MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến giành người của các "ông trùm công nghệ" Trung Quốc: Lương lên tới 3,5 tỷ đồng/năm, thưởng nóng bằng cổ tức, tặng luôn cả nhà để mong "rước" được nhân tài

04-08-2021 - 23:30 PM | Sống

Cuộc chiến giành người của các "ông trùm công nghệ" Trung Quốc: Lương lên tới 3,5 tỷ đồng/năm, thưởng nóng bằng cổ tức, tặng luôn cả nhà để mong "rước" được nhân tài

Trong cuộc chiến giành giật nhân tài ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp công nghệ lớn tại Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Gree… cũng phải dốc toàn lực để gồng gánh khoản “đầu tư dài hạn” khó khăn này.

Theo kế hoạch Chương trình Thanh niên Tài năng của Huawei, “ông lớn” công nghệ của Trung Quốc này đang lên kế hoạch tuyển thêm 20-30 tài năng trẻ mới trong năm nay, và 200-300 người trong năm sau, với mức lương hàng năm cao nhất có thể lên tới 3,5 tỷ đồng/năm. Kế hoạch này của Huawei đã bắt đầu từ năm 2019 sau khi được Nhậm Chính Phi đề xuất.

Ngoài Huawei, JD.com, Inc. hay còn gọi là Jingdong cũng thường xuyên cập nhật chế độ tăng lương cho nhân viên. Trước đó, nếu một nhân viên trung bình mất 2 năm để tăng từ bậc 14 lên bậc 16 theo quy định của tập đoàn thì nay thời gian đã giảm xuống chỉ còn 1 năm. 

Vào đầu tháng 7, nhà sáng lập Xiaomi là Lôi Quân cũng từng hai lần đưa ra kế hoạch khen thưởng nhân tài, với tổng số tiền lên tới gần 5 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 15 nghìn tỷ đồng).

Chưa dừng lại ở đó, Gree cũng ban hành thông báo khích lệ nhân sự bằng cổ phần với với quy mô tài chính lên tới 3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 10 nghìn tỷ đồng)... 

Có thể thấy rằng, việc cải thiện đãi ngộ nhân tài dường như đã trở thành một xu hướng mà các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc đang tranh đấu kịch liệt. Bản chất nhu cầu về thị trường tuyển dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ hoặc Internet đã rất khốc liệt. Vì lẽ đó, càng nhiều “ngón đòn” được tung ra bởi những “ông lớn”, người có quy mô tài chính khổng lồ, có thể dốc vốn đầu tư lâu dài vào khía cạnh này.

Cuộc chiến giành người của các ông trùm công nghệ Trung Quốc: Lương lên tới 3,5 tỷ đồng/năm, thưởng nóng bằng cổ tức, tặng luôn cả nhà để mong rước được nhân tài - Ảnh 1.

Chính sách lương thưởng của các tài năng trẻ ngày càng được đề cao trong lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc. Ảnh: Internet.

1. Lung lạc lòng người bằng tiền bạc

Cho dù đó là Huawei, Xiaomi hay Gree, nguyên nhân trực tiếp của những khoản thu nhập lớn đều nhằm mục đích thu phục và thu hút nhân tài. 

Nhậm Chính Phi đã từng bày tỏ rất rõ ràng khi ông công bố kế hoạch tuyển dụng những thanh thiếu niên tài năng, hy vọng rằng họ sẽ là người “kích hoạt đội ngũ” và “tái tạo tổ chức”. Ông cũng cho rằng, đây là một cuộc chiến, và "nhất định phải thắng." Vì vậy, Huawei không ngần ngại tung ra kế hoạch khuyến khích lương thưởng cao lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Theo báo cáo tài chính năm ngoái, tổng chi phí trả lương cho nhân viên và các phúc lợi khác của Huawei lên tới 139,1 tỷ nhân dân tệ và mức lương bình quân đầu người hàng năm lên tới 706.000 nhân dân tệ. 

Xiaomi cũng không để mình đứng ngoài cuộc chơi. Lôi Quân đã thông báo chính sách “thưởng nóng” khoảng 70 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 1,84 tỷ đô la Hồng Kông, cho các kỹ sư trẻ xuất sắc, sinh viên mới tốt nghiệp xuất sắc và nhân viên xuất sắc ở các vị trí cốt lõi, cũng như những người chiến thắng giải thưởng công nghệ hàng năm. 

Họ cũng thông báo sẽ trao khoảng 120 triệu cổ phiếu cho các chuyên gia kỹ thuật, các nhà quản lý cấp trung và cấp cao, v.v., với tổng trị giá khoảng 3,105 tỷ đô la Hồng Kông.

Bằng kế hoạch này, Xiaomi hi vọng có thể gắn kết vững chắc những tài năng cốt lõi trên con tàu của chính mình.

2. Đầu tư nhân tài: Một dạng “Cổ tức” dài hạn

Dù ở thị trường nào cũng vậy, một trong những giải pháp then chốt để giúp doanh nghiệp đứng vững trên sân nhà, tự tin hòa nhập với thế giới, bắt kịp đà phát triển và thậm chí là tiên phong trong một số lĩnh vực, chính là xây dựng nguồn nhân lực và tạo ra sự gắn kết để duy trì năng lực nội tại đó. Đây là khoản đầu tư chiến lược chứ không nên xem đó là chi phí.

Với chính sách của Xiaomi, kế hoạch khuyến khích nhân tài bằng cổ phần cũng quy định ngày sở hữu cuối cùng là 01 tháng 4 năm 2030, có nghĩa là, nhân viên đó cũng sẽ chịu ràng buộc với Xiaomi trong khoảng 10 năm tới. Từ góc độ lý tưởng, đây là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi cho cả Xiaomi và người lao động. 

Lý do khiến các doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư như vậy vào chất lượng nguồn nhân sự đều là do đã chứng kiến những trường hợp thực tế khả quan.

Vào năm 2019, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên CCTV, Nhậm Chính Phi đã chỉ ra rằng, sự phát triển 5G của Huawei có liên quan đến "sáng kiến đột phá" của một chàng trai người Nga, người đã được Huawei "nuôi" hơn chục năm trời mà chưa tạo ra thành quả gì. Kết quả, thứ mà người này hồi báo cho công ty là sự đột phá trong công nghệ 5G, giúp Huawei kiếm được rất nhiều tiền. 

Cuộc chiến giành người của các ông trùm công nghệ Trung Quốc: Lương lên tới 3,5 tỷ đồng/năm, thưởng nóng bằng cổ tức, tặng luôn cả nhà để mong rước được nhân tài - Ảnh 2.

Chính việc thu hút nhân tài chất lượng đã giúp Huawei trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển mạng 5G. Ảnh: Zhihu

Theo thông tin từ Sohu, sau khi Gree báo cáo mức chia cổ tức tiền mặt năm 2020 lên tới hơn 23.420. tỷ nhân dân tệ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có kế hoạch chia nhà.

Vào năm 2018, Chủ tịch Gree là bà Đổng Minh Châu từng nói rằng “để ổn định đội ngũ nhân tài”, mỗi nhân viên sẽ có một ngôi nhà với hai phòng ngủ và một phòng khách. Với kế hoạch này, câu hỏi đặt ra là quyền tài sản ngôi nhà thuộc về ai?

Các kế hoạch khuyến khích và trọng dụng nhân tài của các tập đoàn ngày càng đa dạng, nhưng cũng khiến không ít người đặt ra câu hỏi, bản chất của vấn đề là chân thành nâng cao phúc lợi cho nhân sự hay chỉ là mánh lới để mời chào tuyển dụng mà thôi? 

Đối với bất kỳ công ty nào, đầu tư vào lĩnh vực chất lượng nguồn nhân sự luôn là một hố sâu không đáy, nhưng lại vô cùng cần thiết để thực sự chạm tới quá trình đổi mới. Dựa trên nền tảng căn bản vững chắc, cơ hội đạt được chất xúc tác để tạo ra sự đột phá sẽ trở nên cao hơn. Do đó, cuộc chiến “đầu tư” chi phí cao này sẽ đóng vai trò thúc đẩy không hề nhỏ.

Nói cách khác, đây là một giai đoạn lịch sử mới. Nếu có thể chịu đựng và gánh vác phí tổn thì hoạt động sẽ dần trở nên bền vững hơn. Nếu không, rất có thể xí nghiệp sẽ hoàn toàn bị thời đại lấn át.

Thuý Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên