Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu?
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung với các biện pháp trả đũa thuế quan sẽ tác động đến dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc.
- 18-08-2018Cẩn trọng với mọi biến cố từ chiến tranh thương mại
- 14-08-2018Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: “Không phải là thời cơ để gia tăng xuất khẩu”
- 13-08-2018Báo kinh tế lớn của Nhật Bản: Việt Nam "thiệt đơn thiệt kép" trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Larry Sloven, Chủ tịch của Công ty TNHH Capstone International Hong Kong–một thành viên của Tập đoàn sản xuất hàng điện tử Capstone Companies của Mỹ, cho biết công ty này từng kiếm hàng triệu USD từ sản xuất và xuất khẩu thiết bị điện và đèn LED từ Trung Quốc.
Ông Larry Sloven, Chủ tịch của Công ty TNHH Capstone International Hong Kong. (Ảnh: Reuters).
Tuy nhiên, thời hoàng kim có thể sắp kết thúc. Nhiều năm qua, ông Sloven thấy lợi nhuận bị hao hụt do chi phí gia tăng và Chính phủ Trung Quốc siết chặt các quy định và hướng đến xây dựng nền kinh tế bền vững và phát triển dịch vụ. Điều này gây sức ép rất lớn đối với các nhà sản xuất hàng giá rẻ.
Việc trả đũa thuế quan từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc giống như “giọt nước tràn ly”.
Ông Sloven cho rằng, với các biện pháp thuế quan chưa rõ ràng như hiện nay, các nhà sản xuất rất lo ngại các mức thuế quan thời gian tới sẽ là “kẻ giết người”.
Hiện tại, ông Sloven đang tìm cách giảm thiểu thiệt hại trước tác động chiến tranh thương mại, đồng thời đa dạng hóa sản xuất tại các quốc gia khác như Thái Lan.
“Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia là những nước có nhiều cơ hội tiềm năng”, vị chủ tịch của Capstone International Hong Kong nhận định.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters gần đây, đại diện hơn 10 công ty từ lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế đến nông nghiệp cho rằng, những công ty chuyên xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đang xem xét lại hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc.
Nhiều công ty chuyên xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đang xem xét lại hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc. (Ảnh: Reuters). |
Charles M. Hubbs, Giám đốc châu Âu của Premier Guard, một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm y tế cho biết, trước khi hàng rào thuế quan (do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung) xuất hiện, công ty này đang tìm cách chuyển khoảng 30% sản lượng từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ, do tiền lương và chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng cao.
Cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, với việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, có thể tác động mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tập đoàn AGCO có trụ sở tại bang Georgia (Mỹ) cho rằng, các biện pháp thuế quan sẽ khiến cho thiết bị nông nghiệp do Tập đoàn này sản xuất tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) không thể cạnh tranh về giá bán tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó, một số công ty khác đang điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ. Công ty TNHH DSM China, công ty con của Tập đoàn Royal DSM (Hà Lan) đang tìm cách thay thế đậu tương từ Mỹ bằng các nguyên liệu mới tại chỗ như bột đậu để tránh thuế nhập khẩu do Bắc Kinh trả đũa.
Trung Quốc vẫn là nơi có cơ sở hạ tầng, mạng lưới cung ứng và đội ngũ kỹ thuật tốt nhất. Đây vẫn là những lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Báo cáo do Viện Brookings công bố vào tháng 7/2018 đánh giá, vai trò trung tâm sản xuất của Trung Quốc không dễ dàng bị thay thế. Năng lực sản xuất của Trung Quốc vẫn là lớn nhất thế giới với giá trị sản xuất lên khoảng 2.000 tỷ USD.
Ông Dan Krassenstein, giám đốc điều hành châu Á của Tập đoàn bao bì công nghiệp chuyên dụng ProconPacific đánh giá, ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ không thể biến mất qua một đêm, nhưng sự dịch chuyển sang quốc gia khác là điều không tránh khỏi.
Nhiều doanh nghiệp đã dịch chuyển sản xuất sang khu vực Nam Á và Đông Nam Á để tìm kiếm chi phí lao động rẻ hơn, do Trung Quốc không khuyến khích các hoạt động sản xuất có lợi nhuận thấp và gây ô nhiễm.
Vị giám đốc điều hành này nhận định, các biện pháp trả đũa thuế quan leo thang sẽ giúp “tăng tốc” quá trình dịch chuyển sản xuất.
5 năm trước, ProconPacific đã sản xuất toàn bộ sản phẩm tại Trung Quốc. Nhưng hiện nay, 1/4 sản lượng của công ty đến từ Ấn Độ và 5-10% sản lượng từ Việt Nam./.
VOV