MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chơi lớn của Tôn Hoa Sen

25-04-2019 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Liên tục rót hàng nghìn tỷ đầu tư các nhà máy sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ cuộc chiến thương mại thế giới, Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) liệu có làm nên cuộc chơi lớn những người khổng lồ?

Ngày 19/4 vừa qua, nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Đình giai đoạn II đã chính thức được Tập đoàn Hoa Sen khánh thành, đưa vào vận hành. Với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, đây là nhà máy do Tập đoàn Hoa Sen nắm giữ 100% vốn sở hữu, xây dựng trên diện tích hơn 21 ha.

Dồn dập rót vốn đầu tư

Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen cho biết, đối với dự án giai đoạn II, nhà máy đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất của SMS - Đức và Tenova – Áo, với 01 Dây chuyền Tẩy rỉ; 01 Dây chuyền Tái sinh Axit; 01 Dây chuyền cán nguội 2 giá; 01 Dây chuyền Mạ kẽm/ hợp kim nhôm kẽm; 01 Dây chuyền Mạ màu.

Nhà máy giai đoạn II được đưa vào vận hành cũng sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất khi giai đoạn I nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội đã được hoàn thành hồi tháng 10-2017. Với các hạng mục như 01 dây chuyền mạ kẽm/hợp kim nhôm kẽm; 01 dây chuyền mạ màu; 01 dây chuyền xả băng, tổng công suất giai đoạn I đạt 180.000 tấn/năm.

Như vậy sau khi khánh thành và đưa vào hoạt động giai đoạn II, tổng công suất nhà máy đạt 430.000 tấn/năm, cung ứng các dòng sản phẩm tôn thép chất lượng được sản xuất trên dây chuyền, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu.

"Với quy trình sản xuất khép kín, kiểm tra nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm đầu ra, sản phẩm nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Định sản xuất đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các nhu cầu khắt khe nhất của thị trường trong và ngoài nước" – lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen cho hay.

Chỉ trước đó một tháng, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã khánh thành Nhà máy Ống kẽm nhúng nóng Hoa Sen và Công bố triển khai thành công hệ thống ERP. Đây cũng là nhà máy do Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 100% vốn. Ứng dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới của đơn vị Gimeco – Italy, nhà máy có công suất thiết kế đạt 85.000 tấn/năm.

Hệ thống nhà máy sản xuất được nâng cao với nền tảng là công nghệ hiện đại được ví như "bảo bối" giúp cho Hoa Sen có nhiều lợi thế thâm nhập vào các thị trường khó tính.

Điển hình, cùng với việc khánh thành nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Định, Tập đoàn đã xuất khẩu lô hàng 5.000 tấn tôn thành phẩm, có trị giá hơn 4 triệu USD sang Malaysia.

Hay trước đó khi khánh thành nhà máy ống kẽm nhúng nóng, Hoa Sen cũng đã xuất khẩu 15.000 tấn tôn. Đây đều là những thị trường rất khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và thời gian giao hàng như Anh, Đức, Ý.

Nền tảng từ công nghệ và chất lượng sản phẩm

Dù được biết đến là "người khổng lồ" trong ngành tôn thép Việt, nhưng với cuộc chơi trên thị trường thế giới, không ít thách thức đặt ra với doanh nghiệp này. Trên thực tế, khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại nổ ra, Hoa Sen đứng trước những bài toán giành và giữ thị phần. Cũng bởi, các nước liên tục đặt ra những rào cản thương mại, áp dụng các biện pháp phòng vệ, khiến cho ngành thép Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen liên tục bị vướng vào các vụ kiện phòng vệ.

Tuy nhiên, với sự chủ động ứng phó, thực hiện các giải pháp bảo vệ thị trường xuất khẩu, tuân thủ trả lời các bản câu hỏi và điều tra của nước áp thuế, Hoa Sen đã tránh được những vụ kiện từ các thị trường quan trọng như Australia, Indonesia, Malaysia...

Nhờ vậy, Tập đoàn Hoa Sen vẫn giữ được mức tăng trưởng không ngừng cả về sản lượng lẫn doanh thu xuất khẩu. Trong đó, năm 2018 nếu như xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam đạt 1,75 triệu tấn theo số liệu của Hiệp hội Thép VN, thì riêng Hoa Sen đã xuất được 639.000 tấn, chiếm 37% tổng sản lượng.

Cuộc chơi lớn của Tôn Hoa Sen - Ảnh 1.

Khi chọn chiến lược hướng ra xuất khẩu, cuộc chơi của doanh nghiệp trong ngành tôn thép như Tập đoàn Hoa Sen, sẽ là cuộc chiến với những người khổng lồ. Bởi vậy, nếu không thể có nền tảng về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm thì rất khó để nâng cao sức cạnh tranh.

Vì thế mà suốt hơn 3 năm qua, Hoa Sen đã tập trung cho chiến lược này khi liên tục đầu tư xây dựng các nhà máy mới và mở rộng hệ thống bán lẻ. Đến nay, Hoa Sen đã đầu tư 10 nhà máy trên cả nước, với tổng công suất tăng lên gấp đôi, từ 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2015 lên 2,5 triệu tấn khi hoàn tất đầu tư. Đáng chú ý là có nhiều nhà máy có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen, việc đầu tư nhà máy ở cả ba miền sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, gắn với mở rộng hệ thống bán lẻ với hơn 500 cửa hàng.

Ngoài ra, Tập đoàn này cũng tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trên cơ sở giảm chi phí lãi vay dựa trên giảm hàng tồn kho, giảm chi phí bán hàng, chi phí hoạt động và tinh gọn bộ máy, thu gọn các hoạt động đầu tư ngoài ngành dể tập trung sản xuất kinh doanh cốt lõi.

Đây được xem là những nền tảng căn bản để Hoa Sen tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tạo nền tảng vững chắc cho dài hạn.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên