Cuộc chiến tiêm chủng nơi công sở tại Mỹ: Khi nhân viên văn phòng "nhìn nhau như kẻ thù"
Người biểu tình phản đối các chính sách về vắc xin tại Tòa thị chính ở thành phố New York.
Khi nhiều người quay trở lại làm việc tại văn phòng, căng thẳng dường như đang nổi lên giữa các đồng nghiệp theo kiểu mới, sự thù địch gia tăng đáng kể giữa những người đã được tiêm vắc xin Covid-19 và những người không chủng ngừa.
- 13-09-2021Israel chuẩn bị tiêm mũi 4 vắc-xin Covid-19 cho người dân
- 11-09-2021CDC Mỹ xác nhận: Người không tiêm vắc xin có nguy cơ tử vong do Covid-19 cao gấp 11 lần
- 11-09-2021Mỹ sắp tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi
Những cuộc chiến văn phòng tưởng như đã là dĩ vãng đối với hầu hết mọi người trong suốt 18 tháng qua, khi hàng triệu người làm việc tại nhà trong thời kì giãn cách xã hội do Covid-19.
Hiện tại, khi nhiều nhân viên được phép quay trở lại văn phòng làm việc thì một vấn đề mới lại nảy sinh. Sự căng thẳng dường như đang nổi lên dọc theo những ranh giới mới giữa những người đã tiêm vắc xin Covid-19 và những người không muốn tiêm chủng.
Điều này xảy ra khi các công ty tại Mỹ đã đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt đối với tình trạng tiêm chủng Covid của nhân viên. Họ thông báo nhân viên phải được tiêm vắc xin đầy đủ mới có thể quay lại nơi làm việc.
Nhất là khi vào cuối tháng 8, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép hoàn toàn cho vắc xin của Pfizer-BioNTech. Sự chấp thuận đó đã làm dấy lên những xung đột tại nơi làm việc, đặc biệt là khi chuyện này liên quan đến đồng nghiệp của họ.
Bảng hiệu tại một nhà hàng ở Upper West Side của New York yêu cầu phải xuất trình bằng chứng về việc đã tiêm vắc xin Covid-19 mới được vào nhà
Seyfarth at Work đã tiến hành khảo sát hàng trăm nhân viên cho đến cuối tháng 8 và nhận thấy có rất nhiều xung đột nảy sinh tại nơi làm việc liên quan đến việc tiêm chủng. Theo đó, họ chia thành hai phe "tiêm vắc xin" và "không tiêm vắc xin". Báo cáo cho thấy rằng cả hai bên của cuộc tranh luận đều có xu hướng ngày càng phẫn nộ.
Khoảng 37% các công ty được Seyfarth at Work khảo sát báo cáo rằng hầu hết nhân viên đã tiêm chủng tỏ ra rất tức giận và thất vọng trước nguy cơ lây truyền bệnh do của những người chưa tiêm chủng gây ra. Các nhân viên đã được tiêm cũng tỏ ra khó chịu trước viễn cảnh phải làm lá chắn cho những đồng nghiệp có thể nhiễm bệnh, trong khi những người này phản đối các quy tắc phòng tránh dịch tại nơi làm việc.
Mặt khác, những người chưa được tiêm chủng đang phàn nàn về cách mọi người đối xử với họ tại nơi làm việc. 21% công ty được khảo sát cho biết những nhân viên chưa được tiêm chủng đang "khóc lóc vì họ cho là người khác đánh giá họ gay gắt hoặc luôn dành nhiều cơ hội hơn cho những nhân viên đã được tiêm chủng", cũng như gánh nặng của các yêu cầu kiểm tra thân nhiệt thường xuyên.
Anthony Mingione, một luật sư tại văn phòng luật Blank Rome ở New York, cho biết những tranh chấp và bất bình về việc tiêm phòng và đeo khẩu trang tại nơi làm việc đang xuất hiện đã ảnh hưởng đến các công ty, khiến năng suất làm việc chậm lại.
Ông nói: "Nhiều khi các nhân viên đã được tiêm vắc xin cảm thấy như họ đang bị buộc phải gánh vác trách nhiệm và công việc cho những đồng nghiệp chưa được tiêm phòng một cách bất công".
Lucy Lewis, một đối tác với luật sư nhân sự toàn cầu Lewis Silkin cho biết: "Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp là thiếu hướng dẫn cụ thể của chính phủ về các bước họ nên làm để củng cố vai trò của việc tiêm chủng, nhằm vừa giữ tính công bằng, vừa bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của lực lượng lao động, cũng như các khách hàng của họ".
Mặc dù Mỹ đã bác bỏ việc bắt buộc tiêm vắc xin Covid vào đầu năm nay, nhưng một số bang vẫn đang bắt buộc tiêm phòng đối với một số ngành nghề và hoạt động. Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp yêu cầu nhân viên phải tiêm chủng đầy đủ để ngăn ngừa Covid-19 đã gây ra tranh cãi, làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn ở nhiều nơi trên cả nước.
Cuộc biểu tình chống lại các quy định về vắc xin ở St. Paul, Minnesota
Tuy nhiên, tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã tỏ rõ lập trường cứng rắn về vấn đề này. Ông muốn gây áp lực buộc nhiều công ty tư nhân phải tiêm vắc xin cho lực lượng lao động của họ, cũng như yêu cầu các nhân viên liên bang, nhà thầu và nhân viên chăm sóc sức khỏe phải tiêm phòng.
Mỹ không phải là nước duy nhất có suy nghĩ này, các động thái tương tự cũng đang được áp dụng ở Anh và các khu vực khác của Châu Âu. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu trên 1.051 nhân viên Mỹ từ 21 tuổi trở lên, các chính sách về vắc xin tại nơi làm việc có thể khiến nhân viên quyết định tiêm phòng hoặc xin thôi việc. Trong khi hầu hết (60%) nhân viên ủng hộ nhiệm vụ tiêm vắc xin, gần một phần tư số nhân viên (23%) cho biết họ sẽ rất cân nhắc việc thôi làm nếu cấp trên yêu cầu phải tiêm.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự khác nhau trong việc ủng hộ "nhiệm vụ vắc xin" giữa các ngành công nghiệp. Trong đó, 75% công nhân trong lĩnh vực công nghệ và 58% nhân viên chính phủ tán thành việc này.
Nhiều nam giới (63%) ủng hộ các nhiệm vụ vắc xin tại nơi làm việc hơn phụ nữ (56%), và đảng phái chính trị cũng ảnh hưởng đến mức độ ủng hộ rõ ràng, với 81% đảng viên Dân chủ nói rằng họ ủng hộ các nhiệm vụ vắc xin tại nơi làm việc, trong khi chỉ 45% của Đảng Cộng hòa đồng ý điều này.
Mingione cho biết thêm, một số nhà quản lý đã thực thi chính sách bắt buộc tiêm vắc xin và đeo khẩu trang tại văn phòng để hạn chế mâu thuẫn, nhưng điều đó có thể dẫn đến nhiều hệ quả sau này, điển hình là giảm năng suất lao động.