MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Cuộc chơi’ Thái Hưng tại loạt doanh nghiệp niêm yết

25-05-2024 - 12:20 PM | Doanh nghiệp

Không chỉ là "tay chơi" ngành thép và bất động sản, Thái Hưng liên tục thực hiện các thương vụ M&A với các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực.

"Ông lớn" ngành thép ở Thái Nguyên

Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) tiền thân là doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng kinh doanh thép từ năm 1993, được xây dựng bởi vợ chồng doanh nhân Nguyễn Quốc Thái- Nguyễn Thị Cải.

Ba mảng kinh doanh chính doanh nghiệp của vợ chồng ông Nguyễn Quốc Thái là sản xuất (phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng), kinh doanh (thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản) và dịch vụ (vận tải, khách sạn, nhà hàng...). Trong đó, hai lĩnh vực đầu tỏ ra nổi trội hơn.

Sau nhiều năm hoạt động, doanh nghiệp từ một công ty chỉ có 9 lao động với cơ sở vật chất là một ngôi nhà cấp bốn rộng 32m2 vừa làm kho chứa hàng, đã phát triển lớn mạnh không ngừng.

Công ty gia đình bà Cải vươn mình trở thành "ông lớn" trong ngành thép khi là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho các nhà máy thép tên tuổi như: CTCP Gang Thép Thái Nguyên, CTCP Thép Việt Ý, Công ty TNHH NatSteelVina (NSV, liên doanh giữa Tập đoàn NatSteel - Singapore và Tổng công ty thép Việt Nam, nhà máy tại Thái Nguyên), Công ty sản xuất Thép Úc SSE (Hải Phòng), Công ty thép VSC-POSCO (VPS, Thép Việt - Hàn, là liên doanh giữa Tổng Công ty thép Việt Nam với Tập đoàn POSCO của Hàn Quốc, tại Hải Phòng)…

‘Cuộc chơi’ Thái Hưng tại loạt doanh nghiệp niêm yết- Ảnh 1.

Ảnh: Thái Hưng

Tại Thái Hưng, ông Nguyễn Quốc Thái từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thị Cải là Tổng Giám đốc. Năm 2015, Thái Hưng tổ chức ĐHCĐ thường niên, bà Nguyễn Thị Cải và ông Nguyễn Quốc Thái đã bàn giao lại hầu hết các vị trí lãnh đạo Công ty cho thế hệ F2.

Ông Nguyễn Văn Tuấn đang là Chủ tịch HĐQT còn bà Nguyễn Thị Vinh thay mẹ làm Tổng Giám đốc công ty của gia đình. Nhiều người con khác của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Thị Cải cũng đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong ban lãnh đạo Thái Hưng.

Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 10/2016, vốn điều lệ của Thái Hưng ở mức 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm 8 cá nhân. Trong đó vợ chồng ông Nguyễn Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Cải mỗi người sở hữu 24,805% vốn điều lệ.

Các con của ông Thái và bà Cải là Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Quy, Nguyễn Thượng Nguyên nắm 35,4% vốn điều lệ.

15% vốn điều lệ còn lại nằm trong tay hai cổ đông Lê Hồng Khuê và Trịnh Gia Tâm. Hai cổ đông này có địa chỉ thường trú trùng với bà Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Thị Quy.

Đến tháng 2/2022, doanh nghiệp tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.

Tham vọng bất động sản

Bên cạnh lĩnh vực thép chủ đạo, Thái Hưng đã lấn sân ở nhiều lĩnh vực khác, nổi bật là mảng bất động sản.

Ngày 27/6/2011, Công ty Thái Hưng và UBND TP.Thái Nguyên tổ chức công bố quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Việt Bắc theo Quyết định số 377 ngày 18/2/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Khu đô thị nằm trên địa phận 2 phường: Tân Lập, Gia Sàng với diện tích quy hoạch gần 95ha, trong đó phường Gia Sàng có 6ha đất nông nghiệp. Có 400 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng. Phía Đông giáp đường Thanh niên Xung phong; phía Tây giáp tuyến đường điện cao thế 35kv, đất ở khu dân cư phường Tân Lập; phía Nam giáp tuyến đường điện cao thế; phía Bắc giáp đường thống nhất.

Dự án Khu đô thị mới Việt Bắc được thực hiện trong 5 năm (2011- 2016) với tổng số vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Thế nhưng, sau đó dự án vẫn không được triển khai. Ngày 18/1/2012, UBND TP.Thái Nguyên tổ chức hội nghị công bố quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị Thái Hưng (Thái Hưng Eco City). Đây vốn dĩ là dự án Khu đô thị mới Việt Bắc mở rộng.

Nhiều năm trôi qua dự án Thái Hưng Eco City không triển khai. Để rồi tháng 7/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án Thái Hưng Eco City đã cấp cho Công ty Thái Hưng.

Từ đây, một dự án Thái Hưng Eco City mới ra đời với quy mô nhỏ hơn. Nhưng cái tên Thái Hưng Eco City dường như không may mắn sau một lần dang dở, bởi vậy dự án này nhanh chóng đổi thành Crown Villas tọa lạc tại vị trí vàng trên đường Cách Mạng Tháng 8, ngay "cửa ngõ" TP.Thái Nguyên.

Nguồn gốc lô đất vàng nói trên vốn thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng.

Tháng 7/2016, Công ty Thái Hưng tham gia mua đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng và trúng đấu giá tài sản với số tiền gần 57 tỷ đồng, bao gồm cả Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng.

Ban đầu Thái Hưng cam kết sẽ đưa nhà máy thép Gia Sàng hoạt động trở lại. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng hoạt động, cuối năm 2016, Thái Hưng cho nhà máy dừng hoạt động với lý do quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiết bị mất mát nhiều và cho tháo dỡ nhà máy thép. Đồng thời, Công ty Thái Hưng đã đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép để thực hiện dự án bất động sản trên lô đất vàng của thép Gia Sàng.

Tháng 10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức cho phép Thái Hưng chuyển mục đích sử dụng gần 21,4 ha đất của Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng Khu đô thị mới Thái Hưng Eco City, sau đó có tên thương mại là Crown Villas.

‘Cuộc chơi’ Thái Hưng tại loạt doanh nghiệp niêm yết- Ảnh 2.

Dự án Crown Villas tại vị trí "vàng" trên đường Cách Mạng Tháng 8.

Cũng trong khoảng thời gian này, Thái Hưng còn được giao làm chủ đầu tư dự án đường Thanh Niên Xung Phong theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 144 tỷ đồng. Đổi lại, công ty này sẽ được giao thực hiện dự án khu dân cư số 10 phường Gia Sàng có tổng diện tích 21,9ha.

Ngoài ra, Công ty Thái Hưng còn được giao dự án khách sạn, trung tâm tổ chức sự kiện Việt Bắc Sunrise; dự án chợ Gia Sàng.

Những dự án trên của Công ty Thái Hưng đều nằm trên lô đất gần 200ha trước đây từng được giao làm dự án Thái Hưng Eco City. Doanh nghiệp của gia đình bà Nguyễn Thị Cải dường như muốn "hồi sinh" dự án bị dang dở trước đây bằng những mảnh ghép nhỏ lẻ.

Ngoài ra, Thái Hưng còn từng cùng Công ty CP Phát hành Sách Thái Nguyên (MCK: STH, UpCOM) góp vốn kinh doanh để xây dựng, vận hành và khai thác dự án công trình: "Trường mầm non quốc tế IRIS và trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông IRIS".

Tuy nhiên, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên số 01/2022/STH/NQ-ĐHĐCĐ ngày 16/6/2022 của Sách Thái Nguyên và Biên bản thỏa thuận số 2606/BBTT.2022/TH-STJ ngày 26/6/2022 với Công ty Thái Hưng đã thông qua phương án dự kiến thu hồi vốn đầu tư tại dự án trên.

Ngày 1/1/2023, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về việc sử dụng phần vốn chưa thu hồi (135,4 tỷ đồng) như sau: Đầu tư và thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng Dự án công trình tổ hợp tài chính, thương mại dịch vụ và khách sạn Thái Hưng (Thái Hưng Complex Tower) tại số 65, tổ 2 đường Hoàng Văn Thụ, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên.

Ngoài ra, Thái Hưng cũng không ngừng mở rộng quỹ đất thông qua các doanh nghiệp thành viên như: CTCP Lâm sản Thái Nguyên - chủ đầu tư dự án HTD City Thái Nguyên; CTCP Đầu tư Minh Đức Group - Chủ đầu tư cụm công nghiệp Hà Châu 2;...

"Bóng" Thái Hưng tại loạt công ty niêm yết

Không chỉ là "tay chơi" ngành thép và bất động sản, Thái Hưng liên tục thực hiện các thương vụ M&A với các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực.

Theo tìm hiểu, Công ty của gia đình vợ chồng doanh nhân Nguyễn Quốc Thái- Phạm Thị Cải đang là cổ đông lớn ở Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco, MCK: TIS). Theo Báo cáo quản trị năm 2023 của Tisco, tính đến ngày 31/12/2023, Thái Hưng nắm giữ 36,8 triệu cổ phiếu TIS, tương ứng 20% vốn.

Hiện, ông Lê Hồng Khuê (con rể bà Nguyễn Thị Cải) và ông Lê Thành Thực- hai cá nhân được Thái Hưng ủy quyền đang là thành viên HĐQT của Tisco.

Sách Thái Nguyên cũng là doanh nghiệp nằm trong "hệ sinh thái" của Thái Hưng.

‘Cuộc chơi’ Thái Hưng tại loạt doanh nghiệp niêm yết- Ảnh 3.

Cơ cấu cổ đông của STH. Nguồn: BCTC 2023 đã kiểm toán của STH

Tính đến cuối năm 2023, Thái Hưng trực tiếp sở hữu 18,64% vốn tại STH. Hai người con gái của ông Nguyễn Quốc Thái là Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Thị Quy lần lượt sở hữu 11,05% và 13,44% vốn STH và bà Bạch Phương Vinh (con dâu ông Thái) nắm 11,05%.

Hiện, ông Nguyễn Quốc Thái là Chủ tịch HĐQT của STH, bà Nguyễn Thị Quy giữ chức Tổng Giám đốc.

Mặc dù là doanh nghiệp kinh doanh sách, lợi nhuận không cao song STH có lợi thế sở hữu nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó có thể kể đến khu đất số 65 Hoàng Văn Thụ (TP.Thái Nguyên)- Dự án Thái Hưng Complex Tower đã nói ở trên.

Tháng 5/2024, Thái Hưng mua vào gần 1,9 triệu cổ phiếu BCA của Công ty CP B.C.H; nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,83% và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa BCA và Thái Hưng không phải mới bắt đầu từ đây. Tháng 12/2023, CTCP B.C.H đã mua lại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang (TQIS) từ nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, người được BCA ủy quyền nắm giữ 100% vốn (hơn 2.167 tỷ đồng) tại TQIS chính là ông Nguyễn Duy Luân - Phó Tổng Giám đốc Thái Hưng.

‘Cuộc chơi’ Thái Hưng tại loạt doanh nghiệp niêm yết- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Duy Luân được BCA ủy quyền nắm giữ 100% vốn tại TQIS.

Không chỉ đứng tên tại một số doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Thái Hưng, ông Luân từng là Chủ tịch HĐQT BCA, đến tháng 6/2022, vị trí này được chuyển sang cho ông Phạm Bá Phú. Giống như ông Phạm Duy Luân, ông Phú cùng 2 nhân sự cấp cao khác của BCA là Tổng Giám đốc Đặng Ngọc Hưng và thành viên HĐQT Nguyễn Tống Thắng đều có liên quan với Thái Hưng.

Nhờ những mối quan hệ mật thiết này, mấy năm trở lại đây, BCA phát sinh nhiều giao dịch lên tới hàng trăm tỷ đồng với Thái Hưng cũng như một số công ty liên quan, trong đó có CTCP Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu (MCK: DHM).

Trụ sở của Dương Hiếu tại tầng 2, tòa nhà 65 Hoàng Văn Thụ (Thái Nguyên)- tài sản thuộc sở hữu của Sách Thái Nguyên. Theo BCTC đã kiểm toán năm 2023 của Sách Thái Nguyên, STH đang nắm giữ hơn 1,5 triệu cổ phiếu DHM của Dương Hiếu với giá gốc hơn 13 tỷ đồng, dự phòng gần 1,4 tỷ đồng.

BCTC năm 2023 đã kiểm toán của BCA thể hiện, tính đến ngày 31/12/2023, doanh nghiệp này nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị gần 9,8 tỷ đồng của Dương Hiếu.

Cũng theo báo cáo này, BCA có khoản phải thu hơn 443 tỷ đồng đối với Công ty CP đầu tư Le Mont. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 7/2020, trụ sở tại Khu đô thị Crown Villas (Đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên) - Dự án do Thái Hưng làm chủ đầu tư.

Tính đến tháng 9/2023, vốn điều lệ của Le Mont là 350 tỷ đồng; Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Lê Thị Hồng Hạnh (SN 1993).

Bà Lê Thị Hồng Hạnh còn được biết đến là cổ đông sáng lập của Công ty CP Giáo dục và Đào tạo Eco Valley Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng có trụ sở tại Khu đô thị Crown Villas.

Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của Eco Valley Việt Nam là 65 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Vinh (Tổng Giám đốc Thái Hưng) nắm giữ tới 75% vốn; 25% vốn còn lại thuộc về bà Lê Thị Hồng Hạnh (10%) và ông Hoàng Quốc Bình (15%).

Theo Bạch Hiền

An ninh tiền tệ

Từ Khóa:
Trở lên trên