưng chồng gọi điện về cô ấy quệt vội nước mắt cười nói như không có chuyện gì xảy ra, tôi hỏi Nga tại sao không tâm sự với chồng. Cô ấy trả lời thế này: "Mình đã phải uất ức 1 lần, kể lể với chồng mình lại thêm 1 lần uất ức nữa. Chưa nói người ở xa không hiểu chuyện còn lo lắng, nghi ngờ người ở nhà, chuyện nhỏ lại thành ra đôi co. Mình nên tự học cách giải quyết, tự tìm niềm vui cho mình thay vì chờ người khác mang đến. Đó cũng là 1 cách yêu bản thân".
Nói là thế nhưng Nga không phải mẫu phụ nữ cam chịu. Cô ấy biết điều, biết suy nghĩ cho người khác nhưng rất biết trân trọng chính mình. Cô ấy vẫn làm đẹp trong điều kiện cho phép, 2 mẹ con đi du lịch lúc rảnh rỗi dù không có chồng, vẫn thẳng thắn từ chối nếu mẹ chồng yêu cầu vô lý.
Yêu bản thân không chỉ gói gọn trong việc biết làm đẹp, biết hưởng thụ mà yêu bản thân chính là việc phụ nữ luyện cho mình thói quen suy nghĩ và lối sống tích cực để tâm luôn tịnh, đầu óc luôn thoải mái. Bởi chỉ khi lòng luôn vui bạn mới nhìn mọi thứ nhẹ nhàng được.
Tạm kết
"Vợ chồng cơm sôi bớt lửa" - Nếu chúng ta cứ đề cao cái tôi cá nhân, ai cũng hằm hằm tiến về phía đối phương thì không thể nhìn được vấn đề nằm ở giữa. Mỗi người hãy lùi lại vài bước, tiết kiệm vài lời và dùng tình yêu từng có với nhau để suy ngẫm.
Phụ nữ cũng chẳng cần quanh năm suốt tháng đuổi theo để giữ người đàn ông của mình. Chỉ cần các chị quản lý tốt hôn nhân và yêu bản thân đúng cách thì thách ông chồng nào dám "kiêu".
Không ai sinh ra đã hiểu ai và cũng không ai có trách nhiệm phải làm hài lòng ai, chỉ có cùng nhau tiến bộ, hôn nhân mới lâu bền.
Nhịp Sống Việt