MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến 5G giữa Mỹ và Trung Quốc vừa bước sang giai đoạn mới: Mỹ ráo riết lôi kéo đồng minh, các nước ồ ạt nhận ưu đãi

25-06-2021 - 09:50 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc chiến 5G giữa Mỹ và Trung Quốc vừa bước sang giai đoạn mới: Mỹ ráo riết lôi kéo đồng minh, các nước ồ ạt nhận ưu đãi

Chính phủ Mỹ đang tăng cường sức ép đối với tham vọng 5G của Bắc Kinh ở nước ngoài, bằng cách đưa ra các ưu đãi tài chính và các biện pháp chiêu dụ khác nhằm giúp các quốc gia sẵn sàng rời bỏ thiết bị viễn thông do Trung Quốc sản xuất.

Các cơ quan đối ngoại của Hoa Kỳ đang tổ chức các hội thảo và xây dựng một cuốn sổ tay có thể giúp các nhà hoạch định chính sách ở những khu vực như Trung và Đông Âu và ở các nước đang phát triển xây dựng mạng di động 5G thế hệ tiếp theo mà không sử dụng thiết bị của Huawei Technologies và Tập đoàn ZTE của Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ cho biết họ cũng có kế hoạch tổ chức các khóa đào tạo cho các chính trị gia, nhà quản lý và học giả nước ngoài để giám sát việc triển khai mạng 5G ở các quốc gia này trong thời gian sắp tới. Dẫn đầu sáng kiến này là Chương trình xây dựng Luật Thương mại do Bộ Thương mại Hoa Kỳ chủ trì, có nhiệm vụ thúc đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách cộng tác trực tiếp với các chính phủ nước ngoài trên các vấn đề kỹ thuật và pháp lý.

Để giúp đào tạo, các quan chức Mỹ cho biết họ đang tổng hợp một cuốn sách tham khảo với nội dung bao gồm các nghiên cứu điển hình về cách các đồng minh của Mỹ như Anh đã thực hiện các hạn chế đối với thiết bị viễn thông của Trung Quốc.

Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp phát triển (G7) đã công bố một sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu mới có tên "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (Build Back Better World – BBBW). Chính quyền Biden đã định vị nó như một giải pháp thay thế cho sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, vốn là một sáng kiến nhằm huy động vốn đầu tư của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới. Mặc dù không phải là một phần của chương trình nghị sự của G7 vào cuối tuần qua, nhưng các biện pháp khuyến khích mới của Washington nhằm hạn chế thiết bị viễn thông của Trung Quốc cho thấy sự tập trung đặc biệt của Hoa Kỳ vào ngành viễn thông.

Stephen Anderson, quyền Phó trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách giám sát các nỗ lực tiếp cận về viễn thông và công nghệ, cho biết "Chính quyền Biden-Harris coi bảo mật 5G là ưu tiên hàng đầu". Ông cho biết các chuyên gia Hoa Kỳ sẽ tư vấn cho các quốc gia về chi phí, quy định và những cân nhắc về vấn đề an ninh mạng cần thiết để xây dựng nền tảng mạng 5G với nỗ lực ngăn cản các quốc gia này sử dụng thiết bị của Huawei cũng như các hãng khác của Trung Quốc.

Hoa Kỳ coi những thiết bị như vậy là một mối đe dọa an ninh. Huawei và các nhà sản xuất Trung Quốc khác nói rằng họ không phải tuân thủ theo quy định của Chính phủ Trung Quốc và sẽ không sử dụng các thiết bị của mình vào mục đích do thám.

Trong khi đó, một nhóm lưỡng đảng lớn trong Quốc hội Mỹ đang ủng hộ một dự luật được đề xuất vào tháng trước cho phép các nước Trung và Đông Âu nhận viện trợ nước ngoài đặc biệt của Mỹ để mua thiết bị viễn thông không có xuất xứ từ Trung Quốc.

Từ "cây gậy" sang "củ cà rốt"

Những nỗ lực này minh chứng cho giai đoạn mới trong một chiến dịch kéo dài của Hoa Kỳ nhằm ngăn cản các đồng minh của mình ở nước ngoài sử dụng thiết bị viễn thông của Trung Quốc. Washington bắt đầu chiến dịch cách đây vài năm bằng cách chủ yếu "cầm gậy" đe dọa - cảnh báo các đồng minh rằng nước này sẽ hạn chế chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia sử dụng thiết bị của Huawei. Tuy nhiên kết quả của nỗ lực trên là rất hạn chế: ví dụ, Đức cho đến nay vẫn từ chối việc cấm sử dụng thiết bị của Huawei. Các đồng minh khác như Anh đã chuyển sang hạn chế thiết bị từ Trung Quốc.

Giờ đây, Washington đang đưa ra những lời đề nghị "cà rốt" dưới hình thức các khoản cho vay và các khóa đào tạo để khuyến khích các nước tránh xa Huawei và các nhà cung cấp khác của Trung Quốc. Các giám đốc điều hành của các tập đoàn viễn thông, cũng như các quan chức ở Hoa Kỳ và các nước đồng minh, cho biết thiết bị của Trung Quốc thường rẻ hơn thiết bị tương đương của các đối thủ cạnh tranh với Huawei như Ericsson AB và Nokia.

Các quan chức và nhà lập pháp Hoa Kỳ cho biết an ninh mạng đóng vai trò quan trọng trong 5G vì công nghệ này được cho rằng sẽ gắn chặt với rất nhiều ngành cũng như thiết bị nhạy cảm, chẳng hạn như các dây chuyền sản xuất tự động hay máy theo dõi nhịp tim có kết nối internet.

Tại giai đoạn cuối của chính quyền Trump vào mùa thu năm ngoái, các cơ quan Hoa Kỳ bắt đầu thúc đẩy cung cấp các khoản vay cho các nước đang phát triển để các nước này có thể mua thiết bị từ các nhà cung cấp thiết bị viễn thông được ưu tiên như Ericsson của Thụy Điển, Nokia của Phần Lan và Samsung Electronics của Hàn Quốc. Sáng kiến này đã ghi dấu một chiến thắng ở Ethiopia vào tháng trước, khi một tập đoàn do Mỹ hậu thuẫn đánh bại đối thủ do Bắc Kinh tài trợ để xây dựng một hệ thống mạng không dây toàn quốc mới. Washington đã cho quốc gia này vay một khoản trị giá tới 500 triệu đô la.

Về mặt lịch sử, việc cho vay như vậy của Hoa Kỳ đã bị luật pháp hạn chế đối với các nước đang phát triển. Điều luật đưa ra nhằm hạn chế nguồn tài trợ mà các nước ở khu vực Trung và Đông Âu không thể tiếp cận được. Các quốc gia trên nghèo hơn so với nhiều nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới, nhưng những quốc gia này vẫn được coi là đủ giàu để nằm ngoài nhóm các nước đang phát triển.

Nhưng Quốc hội Mỹ đã đưa ra một số miễn trừ gần đây, bao gồm cả các dự án năng lượng. Một cơ quan mới của Hoa Kỳ, Cơ quan Tài chính phát triển thế giới, năm ngoái đã phê duyệt khoản đầu tư 300 triệu USD vào Sáng kiến Tam Hải (Three Seas Initiative), một quỹ đầu tư vào các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng khác ở 12 quốc gia Trung và Đông Âu.

Dự luật lưỡng đảng được thông qua tại Quốc hội cũng sẽ giành quyền miễn trừ cho các dự án viễn thông. Hạ nghị sĩ Marcy Kaptur, đảng viên Đảng Dân chủ của Bang Ohio, đã đề xuất đạo luật này vào tháng trước. Nó sẽ cấp cho các nước Trung và Đông Âu quyền miễn trừ nhận viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ để mua thiết bị viễn thông không có xuất xứ từ Trung Quốc.

Nhiều quốc gia Trung và Đông Âu, bao gồm Rumani, Ba Lan, Cộng hòa Séc và các nước vùng Baltic, đã nhanh chóng tiếp thu các quan điểm của Mỹ trong việc chống lại Huawei. Nhiều quốc gia cũng coi mối quan hệ quân sự bền chặt với Mỹ là yếu tố quan trọng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Nhiều quốc gia cũng tỏ thái độ nghi ngờ với Trung Quốc. Vào năm 2019, Ba Lan đã bỏ tù một giám đốc điều hành của Huawei vì cáo buộc gián điệp, trong khi chính phủ của các quốc gia vùng Baltic và Rumani đã thực hiện các bước để hạn chế việc sử dụng thiết bị Huawei tại quốc gia của mình. Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đã yêu cầu Trung Quốc thay thế đại sứ hiện tại của mình tại đất nước ông, sau một loạt các ý kiến tranh cãi về vai trò của Huawei đối với quốc gia này.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng có các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Hungary, nơi Huawei vừa xây dựng một trung tâm nghiên cứu mới tại Budapest. Huawei đã mở một trung tâm tương tự ở Serbia vào năm ngoái. Một số quốc gia cũng đã đăng ký tham gia chương trình Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, trong đó các quốc gia này được các tổ chức do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, tài trợ phần lớn về tài chính, xây dựng đường cao tốc, cảng và cơ sở hạ tầng khác.

Tham khảo Wall Street Journal

Lục Trúc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên