“Cuộc chiến” ví điện tử: Ngân hàng vào cuộc
Theo Asian Banker Research, tổng số người dùng ví điện tử dự kiến sẽ vượt mốc 10 triệu người dùng vào năm 2020.
- 06-10-2018Liên kết với nhau, đừng để ngân hàng chỉ làm nền cho ví điện tử
- 25-09-2018Ví điện tử nở rộ nhưng tiện ích hạn chế
- 24-09-2018Từ 1/10, Grab đổi phương thức thanh toán qua ví điện tử Moca: Nhiều khách hàng lo lắng vì vẫn còn số dư khá nhiều trong GrabPay
Mặc dù thanh toán bằng tiền mặt tại Việt Nam đang chiếm rất lớn, tuy nhiên, thói quen thanh toán của người tiêu dùng đang thay dần thay đổi khi các phương thức thanh toán như: POS (điểm chấp nhận thanh toán bằng cà thẻ), ví điện tử.. sẽ ngày càng "mọc lên như nấm" trong thời gian tới.
Đặc biệt, ví điện tử đang là lựa chọn của phương thức thanh toán hiện đại, an toàn, bảo mật, tiện ích hơn khi nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ phát triển hàng loạt hệ sinh thái quanh nó.
Với ví điện tử, khách hàng có thể thực hiện hàng loạt thanh toán cho các dịch vụ: thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, cước Internet, cước truyền hình cáp, mua vé máy bay, thanh toán vay tiêu dùng, chuyển tiền, mua sắm online…
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 02/11/2018, các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ngày càng đông đảo khi đã có tới 26 tổ chức không phải là ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó, có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, chia làm 2 nhóm: ví điện tử của công ty công nghệ tài chính (Fintech) và ví điện tử của công ty viễn thông.
Theo Asian Banker Research, dự kiến năm 2020 tại Việt Nam tổng số người dùng ví điện tử dự kiến sẽ vượt mốc 10 triệu người.
Có thể thấy, trong những năm vừa qua, tại thị trường Việt Nam, các công ty Fintech đã cạnh tranh quyết liệt giành thị phần béo bở này khi cho ra mắt hàng loạt các loại ví điện tử có thương hiệu: Momo, Samsung Pay, VTC Pay, Bankplus, Payoo, ZaloPay, 1Pay, Bảo Kim, Vimo, Mobivi, eDong, Ví FPT, eMonkey, Pay365, TopPay, Ngân Lượng, AirPay…
Với thế mạnh về sự tiện dụng và hệ sinh thái phong phú, MoMo, Payoo nhanh chóng được các ngân hàng kết nối. Tính hết tháng 6/2018, MoMo là đối tác của 15 ngân hàng và thẻ quốc tế, đã có khoảng 8 triệu người dùng tại Việt Nam, mục tiêu tăng lên 16 triệu người dùng vào năm 2019. MoMo cũng đã đạt tới 200 triệu giao dịch/năm với tổng giá trị thanh toán đạt 1,2 tỷ USD/năm.
Còn Payoo, thống kê của công ty này cho biết, Payoo đã kết nối trực tiếp với 30 ngân hàng, liên kết với hơn 6.000 điểm giao dịch trên toàn quốc là các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng điện máy… nhằm giúp khách hàng có thể thanh toán hơn 200 loại hóa đơn tiện ích khác nhau. Tổng giá trị giao dịch qua Payoo đã đạt khoảng 2 tỷ USD/năm.
ZaloPay hoạt động từ đầu năm 2018, sau 01 tháng triển khai cũng đã đạt hơn 1,3 triệu lượt người dùng. Viettel Pay mới ra mắt ngày 29/6/2018 hiện đã vượt ngưỡng 01 triệu người dùng. Ví Việt cũng đạt 2,3 triệu người dùng và hơn 22.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước…
Tuy nhiên, đến nay thị trường đang dần thay đổi khi nhiều ngân hàng quyết tâm tự làm ví điện tử, nhằm phát triển hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng. Chẳng hạn, ví điện tử Bank Plus ra đời là sự kết nối giữa Viettel và MBBank “bảo trợ”. VPBank với Timo và Maritime Bank với MEED, LienVietPostbank với Ví Việt.
Mới đây, tháng 12/2018, Sacombank cũng chính thức cho ra mắt ví Sacombank Pay được tích hợp đầy đủ các tính năng, tiện ích ngân hàng hiện đại nhằm mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm thú vị trong lĩnh vực ngân hàng số.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết so với một số công ty làm ví điện tử trên thị trường, Sacombank Pay với QR code đạt chuẩn quốc tế và hệ sinh thái rất lớn sẽ đem đến nhiều tiện ích cho người dùng. Hiện mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán của Sacombank đạt trên 2.500 đại lý và kế hoạch năm 2019 dự tính tăng lên 30-40%.
Đây có thể nói là những động thái chạy đua của ngân hàng nhằm gia tăng tiện ích và giành giật lại thị trường thanh toán quá khổng lồ đang bị các fintech “xâm chiếm”.
BizLive