MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chơi lớn của các đại gia công nghệ (*): Chật vật tìm hướng đi riêng

Cuộc chiến tranh giành thị phần khiến không ứng dụng công nghệ nào có thể tồn tại với một hoặc vài dịch vụ giản đơn.

Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" do Google châu Á - Thái Bình Dương mới phát hành đã phân tích: "Khi nói đến các dịch vụ như gọi xe công nghệ hay giao món ăn, khu vực Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới… Đến năm 2025, nền kinh tế số khu vực sẽ tăng gấp 3, chạm mức 300 tỉ USD, rút ngắn khoảng cách với những thị trường phát triển hơn về tỉ lệ đóng góp vào GDP".

"Chảo lửa" gọi xe

Báo cáo cũng nêu rõ Việt Nam và Indonesia là 2 thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực. Riêng Việt Nam, quy mô nền kinh tế số được dự đoán tăng tốc từ 12 tỉ USD năm 2019 lên 43 tỉ USD năm 2025, bao gồm các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Trong lĩnh vực gọi xe, sau khi Grab thâu tóm Uber và trở thành đại gia lớn nhất trên thị trường, hãng xe công nghệ này vẫn phải đối mặt với không ít đối thủ cũ và mới khác, dẫn đến thị phần có thời điểm đã sụt giảm. Khi Go-Viet tấn công thị trường vào quý III/2018 với giá "rẻ như cho" 5.000 đồng/cuốc xe, Grab đã thực sự "choáng váng" và phải phản đòn bằng cuốc xe GrabBike đồng giá 2.000 đồng cho cùng cự ly. Cuộc chiến khốc liệt cho thấy mỗi bên, dù đang ở vị thế thống lĩnh hay mới bước chân vào thị trường, đều phải kiên trì đổ tiền đầu tư và chịu lỗ. Nếu không, với đặc điểm người tiêu dùng luôn sẵn sàng tiếp cận cái mới và lựa chọn dịch vụ có giá tốt hơn với chất lượng tương đương, các ứng dụng có thể sẽ "chết" vì mất thị phần.

Cuộc chơi lớn của các đại gia công nghệ (*): Chật vật tìm hướng đi riêng - Ảnh 1.

Cuộc chiến gọi xe, gọi món của các đại gia công nghệ ngày càng sôi động và chưa có hồi kết Ảnh: TẤN THẠNH

Tất nhiên, cuộc đua đổ tiền chỉ thuộc về các doanh nghiệp (DN) lớn, có nguồn lực cực mạnh và đủ sức chịu lỗ lâu dài. Hoặc DN công nghệ quy mô nhỏ, trung bình phải tìm được đối tác đủ mạnh để "bắt tay" hỗ trợ nhau trong kế hoạch giữ chỗ đứng trên thị trường. Chẳng hạn, thông tin gây chú ý trong tháng 8 vừa qua là Tập đoàn Vingroup và Công ty CP FastGo ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, đưa 1.500 xe VinFast Fadil vào cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, sau đó mở rộng ra các tỉnh, thành khác. Giai đoạn đầu, Vingroup cung cấp xe VinFast Fadil cho FastGo và các đối tác tài xế của FastGo. Giai đoạn 2, VinFast sẽ cung cấp các mẫu xe cao cấp đang có và sắp sản xuất cho dịch vụ vận chuyển hạng sang FastLux.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc FastGo, cho biết đây là mô hình hợp tác kinh doanh đầu tiên trên thế giới, mang tính đột phá giữa một đơn vị sản xuất ôtô trực tiếp với một công ty khởi nghiệp về công nghệ. Cú bắt tay này cũng được ông Tuất nhận định là tạo ra sự khác biệt trên thị trường gọi xe, mở ra một kênh phân phối sản phẩm và dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng.

Thực tế, FastGo cũng đã từng khá chật vật để sinh tồn trên thị trường. DN này nhận định không thể cạnh tranh theo kiểu đốt tiền vì không phải khách hàng nào cũng thích khuyến mãi, giảm giá. FastGo rút về tập trung vào dịch vụ chất lượng cao, xe sang… Thậm chí, start-up gọi xe thuần Việt này còn đưa ra dịch vụ vận chuyển bằng máy bay để hành khách trải nghiệm cũng như ngắm cảnh từ trên cao nhằm làm phong phú thêm hệ sinh thái dịch vụ.

Tăng trải nghiệm cho khách gọi món

Báo cáo nêu trên của Google châu Á - Thái Bình Dương cũng đánh giá khi hệ sinh thái ngày càng hoàn thiện, các DN thuộc nền kinh tế số bắt đầu chuyển từ tập trung tìm kiếm khách hàng mới sang tăng cường tương tác với khách hàng hiện tại. Để làm được điều đó, họ cung cấp đa dạng sản phẩm và mở rộng sang các dịch vụ mới như những chương trình khuyến mãi dạng trò chơi tương tác, nội dung phát trực tuyến hấp dẫn, tin tức trực tiếp… Nhận định này cũng phù hợp với cuộc cạnh tranh của các ứng dụng gọi món của Việt Nam.

Grab mới đây ra mắt mô hình "căn bếp trung tâm" với tên gọi GrabKitchen tại TP HCM, quy tụ 12 thương hiệu tại một địa điểm. Khách hàng có thể dễ dàng đặt cùng lúc nhiều món ăn từ nhiều thương hiệu khác nhau chỉ qua một đơn hàng. Grab cam kết GrabKitchen tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. DN này cũng đảm nhận đầu tư mặt bằng, hỗ trợ địa điểm, lắp đặt máy POS báo nhận đơn miễn phí… nhằm thu hút sự hợp tác của các quán ăn và đội ngũ tài xế.

Trước Grab, ứng dụng gọi món hàng đầu tại Việt Nam là Now đã từng xây dựng những khu bếp tương tự nhằm gom các nhà hàng, thương hiệu tập trung vào một khu, hỗ trợ cho việc vận chuyển của tài xế được thuận lợi và khách hàng được giao nhận sớm nhất có thể. Chẳng hạn, điểm tập kết tại số 1 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP HCM) tập trung khoảng 9-10 quầy hàng của các cửa hàng, quán ăn có lượt khách gọi đông. Đồ ăn được chế biến, đóng gói tại đây trước khi được đội ngũ giao hàng chuyển tới khách. Việc này không những chia bớt áp lực quá tải tại cửa hàng chính mà còn giúp khách hàng khu vực này được giao đồ ăn nhanh đối với những đơn đặt món ở cửa hàng xa trung tâm. Giới quan sát cho rằng Grab tuy không "sao chép" y nguyên mô hình của Now nhưng rõ ràng đã học hỏi cách làm của đối thủ đi trước nhằm lôi kéo khách hàng.

Trong khi đó, Now cũng có chiến lược riêng khi kết hợp với Shopee - một sàn thương mại điện tử - để đặt ứng dụng gọi món của mình trên nền tảng Shopee. Người dùng gần đây được trải nghiệm vừa mua sắm vừa gọi món trên cùng một ứng dụng và dễ dàng thanh toán online qua ví điện tử AirPay. Sự liên kết này được giới chuyên gia trong ngành đánh giá là khôn ngoan, tỉnh táo trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ứng dụng và thương mại điện tử ngày càng khốc liệt. Trong đó, cả Shopee và Now đều không tránh khỏi cuộc chiến tranh giành thị phần. Để ứng phó, không ứng dụng nào duy trì một dịch vụ giản đơn mà có xu hướng tích hợp nhiều dịch vụ phong phú.

Với việc có thêm NowFood, Shopee sẽ làm phong phú thêm tiện ích, dịch vụ cho nền tảng thương mại điện tử của mình. Việc này cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử mà nhiều DN trên thế giới đang hướng tới. Còn với Now, việc được tiếp cận hơn 40 triệu người dùng mỗi tháng từ nền tảng của Shopee sẽ là ưu thế nổi trội để cạnh tranh với không chỉ GrabFood mà còn cả với Go-Food, BEAMIN (ứng dụng đặt món của Hàn Quốc).

Giới chuyên gia đánh giá cao lợi ích cho người tiêu dùng khi các hãng gọi xe, gọi món, các sàn thương mại điện tử liên tục cạnh tranh, đa dạng hóa dịch vụ, thậm chí lấn sân sang thanh toán điện tử, phát triển ứng dụng tài chính. Trong đó, bước đi mới này của Shopee là phù hợp với xu thế xây dựng hệ sinh thái tổng hợp dự báo còn mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

"Ông nhỏ" chờ "ông lớn" đuối sức

Go-ixe, ứng dụng gọi xe thuần Việt với quy mô còn nhỏ, không thể phát triển được ở TP HCM mà chỉ hoạt động tại các tỉnh. Ông Hàng Bá Trí, Giám đốc Go-ixe, chia sẻ giai đoạn 2017-2018, hãng đã ném chục tỉ đồng vào cuộc chơi này nhưng nay không thể bung tiền mãi được. "DN trong nước không thể đối đầu với đối thủ nước ngoài có thế mạnh về tài chính mà phải có chiến lược khác biệt hợp lý, gia tăng hệ sinh thái khác phục vụ khách hàng tốt nhất, chẳng hạn có thể phát triển thêm mảng thương mại điện tử" - ông Trí cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty T.Net, nhận định thị trường đang chứng kiến các "ông lớn" đuối sức dần nên DN nhỏ phải kiên nhẫn chờ thời cơ thay vì cũng đua rót tiền.

Theo Phương Nhung - Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên