Cuộc chiến giữa trí tuệ và ‘hậu duệ’
Không lâu sau ngày Chính phủ mới ra mắt, dư luận đã gay gắt phản ánh và yêu cầu làm rõ hàng loạt dấu hiệu bất thường trong công tác cán bộ tồn tại từ nhiều năm trước.
- 06-08-2016Bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh và nạn “con ông cháu cha“
- 05-08-2016Chuyên gia nói gì về việc điều tra khoản lỗ 3.300 tỷ đồng thời ông Trịnh Xuân Thanh?
- 05-08-2016Ông Trịnh Xuân Thanh để thua lỗ nghìn tỷ: Cần xét trách nhiệm hình sự
- 04-08-2016Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Ai sai cũng sẽ bị xử lý
- 04-08-2016Các Bộ vào cuộc điều tra khoản lỗ 3.300 tỷ đồng của PVC dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh
- 04-08-2016Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Nhận sai nhưng cũng cần xử lý trách nhiệm
Nổi cộm như vụ luân chuyển cán bộ của ông Trịnh Xuân Thanh và con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ trong hai ngày đầu tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải nắm thật chắc quy trình xử lý công việc của bộ mình, chủ động xử lý khi có tình huống phát sinh. Lắng nghe dư luận thì tốt nhưng không phải chuyện gì cũng chờ dư luận nêu rồi mới chạy theo xử lý. Muốn làm được điều đó, phải chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và tuyển dụng các vị trí trong từng cơ quan.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tổ chức các cuộc thi tuyển là để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”.
Thực trạng bố trí người nhà vào các vị trí quan trọng, một người làm to thì con em cháu chắt cứ thế thăng tiến vù vù không hiếm. Có những người chỉ trong vòng vài năm đã chuyển qua nhiều vị trí công tác theo hướng được đẩy lên, vị trí sau cao hơn vị trí trước, cơ quan sau có bổng lộc, quyền hành hơn cơ quan trước. Điều đó đang biến công vụ thành một thứ “tài nguyên” để họ khai thác thủ lợi. Quyền lực có được bằng sự thăng tiến không minh bạch chắc chắn sẽ góp phần tha hóa những người đó, làm mất cơ hội phát triển và cống hiến của người khác có lý tưởng, có thực tài. Không chỉ thế, để bảo vệ vị trí mình có được không phải do năng lực hay cống hiến, người ta sẽ kết bè kết nhóm lợi ích và sinh ra thủ đoạn. Khi sự trong sáng không còn, công vụ biến thành tư riêng, sự giám sát của bộ máy bị vô hiệu hóa thì quan trường sẽ thành mâm tiệc của quan chức còn nhân dân là người lãnh đủ.
“Tìm người tài chứ không tìm người nhà”, phát biểu của Thủ tướng mạnh mẽ, rõ ràng và khái quát một thực trạng tồn tại từ rất lâu, ai cũng thấy. Thậm chí người dân còn đặt thành ngữ: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ, năm thì… mặc kệ”. Trong cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và cử tri Cần Thơ ngày 5-8, có ý kiến phát biểu: “Cán bộ thế nào, dân nhìn vô biết hết”. Nhưng biểu hiện xấu về phẩm chất, lối sống, sự thăng tiến bất minh không thể qua mặt được người dân, nó làm mất đi nguồn lực con người và xói lở niềm tin của công chúng, nó thách thức sự năng động và hiệu quả của bộ máy chính quyền.
Tuy nhiên, điều Thủ tướng nói sẽ khó có thể trở thành hiện thực nếu thiếu một quyết tâm rà soát, làm rõ và xử lý những trường hợp đang yên vị ở những cái ghế quyền lực nhờ tuyển dụng, bổ nhiệm theo “cơ chế người nhà. Nếu không thì không thể ngăn ngừa sự tiếp diễn của nó trong tương lai. Nếu không xử lý thì họ sẽ tạo thêm những mối quan hệ khác, bổ nhiệm thêm những người không xứng đáng khác theo cơ chế hậu duệ, quan hệ và tiền tệ”.
Và khi bị tấn công, những quan chức được bổ nhiệm theo cơ chế “người nhà” sẽ phản vệ. Có sẵn quyền lực, mối quan hệ và tiền bạc trong tay, họ sẽ mua chuộc cấp trên và vô hiệu hóa, trù dập người đấu tranh bằng nhiều cách. Xóa bỏ “cơ chế người nhà” không nên chỉ được xem như một phát ngôn thông thường, cần phải nhìn thấy và xem nó là một cuộc chiến làm lành mạnh bộ máy công quyền, một cuộc chiến giữa phẩm giá, pháp quyền và những kẻ cơ hội, thủ lợi. Và, có thể có những tổn thất nếu muốn làm đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, nếu không làm thì chúng ta đang quay lưng lại với người tài. Nếu không làm thì quyết tâm của Thủ tướng trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng: “Người tài dù có ở bìa rừng góc núi cũng phải trân trọng” chỉ dừng lại ở một phát ngôn.
Pháp luật TPHCM