MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và công nghệ: Do chính sách chậm, lỏng lẻo

Trong hơn 2 năm qua, việc Grab được phép thí điểm triển khai ở 5 địa phương khi khung pháp lý chưa đầy đủ đã khiến hoạt động vận tải khách bằng taxi trở nên hỗn loạn.

Quyết định số 24/QĐ-BGTVT (QĐ 24) ngày 7-1-2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, đã cho phép Grab taxi thí điểm hoạt động ở 5 địa phương trong 2 năm (đến tháng 1-2018) tại: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Có vấn đề về định danh và áp đặt quy định

Khi hết thời hạn thí điểm, Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thí điểm đến khi có nghị định (NĐ) mới thay thế NĐ 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô có hiệu lực (NĐ 86).

Trong quá trình thí điểm, hàng loạt bất cập đã xảy ra đối với loại hình dịch vụ vận tải mới này. "Cuộc chiến" giữa taxi công nghệ và các taxi truyền thống kéo dài dai dẳng trên cả nước, đỉnh điểm là hãng taxi Vinasun kiện Grab (Báo Người Lao Động đã liên tục thông tin). Đây cũng là lý do chính khiến việc ban hành NĐ thay thế NĐ 86 chưa thể được thực hiện, dù đã qua 6 lần dự thảo.

“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và công nghệ: Do chính sách chậm, lỏng lẻo - Ảnh 1.

Xe của các hãng taxi truyền thống chờ đón khách ở Cảng Hàng không Pleiku Ảnh: HOÀNG THANH

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng trong việc triển khai thí điểm theo Quyết định 24 có sự nhầm lẫn trong phân loại hình kinh doanh vận tải. Bởi theo Luật Giao thông đường bộ, kinh doanh vận tải taxi là loại hình vận tải khách, trong đó hành trình đi theo nhu cầu của khách; tiền cước tính theo số km xe chạy. Với hình thức Grab đang kinh doanh hiện nay thì loại hình này đang đúng với tiêu chí kinh doanh taxi.

Ông Quyền đánh giá việc nhầm lẫn nêu trên dẫn đến bất bình đẳng trong thực hiện điều kiện kinh doanh giữa kinh doanh vận tải loại hình hợp đồng và loại hình taxi truyền thống. Taxi truyền thống bị nhà nước quản lý tới 13 điều kiện kinh doanh, còn với hình thức vận tải theo hợp đồng thì chỉ 2 điều kiện. "Xác định Grab là kinh doanh công nghệ thì sai" - ông Quyền nêu quan điểm.

Cần rõ ràng, công bằng

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, thẳng thắn nói ông và các đồng nghiệp không mặn mà với tranh cãi kéo dài suốt 2-3 năm qua giữa taxi truyền thống và Uber hay Grab. "Đây là quá trình chúng tôi khiếu nại, đấu tranh để đòi công bằng, bình đẳng về mặt chính sách, điều kiện kinh doanh giữa 2 loại hình kinh doanh vận tải hoàn toàn giống nhau về bản chất, cùng đối tượng phục vụ nhưng chính sách khác nhau. Một bên thì quá chặt chẽ, nhiêu khê; một bên thì gần như không có điều kiện gì" - ông Hỷ nói và nhấn mạnh chính vì tách 2 loại hình vận tải vốn giống nhau (vì đều là taxi) để quản lý khác nhau nên đã tạo ra xích mích lâu nay.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội), nếu định danh Grab là hãng kinh doanh vận tải taxi thì không dám chắc họ còn tiếp tục hoạt động ở Việt Nam hay không, vì tất cả lợi thế lợi ích của họ bị triệt tiêu. Tuy nhiên, khi thị phần của các hãng taxi truyền thống đang rơi vào tay Grab, nó đem lại sự lựa chọn mới trong kinh doanh vận tải và có lẽ đây cũng là cơ hội cho taxi truyền thống chuyển mình trong thời đại mới.

Nếu ở bản dự thảo NĐ thay thế NĐ 86 trình Chính phủ ngày 31-7 được Bộ GTVT dành riêng một chương về "xe hợp đồng điện tử" thì ở dự thảo lần thứ 6 đang trình Chính phủ, Bộ GTVT đã bỏ hoàn toàn khái niệm trên, thay bằng định nghĩa mới về hình thức "kinh doanh taxi".

Dự thảo định nghĩa việc kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là sử dụng ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ (gồm cả lái xe) để vận chuyển hành khách; có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng. Như vậy, những xe dưới 9 chỗ đang ký hợp đồng điện tử như dịch vụ GrabCar trên ứng dụng Grab, thông qua các HTX vận tải, doanh nghiệp (DN) vận tải đều được coi là "xe taxi" và phải gắn mào, lắp đồng hồ tính tiền… như taxi truyền thống.

Theo ông Hỷ, nguyên nhân chậm trễ ban hành là do dự thảo phải lấy ý kiến các bộ, ngành và các bên liên quan. Vì các bên đang có nhiều quan điểm khác nhau nên ban soạn thảo phải mổ xẻ các vấn đề để mọi thứ minh bạch, rõ ràng hơn, để có văn bản pháp luật tạo nền tảng kinh doanh công bằng, bình đẳng.

Thị trường sẽ quyết định

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết đã ký "tâm thư" gửi Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong sửa đổi NĐ 86. Văn bản đề nghị phải xác định đúng bản chất của loại hình vận tải và có biện pháp quản lý đối với loại hình kinh doanh mới phát sinh chưa có trong hệ thống pháp luật, tạo công bằng và bình đẳng giữa DN trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, để ngăn chặn lợi ích nhóm tinh vi.

Ông Tạ Long Hỷ đồng tình với dự thảo lần thứ 6 của Bộ GTVT, khi quy định tất cả xe 9 chỗ ngồi trở xuống mà chở khách, đều là taxi. "Hãng nào có công nghệ hay, giỏi cứ bổ sung và tác động vào. Xã hội và thị trường sẽ quyết định nên sự phát triển" - ông Hỷ nói.

Chiều 29-12, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT - cho biết dự thảo NĐ thay thế NĐ 86 đã xong các quy trình. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện dự thảo. Chậm nhất thì khoảng 1 tháng nữa sẽ trình lại để Thủ tướng ký ban hành.

Người tiêu dùng phải được lợi

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng loại hình hoạt động của Grab là một lĩnh vực mới và thường mâu thuẫn với mô hình kinh doanh truyền thống vì hiệu quả hơn, tốt hơn, đây là quy luật. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh mới cũng có mặt trái, đòi hỏi phải khắc phục những tồn tại, đồng thời phát huy các mặt tốt. DN nếu làm ăn chân chính thì phải có lợi nhuận, đó là lợi ích của DN. Còn người tiêu dùng phải được hưởng những thành quả mới nhất của tiến bộ khoa học kỹ thuật, lợi ích về giá theo quy luật cung cầu.

Trong hoạt động vận tải, cái mới ta chưa tiếp cận, đi sau thì kế thừa là điều quan trọng, vì vậy cần được tạo điều kiện.

Cho Grab triển khai thêm tại 4 tỉnh

Ngày 18-12, Bộ GTVT có văn bản triển khai dịch vụ Grab taxi tại các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Bình Định. Các DN, HTX được phép triển khai là Công ty TNHH MTV Blue Taxi (Kon Tum); Công ty TNHH - MTV TM Hùng Nhân Gia Lai - Taxi Hùng Nhân (Gia Lai); Taxi Quyết Tiến (Đắk Lắk); HTX Vận tải cơ giới 19-5 Tuy Phước (Bình Định). Những đơn vị này được sở GTVT các tỉnh cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô (vận tải khách bằng taxi), phương tiện được cấp phù hiệu. Theo văn bản, các đơn vị này phối hợp các đơn vị cung cấp phần mềm để triển khai ứng dụng phần mềm hỗ trợ công tác điều hành hoạt động vận tải taxi của đơn vị. Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị vận tải nói trên chỉ được áp dụng với các phương tiện taxi đã cấp phù hiệu, báo cáo sở GTVT các tỉnh trước khi triển khai và phải chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước.

Theo Sở GTVT tỉnh Gia Lai, từ tháng 4, Taxi Hùng Nhân đã ký hợp đồng cài đặt và sử dụng ứng dụng Grab Taxi với Công ty TNHH Grab (TP HCM). Sở này yêu cầu Taxi Hùng Nhân chỉ được mua, thuê ứng dụng Grab taxi để hỗ trợ kinh doanh vận tải bằng taxi; không chia sẻ hoạt động kinh doanh với Công ty TNHH Grab, không để Grab giao dịch trực tiếp, thu tiền của lái xe; tất cả hoạt động phải thông qua đơn vị taxi; không cho phép Grab liên hệ trực tiếp, giao dịch với lái xe để cung ứng dịch vụ. Sở GTVT tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Blue Taxi chỉ sử dụng ứng dụng dịch vụ Grab trên các phương tiện đã cấp phù hiệu taxi; thu đúng giá đã kê khai, niêm yết; chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải...

Trong khi đó, quan điểm chung của các hãng taxi truyền thống tại các tỉnh này là việc cho phép áp dụng ứng dụng Grab ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp, cần xem xét lại.

Ông Hồ Sỹ Bảy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Kon Tum, cho rằng theo Quyết định số 24 thì việc thí điểm triển khai ứng dụng Grab tại 5 tỉnh, thành phố hiện vẫn chưa tổng kết nên cho triển khai thêm tại 4 địa phương là có phần vội vàng. Sở GTVT tỉnh Gia Lai cũng ghi nhận nhiều ý kiến về sự không trùng khớp giữa giá cước được thông báo qua ứng dụng và đồng hồ tính tiền trên taxi nên có văn bản đề nghị Công ty TNHH Grab phối hợp Taxi Hùng Nhân để có biện pháp bảo đảm thống nhất giữa giá cước thông báo qua ứng dụng và đồng hồ tính tiền trên taxi.

Ông Đoàn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, cho biết Taxi Hùng Nhân chỉ thuê lại phần mềm Grab để tiện lợi cho việc kinh doanh và khách hàng gọi đặt xe. Các phương tiện cài đặt phần mềm và hoạt động đều được quản lý, giám sát chặt chẽ như các hãng taxi khác trên địa bàn.

Hoàng Thanh

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên