MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi tiền và thương mại không còn đủ sức chi phối quan hệ Mỹ - Trung

30-05-2019 - 11:52 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc vừa là một đối thủ chiến lược đáng gờm nhất, thách thức về kinh tế lớn nhất và đối tác thương mại khổng lồ của Mỹ.

Mối quan hệ "cộng sinh"

Khi tiền và thương mại không còn đủ sức chi phối quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Kể từ khi Trung Quốc đi lên từ những tàn dư sau sự thất bại của chủ nghĩa Mao Trạch Đông 40 năm trước, động cơ tăng trưởng lợi nhuận đã trở thành trụ cột cho sự ổn định trong quan hệ với Mỹ. Những ứng viên tranh cử tổng thống có thể cáo buộc Trung Quốc cướp đi cơ hội việc làm của Mỹ. Những vụ bê bối gián điệp có thể trở nên nóng rực. Nhưng sau đó, những ông chủ doanh nghiệp và chính trị gia ở Bắc Kinh cùng Washington quyết định rằng tất cả các bên đang kiếm được quá nhiều tiền nên không muốn mối quan hệ bị xấu đi. Điều này tập trung vào những lợi ích của cả 2 bên, dẫn đến những thoả hiệp "bằng mặt mà không bằng lòng".

Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã gửi một lời nhắn cho cố Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nhằm thúc giục đưa ra những nỗ lực chung để ngăn chặn cái mà ông gọi là "sự kiện bi thảm gần đây" gây hại cho mối quan hệ 2 nước. Đến năm 2008, khi khủng hoảng tài chính nổ ra lại cho thấy sự phụ thuộc đáng lo ngại giữa Mỹ - bên nhập khẩu hàng hoá giá rẻ, và Trung Quốc - nhà xuất khẩu hàng hoá giá thấp. Theo đó, nhiều thuật ngữ mới đã ra đời để miêu tả cho mối quan hệ "cộng sinh" này là "Chimerica" hay "G2".

Tuy nhiên, bất ngờ thay, chỉ kiếm tiền thôi vẫn chưa đủ. Trong vài năm qua, cuộc thảo luận về cách hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giao thương với nhau đã nhường chỗ cho những ý kiến về cạnh tranh chiến lược và các mối đe doạ an ninh. Thay vì tìm những thuật ngữ mới hấp dẫn, các học giả lại đang tìm hiểu về những trường hợp tương tự trong lịch sử. Một số nói về năm 1914, khi cuộc đụng độ về tham vọng của Anh và Đức đã gạt lợi ích thương mại sang một bên. Các nhà phân tích Trung Quốc thì bị ám ảnh bởi "bẫy Thucydides" - nguyên nhân gây ra sự diệt vong khi các quốc gia khi mới nổi chiến đấu với những cường quốc đang thống trị.

Trung Quốc dần trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ

Sự trỗi dậy của Trung Quốc luôn gây nhiễu loạn. Trung Quốc vừa là một đối thủ chiến lược đáng gờm nhất, thách thức về kinh tế lớn nhất và đối tác thương mại khổng lồ của Mỹ. Đó là một điều mới. Cú sốc của Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980 đã khiến các chính trị gia yêu cầu thành lập hàng rào bảo hộ, khi thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ với Nhật Bản tăng gần gấp 25 lần trong một thập kỷ. Nhưng đó là một cuộc chiến chính trị 1 chiều: Nhật Bản là một đồng minh quân sự phụ thuộc vào Mỹ. 

Trong khi đó, Liên Xô là một đối thủ về ý thức hệ chứ không phải về thương mại: năm 1987, tổng giá trị thương mại song phương là 2 tỷ USD một năm - thấp hơn 0,25% tổng giao dịch thương mại của Mỹ với thế giới. Năm 2018, thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đạt 2 tỷ USD một ngày (chiếm 13% thương mại với thế giới của Mỹ).

 Các nhà lãnh đạo phương Tây đã hy vọng rằng việc gia nhập kinh tế toàn cầu sẽ khiến Trung Quốc trở nên "phương Tây hơn", vì một tầng lớp trung lưu đang phát triển đòi hỏi quyền tự do ngôn luận và chính phủ phải có trách nhiệm giải trình. Họ đã sai. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và những đợt co thắt của chủ nghĩa dân tuý phương Tây đã khiến những nhà lãnh đạo của Trung Quốc, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, tự tin củng cố quyền lực của mình.

Mâu thuẫn trong thời đại 4.0

Cú sốc của Mỹ còn tồi tệ hơn khi nói về thương mại trong công nghệ - vốn làm mờ ranh giới giữa thương mại và an ninh quốc gia. Chính quyền ông Trump phản đối việc cho phép Huawei xây dựng mạng lưới 5G  là dấu hiệu của tương lai đó. Về gốc rễ, về niềm tin, những cuộc tranh luận này là một "món hàng" ít quan trọng hơn nếu Trung Quốc chỉ xuất khẩu giày tennis và TV thay vì sản xuất microchip - thứ giúp điều khiển xe tự lái và máy bay. Tuy nhiên, những hình thức tự vệ vụng về đã gây hại. Việc định nghĩa những công nghệ nhạy cảm theo phạm vi quá rộng và "bức màn sắt của kinh tế" có thể dẫn đến việc chia rẽ Mỹ và Trung Quốc, cản trở giao thương hàng hoá, vốn, con người và công nghệ và tạo ra những hệ luỵ đối với phần còn lại của thế giới.

Sức mạnh công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc đang đặt ra những gánh nặng mới đối với toàn cầu hoá, vượt ra ngoài những tranh luận trước đây về việc Trung Quốc cướp đi cơ hội việc làm của Mỹ. Việc General Motors bán được nhiều xe ở Trung Quốc hơn ở Mỹ từng được sử dụng để giúp 2 nước kiểm soát những khác biệt về ý thức hệ. Còn ngày nay, chuỗi cung ứng, từng mang chất bán dẫn từ Trung Quốc vào các thiết bị ở Mỹ, thực sự khiến rủi ro chính trị tăng cao hơn.

Các loại vũ khí hàng triệu USD của Mỹ phụ thuộc vào microchip có nguồn gốc từ các công ty trên toàn cầu. Cơ sở hạ tầng quan trọng có thể mang những thành phần nhập khẩu từ hàng chục quốc gia, yêu cầu cập nhận phần mềm từ một nhà cung cấp ở một lục địa và gửi các luồng dữ liệu đến một lục địa khác. Hồi tháng 4, một ban cố vấn của Lầu Năm Góc đã cảnh báo các chỉ huy quốc phòng lên kế hoạch mô hình bảo mật "zero trust". Số lượng giao dịch ngày càng tăng đòi hỏi sự cam kết trọn đời với các nhà cung cấp dịch vụ từ xa. Trong thế giới này, quan hệ thương mại không thể tách rời khỏi những câu hỏi khó về việc các quốc gia ấy là đối tác, đối thủ hay kẻ thù.

Trung Quốc có quyền muốn được phát triển mạnh hơn. Sự lớn mạnh của họ giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói là điều đáng ngưỡng mộ. Chính sự phát triển không ngừng trong phương pháp của Trung Quốc đã biến kinh doanh từ một không gian an toàn sang lĩnh vực đầy cạnh tranh. Các công ty phương Tây lo ngại rằng trước khi Trung Quốc thực sự mở cửa, họ sẽ bị loại trừ ngay sau khi các công ty Trung Quốc trở nên tự chủ sau khi đã học hỏi, mua hoặc thậm chí là đánh cắp công nghệ từ phương Tây.

Mỹ hung hăng trên "chiến trường" thương mại hơn dưới thời ông Trump

Khi tiền và thương mại không còn đủ sức chi phối quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Rất ít người Mỹ có cách tiếp cận thân thiện với những nhà lãnh đạo Trung Quốc như ông Henry Paulson (nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ), một người ủng hộ sự hợp tác lâu năm giữa 2 nước. Vì vậy, tuyên bố hồi tháng 2 của ông đã gây được sự chú ý. Ông cho rằng bởi nền kinh tế Trung Quốc đã mở cửa một cách chậm chạp kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2001, "cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã chuyển sang hoài nghi và phản đối chính sách của chúng tôi đối với Trung Quốc." Các ông chủ không muốn xảy ra cuộc chiến thuế quan, mà muốn có "một cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn nữa". Và họ đang có được điều ấy từ chính quyền ông Trump.

Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc phòng Bầu Dục đổi chủ.  Ông Obama cũng tố cáo Trung Quốc gian lận thương mại và yêu cầu Trung Quốc ngừng ăn cắp bí mật thương mại. Các lãnh đạo Lầu Năm Góc của ông ngày càng lo lắng khi Trung Quốc biến những rặng san hô ở biển Đông thành tiền đồn quân sự. Nhưng, ông lại ưu tiên giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ biến đổi khí hậu cho đến phổ biến vũ khí hạt nhân - những việc ông cần sự trợ giúp của Trung Quốc. Các chính sách cứng rắn không ngừng được đưa ra thảo thuận, nhưng thường bị bỏ qua. Ngược lại, ông Trump tuyên bố rằng giải quyết những vấn đề của thế giới không phải việc của ông.

Phần khác, Mỹ đã trở nên hung hăng hơn bởi các doanh nghiệp đa quốc gia phản đối những rào cản thương mại đang mất đi sức mạnh trong thời đại dân tuý. Một vòng kiểm soát xuất khẩu mới đối với những công nghệ nhạy cảm và các quy tắc sàng lọc đầu tư chặt chẽ vẫn hiện ra. Quá trình đó sẽ không kết thúc nhờ một thoả thuận ngừng bắn trong cuộc chiến thương mại của ông Trump.

Tổng thống Mỹ vừa là một triệu chứng, vừa là một nguyên nhân khiến nước Mỹ thay đổi tư duy về sự mở cửa của họ với thế giới. Các cử tri đã bầu ra một nhà lãnh đạo mang quan điểm "chân lý thuộc về kẻ mạnh", người đi ngược lại với cả liên minh của mình, hoài nghi về luật pháp, các giá trị phổ quát và tin rằng lợi ích quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh lo ngại về hành vi gián điệp, các quy định cấp visa cho sinh viên Trung Quốc ngành khoa học và công nghệ đã được thắt chặt. Các đặc vụ FBI đã tra hỏi những học giả từ học viện nghiên cứu được nhà nước hậu thuẫn và từ chối visa của một số người. Thay vì việc Trung Quốc trở nên "phương Tây hơn", thì Mỹ lại trở nên "Trung Quốc" hơn.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc lại coi Mỹ như một cường quốc thua cuộc đang khó chịu, đang tìm cách kéo Trung Quốc đi xuống. Họ chế giễu ý tưởng cho rằng nước Mỹ giàu có, mang nhiều lợi thế cảm thấy bị đe doạ. Họ nhận thấy trong đó là một âm mưu để đạt được những điều khoản tốt hơn cho các công ty Mỹ kiếm tiền. 

Rõ ràng cuộc chiến thương mại chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Thế giới đang chứng kiến một cuộc đua quyền lực bao phủ mọi lĩnh vực, từ công nghệ, quân sự, kinh tế đến chính trị. Cuộc đua ấy mới mẻ đến nỗi hai bên còn chưa thể thống nhất được kết cục mà họ mong muốn sẽ có hình dáng như thế nào, và thế giới nên lo lắng về điều đó.

Hương Giang

Economist

Trở lên trên