Cuộc chiến chống khủng bố ra sao 13 năm sau khi Osama Bin Laden bị tiêu diệt?
Ngày mai (2/5) đánh dấu mốc tròn 13 năm trùm khủng bố Osama Bin Laden - thủ lĩnh tổ chức Al Qaeda bị tiêu diệt. Nhìn lại, chiến dịch đột kích bí mật của Mỹ năm 2011 nhằm vào thành phố Abbottabad của Pakistan đã có tác động trên phạm vi toàn cầu; đồng thời cũng bộc lộ những tồn tại và mâu thuẫn tại quốc gia lâu nay vốn bị coi là “cái nôi của khủng bố”.
- 02-03-2016Bin Laden từng kêu gọi Tổng thống Obama chống... biển đổi khí hậu
- 09-05-2011Thị trường dầu nghĩ lại về cái chết của Bin Laden
- 03-05-2011Bin Laden chết, Dow Jones vẫn mất điểm
- 02-05-2011Chứng khoán châu Á lên điểm nhờ tin về cái chết của Osama bin Laden
13 năm trôi qua, Al Qaeda nói riêng, chủ nghĩa khủng bố nói chung đang tìm kiếm những con đường sống sót và tồn tại ra sao? Pakistan rộng hơn là khu vực Nam Á cùng cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu liệu đã có những biến chuyển gì?
Nam Á có còn là “cái nôi của khủng bố”?
Hơn 1 thập kỷ sau cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden, tình hình an ninh tại khu vực Nam Á nói chung và Pakistan nói riêng đã có những biến chuyển. Tuy vậy, mối đe dọa của khủng bố và bạo lực cực đoan chắc chắn vẫn chưa thể biến mất tại đây, nhất là tại Pakistan và Afghanistan. Ví dụ trong năm 2023, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và An ninh có trụ sở tại Islamabad cho thấy Pakistan đã ghi nhận mức tăng đột biến chưa từng có về bạo lực liên quan đến khủng bố.
Tổng số ca tử vong liên quan đến bạo lực đạt mức cao kỷ lục trong 6 năm, đặc biệt là ở hai tỉnh bất ổn của nước này là Khyber Pakhtunkhwa ở Tây Bắc và Balochistan ở Tây Nam. Theo đó, ít nhất 1.524 người thương vong liên quan đến 789 vụ tấn công khủng bố và hoạt động chống khủng bố ở Pakistan vào năm 2023. Những người thiệt mạng bao gồm gần 1.000 dân thường và nhân viên an ninh. Nghiên cứu này chỉ ra rằng tình hình bạo lực và các cuộc tấn công khủng bố ở Pakistan đã gia tăng kể từ năm 2021.
Thủ phạm của các vụ bạo lực và khủng bố này được cho là các nhóm chống nhà nước tại Pakistan, chẳng hạn như Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), Tehreek-e-Jihad Pakistan (TJP), hay nhóm Quân đội Giải phóng Baloch và chi nhánh tại khu vực của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan. Đây thực sự là cơn đau đầu với chính quyền Pakistan trong bối cảnh quốc gia Nam Á này còn đang phải vật lộn với khủng hoảng chính trị và suy thoái kinh tế trầm trọng. Cũng vì tình hình an ninh xuống cấp mà quan hệ giữa Pakistan với nước láng giềng Afghanistan cũng trở nên xấu đi, khi Islamabad cáo buộc chính quyền Taliban tại Kabul tạo điều kiện để các nhóm khủng bố sử dụng lãnh thổ nhằm tấn công Pakistan.
Trong khi đó, Afghanistan dưới sự điều hành của Taliban trong hơn 2 năm qua đã có những tiến bộ về mặt an ninh; nhưng vẫn chưa thể cho thấy nơi đây sẽ không phải là “thiên đường” cho các tổ chức khủng bố. Không ai dám chắc Al Qaeda hay IS Khorasan vẫn đang tồn tại ở đây hay không và liệu chúng có lên kế hoạch để thực hiện các vụ tấn công trong tương lai nữa không.
Ảnh hưởng của Osama Bin Laden
Dù đã suy yếu nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Al Qaeda và Osama Bin Laden vẫn giữ được ảnh hưởng nhất định trong thế giới cực đoan. Mới nhất cuối năm ngoái, bức thư có tên “Thư gửi nước Mỹ” cách đây 20 năm của trùm khủng bố đã bất ngờ lan truyền trở lại trên mạng xã hội, trong đó có đoạn đòi “xóa sổ Israel”, dấy lên những tranh cãi gay gắt về việc Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc xung đột Israel-Hamas.
Việc Mỹ và đồng minh tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama bin Laden cách đây 13 năm vẫn được coi là một thắng lợi lớn, một bước ngoặt cho cuộc chiến chống khủng bố. Chủ mưu của vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào nước Mỹ, kẻ được coi là thủ lĩnh tinh thần của mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda cuối cùng đã phải đền tội. 11 năm sau cái chết của Osama bin Laden, Mỹ lại tiếp tục chặt đứt một đầu não khác của al Qaeda với việc hạ sát Ayman al-Zawahiri, người lên kế nhiệm Bin Laden. Al-Zawahiri bị tiêu diệt trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái ngay tại thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 31/7/2022.
Việc hai thủ lĩnh của Al Qaeda bị tiêu diệt cách nhau hơn 1 thập kỷ chắc chắn là một đòn đánh mạnh vào nhóm khủng bố này; đẩy Al Qaeda tới chỗ tận diệt, mất khả năng hoạt động cũng như việc lên các kế hoạch khủng bố. Tuy vậy, các tư tưởng cực đoan, khủng bố và Thánh chiến Hồi giáo mà hai nhân vật này đã tạo ra chắc chắn vẫn tồn tại trong lòng thế giới Hồi giáo, dù chỉ ở quy mô rất nhỏ. Cũng cần phải nhìn nhận thực tế rằng, thế giới Hồi giáo – Arab cũng vẫn đang tồn tại những mâu thuẫn và cả xung đột ở trong lòng nó, cũng như giữa người Hồi giáo với phương Tây. Điển hình như cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas, hay chính sách thiên vị Nhà nước Do thái của Mỹ chỉ đào thêm hố sâu ngăn cách giữa hai bên qua hàng thập kỷ.
Thực tế, cái chết của Osama bin Laden không ngăn được chủ nghĩa cực đoan lan rộng ở Pakistan, hay Afghanistan và các phong trào tôn giáo bảo thủ thậm chí còn có ảnh hưởng lớn hơn với việc lập lại các giọng điều thù địch nhằm vào phương Tây. Đó là cơ sở để các tổ chức khủng bố thu nạp, tổ chức lực lượng, gây quỹ và phát động các chiến dịch của mình.
Những phát biểu của Osama Bin Laden được đăng tải lại đúng vào thời điểm cuộc xung đột tại Gaza cho thấy những vấn đề cũ mà thế giới vẫn chưa thể giải quyết. Và chừng đó chứng minh rằng, những mâu thuẫn sẽ tiếp tục tồn tại, thúc đẩy các tư tưởng cực đoan trỗi dậy, đe dọa thế giới.
Cuộc chiến chống khủng bố chưa có hồi kết
Không thể phủ nhận rằng, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và phương Tây kể từ vụ tấn công ngày 11/9/2001, cùng nỗ lực ngăn chặn các tư tưởng cực đoan, thánh chiến trên toàn thế giới đã mang lại kết quả. Chủ nghĩa khủng bố giờ đây không thể và còn rất ít chỗ trống để có thể vươn vòi bạch tuộc và gây hại cho thế giới. Tuy nhiên câu hỏi rằng liệu những nhóm khủng bố toàn cầu như al Qaeda hay IS đã chính thức lụi tàn hay chưa, vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Các vụ tấn công khủng bố gần đây cho thấy, các đối tượng gây ra tội ác được tuyển mộ, dụ dỗ, trả tiền để thực hiện hành vi tàn ác mà không cần phải phải qua quá nhiều kết nối với những kẻ chủ mưu đứng đầu. Hơn 1 thập kỷ qua, Al Qaeda có vẻ lụi tàn nhưng lại tới lượt IS nổi lên.
Ngay cả khi hai tổ chức này bị chặt hết các mắt xích quan trọng, những kẻ mang trong mình các tư tưởng cực đoan vẫn lẩn khuất đâu đó và tìm kẽ hở thuận lợi về mặt chính trị trên khắp thế giới để lại tiếp tục gây dựng lại lực lượng, gây quỹ hoạt động và triển khai mục tiêu truyền thống của mình, đẩy phương Tây ra khỏi thế giới Hồi giáo.
Năng lực tuyển mộ và khủng bố của Al Qaeda có thể đã bị chặt đứt, nhưng ý định của chúng vẫn còn đó. Dù chúng không thể duy trì việc triển khai các chiến dịch quy mô lớn như trước, nhưng không phải vì thế mà các hoạt động ở quy mô nhỏ có thể chấm dứt.
Ngay cả việc Mỹ và đồng minh rút quân trong hỗn loạn khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021 cũng đặt ra tương lai bất định cho thế giới. Taliban, về mặt lý thuyết, cam kết không để đất nước Nam Á này trở thành nơi khủng bố trú ẩn và tấn công thế giới. Nhưng sẽ thật là ngây thơ nếu tin rằng chế độ mới tại Afghanistan sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn mầm mống cực đoan tại đây. Chừng nào lợi ích của Mỹ và Taliban còn khác biệt, chừng nào những vấn đề của thế giới Hồi giáo chưa được giải quyết, rất khó để tin rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ không trỗi dậy ở khu vực này.
Bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi, có lẽ mục tiêu chống khủng bố đã không còn là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia như giai đoạn khoảng 10 năm trước. Và cứ mỗi khi có sự vụ xảy ra, vấn đề này mới được xới trở lại. Bởi thế, khi mà các phần tử cực đoan vẫn còn len lỏi đâu đó, cuộc chiến chống khủng bố vẫn cần được nhận diện đúng mức, để các nước không bị quá bất ngờ trước những mối nguy mới về khủng bố có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
VOV