MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc cải tổ của Deutsche Bank ảnh hưởng như thế nào tới thị trường Việt Nam?

Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng quá sớm để đánh giá tác động việc thu hẹp kinh doanh của ngân hàng Đức bởi còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện.

Deutsche Bank (Đức) vừa mới tuyên bố rút lui khỏi thị trường vốn toàn cầu và cắt giảm 18.000 nhân sự cho tới năm 2022 trong một cuộc cải tổ mang tính nền tảng nhất với ngân hàng trong hàng thập kỷ qua.

Cụ thể, ngân hàng này sẽ đóng cửa mảng giao dịch cổ phiếu trên toàn cầu, thu hẹp quy mô mảng ngân hàng đầu tư và cắt giảm một số hoạt động liên quan đến công cụ nợ. Ngân hàng Đức sẽ tạo ra một ngân hàng xấu (bad bank) để nhận số tài sản rủi ro trị giá 74 tỷ euro (83 tỷ USD) dự định thoái vốn. Các tài sản này sẽ được bán dần trong các năm tới.

Deutsche Bank là ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức, được thành lập vào năm 1870. Với quy mô toàn cầu, Deutsche Bank cung cấp hầu hết các dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, kinh doanh chứng khoán, dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, quản lý tài sản…

Với riêng bộ phận quản lý tài sản, Deutsche Bank cũng là ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thế giới thông qua công ty con là DWS Group. Hiện công ty quỹ này quản lý khối tài sản 704 tỷ euro tính đến 31/3, tại 15 quốc gia.

Cùng với các ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs hay Morgan Stanley, Deutsche Bank cũng sớm tham gia thị trường Việt Nam từ năm 1992. Bên cạnh hoạt động ngân hàng truyền thống, Deutsche Bank còn tham gia đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam thông qua Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE Vietnam ETF) và Vietnam Phoenix Fund Limited (tiền thân là DWS Vietnam Fund).

FTSE Vietnam ETF quản lý 7.100 tỷ đồng

Bên cạnh FTSE, thị trường Việt Nam còn có một số quỹ ETF lớn khác như VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) được quản lý bởi Van Eck Global, MSCI Frontier Markets Index thuộc MSCI, 2 quỹ ETF nội là VFMVN30 của VietFund Management và FUESSV50 thuộc quản lý quỹ SSI (SSI AM).

FTSE Vietnam ETF là quỹ đầu tư chỉ số (quỹ hoán đổi danh mục – ETF) đầu tiên tại Việt Nam được Deutsche Bank AG thành lập vào tháng 1/2008. FTSE Group xây dựng 2 chỉ số chứng khoán đối với thị trường Việt Nam là FTSE Vietnam All-Share Index (chiếm đến 90% giá trị vốn hóa thị trường) và FTSE Vietnam Index.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, quỹ FTSE Vietnam ETF hiện quản lý gần 305 triệu USD (tương đương 7.100 tỷ đồng), tăng 5,86% trong 1 năm qua. Quy mô của quỹ chỉ thua VNM ETF và ngang với VFMVN30.

Trong đó, nhóm cổ phiếu Vingroup (Vinhomes, Vingroup, Vincom Retail), Vinamilk, Masan… là những khoản đầu tư lớn nhất, đều chiếm trên 10% giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ.

Cuộc cải tổ của Deutsche Bank ảnh hưởng như thế nào tới thị trường Việt Nam? - Ảnh 2.

Top 10 danh mục của Xtrackers FTSE Vietnam Swap. Nguồn Bloomberg.

Vietnam Phoenix Fund quản lý gần 3.500 tỷ đồng

Bên cạnh quỹ đầu tư thụ động FTSE Vietnam ETF, Deutsche Bank còn quản lý Vietnam Phoenix Fund Limited, chuyên đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu. Tiền thân của quỹ này là DWS Vietnam Fund được thành lập hồi tháng 12/2006 bởi Deutsche Asset Management (Asia) Limited.

Cuối năm 2016, Duxton Asset Management Pte Ltd được chỉ định làm quản lý Vietnam Phoenix Fund (Duxton Group thuộc Deutsche Bank hiện quản lý tổng tài sản 997 triệu USD). Duxton sở hữu Vietnam Phoenix Fund thông qua một số quỹ thành viên, trong đó nổi bật như Beira Limited và Kallang Limited đã từng đầu tư vào Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA), Năm Bảy Bảu (HoSE:NBB)…

Vietnam Phoenix Fund chia tài sản quản lý thành 2 danh mục. Trong đó, Class A (VPF A - chuyên đầu tư cổ phiếu niêm yết) có tổng tài sản gần 39 triệu USD, tăng 1,18% từ đầu năm 2019. Tính đến cuối tháng 5, danh mục của VPF A có 3 khoản đầu tư lớn nhất là Vinamilk, FPT và Hòa Phát.

Cuộc cải tổ của Deutsche Bank ảnh hưởng như thế nào tới thị trường Việt Nam? - Ảnh 3.

Danh mục của VPF A tính đến cuối tháng 5.

Trong khi đó, Class C (VPF C) quản lý tổng tài sản 111 triệu USD, giảm 0,83% trong 5 tháng đầu năm. Danh mục này chủ yếu là các khoản đầu tư tư nhân chưa niêm yết. Ba khoản đầu tư lớn nhất là Greenfeed, Corbyns International và Anova Corp với tổng tỷ trọng 80,7% NAV.

Thông qua 2 danh mục, Vietnam Phoenix Fund quản lý tổng cộng 150 triệu USD, tương đương gần 3.500 tỷ đồng.

Deutsche Bank sẽ khó rút ngay

Nhận định về tác động lên thị trường chứng khoán, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng quá sớm để đánh giá tác động của việc thu hẹp kinh doanh này của ngân hàng Đức bởi còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện.

Trong thông báo chuyển đổi, Deutsche Bank cho biết sẽ rút lui khỏi hoạt động kinh doanh và giao dịch vốn (Equities Sales & Trading). Ngân hãng ký một thỏa thuận sơ bộ với BNP Paribas để cung cấp dịch vụ liên tục cho các khách hàng. Deutsche Bank cũng khẳng định DWS vẫn là một trụ cột chiến lược của ngân hàng và tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành top 10 nhà quản lý tài sản hàng đầu thế giới.

Deutsche Bank cho biết sẽ tiến hành chuyển đổi theo 2 giai đoạn. Thứ nhất là cơ cấu các đơn vị đầu tư, các đơn vị kém hiệu quả để tập trung thành ngân hàng xấu. Bước tiếp theo là chào bán những khoản đầu tư này cho các ngân hàng đầu tư, tổ chức khác.

Giám đốc đầu tư Công ty Biên An Toàn Huỳnh Minh Tuấn, cho biết tác động rõ ràng và đầu tiên đến Việt Nam là ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư do đây là một tên tuổi quản lý quỹ lớn trên thị trường.

“Với FTSE, đây chỉ là chứng chỉ quỹ mô phỏng chỉ số. Deutsche Bank thực hiện huy động vốn từ các nhà đầu tư và làm môi giới cho quỹ này. Do vậy, khi các nhà đầu tư chưa muốn rút tiền thì quỹ này vẫn sẽ hoạt động bình thường, khả năng rút vốn là thấp và khó bị ảnh hưởng”, ông Tuấn nhận định.

Thậm chí chứng khoán Bảo Việt còn nhận định, với việc tiếp tục thúc đẩy phát triển mảng quản lý quỹ DWS với mục tiêu lọt vào top 10 công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới, FTSE Vietnam ETF sẽ không chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc tái cơ cấu này mà ngược lại có thể sẽ được hưởng lợi thêm trong tương lai.

Tuy nhiên, Giám đốc đầu tư Biên An Toàn lo ngại rằng Deutsche Bank thời gian gần đây có thể đã thực hiện hoạt động cơ cấu P-Notes (một công cụ tài chính được các ngân hàng hàng đầu như Citibank, Deutsche Bank, HSBC phát hành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài với ưu điểm không cần đăng ký với cơ quan quản lý, qua đó không cần công khai thông tin chủ sở hữu thực sự).

Với hoạt động đầu tư trực tiếp, ông Tuấn đánh giá thông tin rút lui của Deutsche Bank có thể gây áp lực lên thị trường khi có thể bán mà chấp nhận lỗ. Tuy nhiên, sẽ khó có thể rút lui nhanh khi thị trường Việt Nam đang ở giai đoạn tương đối yếu, đối tác mua lại cũng sẽ cần thời gian chuẩn bị.

“Thị trường Việt Nam cũng đang là điểm trũng để hút vốn nước ngoài, do đó khả năng Deutsche Bank rút vốn khỏi Việt Nam tương đối thấp. Họ có thể tập trung rút lui khỏi các thị trường rủi ro cao hơn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…”, ông Tuấn đánh giá.

Theo Huy Lê

Người đồng hành

Trở lên trên