MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chơi mới của “vua tiêu” Phan Minh Thông: Sản phẩm cà phê Arabica Việt Nam lần đầu được Mỹ đón nhận sau 6 năm chào bán, chuỗi K COFFEE tăng 57% khách GenZ nhờ “thay áo hồng”

18-05-2024 - 10:45 AM | Doanh nghiệp

Ông Thông được mệnh danh là "Vua Tiêu". Những năm gần đây, Phúc Sinh cũng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng cà phê ra thị trường nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu.

Cuộc chơi mới của “vua tiêu” Phan Minh Thông: Sản phẩm cà phê Arabica Việt Nam lần đầu được Mỹ đón nhận sau 6 năm chào bán, chuỗi K COFFEE tăng 57% khách GenZ nhờ “thay áo hồng”- Ảnh 1.

Là nhà xuất khẩu cà phê trong top 4 tại Việt Nam, ông Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc CTCP Phúc Sinh – vừa có những chia sẻ mới nhất về giá cà phê. Theo ông, lúc giá cà phê lên thì các bên đều rất “cực nhọc” và chúng ta cũng đang nghĩ cách làm cho giá xuống.

Giá cà phê sẽ neo ở mức cao 5 năm tới

Hiện, giá cà phê đã giảm 20% chỉ trong 1 tuần, và điều ày cũng khiến nhiều người kinh hoàng. Dù vậy, theo ông Thông thì giá cà phê thời gian tới sẽ bình ổn hơn, song vẫn sẽ neo ở mức giá cao này ít nhất 5 năm tới. Bởi, hiện nguồn cung cà phê rất hạn hẹp. Trong khi thủ phủ cà phê thế giới là Brazil thì đang đối mặt với biến đổi khí hậu, nhiệt độ lên đến 55-58%. Do đó, giá cà phê toàn cầu nhìn chung vẫn ở mức cao.

Nhớ lại quý đầu năm 2024, giá cà phê liên tục tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Nếu tháng 11/2023, cà phê có giá từ 59.000 - 60.000 đồng/kg thì tháng 12/2023 là 62.000 - 69.000 đồng/kg. Sang tháng 1/2024, giá liên tục đẩy lên mức 82.000 đồng/kg; đến đầu tháng 3 là 86.000 đồng/kg và hiện nay đã lên 94.500 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta của Việt Nam lúc bấy giờ ở mức cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Theo đó, các khách hàng lớn của Việt Nam đã chuyển sang mua hàng Ấn Độ. Những tưởng giá tăng cao thì những nhà buôn cà phê Việt đang hưởng lợi lớn, tuy nhiên theo ông Thông, nhu cầu thu mua cà phê tăng cao nhưng lượng bán ra nhỏ giọt. Vì giá cao nên người trồng găm hàng không bán, thương lái không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp lỗ vì mua cao bán thấp.

Có một nghịch lý xảy ra, khi giá cà phê Việt Nam lên mức cao nhất thế giới, thì doanh nghiệp (DN) trong ngành lại lỗ kỷ lục.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, Tp.HCM) cũng cho biết hiện Công ty đang liên tục họp với các đơn vị cung ứng để thương thảo điều chỉnh đơn giá. Theo ông, giá cà phê tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đẩy nhiều doanh nghiệp chế biến vào thế khó. Đầu vào lên 85.000-95.000 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán do hợp đồng đã ký đều theo giá nguyên liệu quanh 50.000-60.000 đồng/kg.

Cuộc chơi mới của “vua tiêu” Phan Minh Thông: Sản phẩm cà phê Arabica Việt Nam lần đầu được Mỹ đón nhận sau 6 năm chào bán, chuỗi K COFFEE tăng 57% khách GenZ nhờ “thay áo hồng”- Ảnh 2.

Ảnh: Biến động giá cà phê đến tháng 4/2024.

Sau 6 năm “mang chuông đi đánh xứ người”, dòng sản phẩm từ cà phê Arabica lần đầu được thị trường Mỹ chấp thuận và đã “cháy hàng”

Về Phúc Sinh, Công ty lại đang đẩy mạnh những dòng cà phê sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến phát triển các dòng sản phẩm từ cà phê Arabica, cũng như chuỗi cà phê K COFFEE. Mới nhất, Phúc Sinh vừa ra mắt sản phẩm cà phê đặc sản Honey & Natural Special Coffee, theo giới thiệu đây là sản phẩm được lựa chọn từ những hạt cà phê Arabica ngon nhất của vùng cao Tây Bắc.

Sản phẩm này ông Thông cũng đã mang đi Mỹ và nhanh chóng “cháy hàng”.

Thực tế, Phúc Sinh đã có 6 năm “mang chuông đi đánh xứ người” và phải đến hôm nay, những mẻ hàng cà phê đặc sản Honey and Natural Specialty mới được khách hàng chấp nhận và đặt số lượng lớn với giá rất tốt.

Cụ thể, Phúc Sinh đã mang Honey and Natural Specialty đi sự kiện cà phê đặc sản Chicago và được nhiều khách hàng yêu thích, mua dùng. Sản phẩm được bán với giá 14 USD/250gr và đã bán hết trong 2 ngày đầu. Sau sự kiện, Công ty nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ khách hàng quốc tế. Dù vậy, đến hiện tại, Phúc Sinh chỉ còn vài trăm ký Honey and Natural Specialty để bán trong thị trường nội địa.

Cuộc chơi mới của “vua tiêu” Phan Minh Thông: Sản phẩm cà phê Arabica Việt Nam lần đầu được Mỹ đón nhận sau 6 năm chào bán, chuỗi K COFFEE tăng 57% khách GenZ nhờ “thay áo hồng”- Ảnh 3.

Ảnh: Cà phê đặc sản Honey & Natural Special Coffee vừa "cháy hàng".

Chuỗi K COFFEE tăng 57% khách GenZ nhờ “thay áo hồng”

Về chuỗi K COFFEE, cuối tháng 3, thương hiệu K COFFEE chính thức hoàn thành việc thay đổi nhận diện cho các cửa hàng. Theo chia sẻ của ông Thông, người thường được gọi là Vua Tiêu (chủ chuỗi K COFFEE) - đây không phải là một chiến lược tái định vị thương hiệu. Đây là sự thay đổi để đón đầu xu hướng, cũng như để tạo ấn tượng cho tệp khách hàng gen Z.

“Thay đổi là một nước đi mạo hiểm nhưng thay đổi là điều cần thiết để mọi thương hiệu trở nên nổi bật, khác biệt để cạnh tranh trong một thị trường không ngừng biến đổi” , ông Thông nhấn mạnh.

Đây còn được biết là bước đầu cho một cuộc chơi lớn của K COFFEE. Trong chia sẻ hồi cuối năm qua, ông Thông cho biết đang có kế hoạch hợp tác với một đối tác để mở rộng chuỗi K COFFEE lên 100 cửa hàng, tăng gấp nhiều lần so với hiện tại.

Sang năm 2024, K COFFEE đã chính thức bắt tay với một đối tác để thực hiện chiến lược đầu tư mở rộng. Theo kế hoạch, K COFFEE sẽ sớm nhận được tiền từ đối tác để triển khai kế hoạch phát triển chuỗi trở thành thương hiệu duy nhất tại Việt Nam về trà và cà phê với danh mục sản phẩm đầy đủ từ A đến Z, tức khép kín chuỗi từ khâu nguyên liệu, xử lý đến ra thành phẩm ly cà phê cuối cùng cho khách hàng.

Cuộc chơi mới của “vua tiêu” Phan Minh Thông: Sản phẩm cà phê Arabica Việt Nam lần đầu được Mỹ đón nhận sau 6 năm chào bán, chuỗi K COFFEE tăng 57% khách GenZ nhờ “thay áo hồng”- Ảnh 4.

Ảnh: Với đối tác chiến lược, K COFFEE sẽ nâng lên 100 cửa hàng.

Định vị K COFFEE sau khi có nguồn lực mới từ đối tác sẽ phát triển thành hãng duy nhất đi từ nguyên liệu, đến pha chế và ra thành phẩm. Công ty cũng sẽ là chuỗi duy nhất có chứng nhận phát triển bền vững trên sản phẩm, cũng như có hệ thống truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Xa hơn, K COFFEE theo người đứng đầu sẽ xây dựng mô hình trải nghiệm: Cho khách hàng đến thăm vườn ở Sơn La, nếm cà phê tại chỗ và thấy được quy trình sản xuất cà phê; sau đó có thể rang xay và dùng thử cà phê tại chỗ.

“Tính từ đầu năm đến nay, doanh số chuỗi K COFFEE tăng 25%. Trong đó, việc thay đổi diện mạo mới với màu sắc nổi bật đã dần được khách hàng đón nhận và thích thú. Điển hình là lượng khách hàng trẻ từ 18-25 tăng đột biết chiếm khoảng 57%”, ông Thông nói thêm.

Ông Thông được mệnh danh là "Vua Tiêu". Những năm gần đây, Phúc Sinh cũng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng cà phê ra thị trường nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu.

Theo ông Thông, doanh số xuất mỗi năm của Phúc Sinh vào mức 300 triệu USD (tương đương 7.062 tỷ VND), trong đó cà phê chiếm tỷ trọng lớn nhất vơi 60%, 30% còn lại là tiêu và 10% là mặt hàng trà.


Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên