Cuộc đổ bộ của các ‘ông lớn’ vào đại ngàn Tây Nguyên
Đắk Lắk hiện đang được xem là điểm dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư trong nước, khi chỉ trong thời gian rất ngắn đã có hàng loạt "ông lớn" đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng vào mảnh đất này.
Thời gian gần đây, nối gót các "ông lớn" như Tập đoàn T&T, Tân Thành Đô, Tân Á Đại Thành…, rất nhiều nhà đầu tư khác cũng đã đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đắk Lắk - Trung tâm của đại ngàn Tây Nguyên.
Điển hình, vào chiều 12/3, thông qua sự kết nối của Viện Kinh tế xanh và Liên minh HTX Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có buổi tiếp và làm việc với các nhà đầu tư của Tập đoàn Tân Thành Holdings để nghe đề xuất triển khai một số dự án trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, đại diện các nhà đầu tư đã đề xuất 4 dự án mong muốn đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk gồm: Chuỗi các dự án dược liệu, bất động sản sinh thái, dự án điện mặt trời và đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cụ thể: CTCP Đầu tư Tân Thành Holdings đã đề xuất đầu tư xây dựng dự án "Chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên - Mô hình điểm tại Đắk Lắk". Dự án có quy mô hơn 1.000ha, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.000 tỷ đồng, đây sẽ là chuỗi sản xuất dược liệu khép kín đầu tiên tại Việt Nam đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi chính thức được đưa vào vận hành, dự án không chỉ đóng góp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách địa phương, củng cố sự phát triển kinh tế của tỉnh, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành dược, tạo hơn 2.000 việc làm cho người dân bản địa.
CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành đề xuất đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven hồ đã tiến hành khảo sát, lập đề án và đề xuất được đầu tư xây dựng, phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng ven hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Knốp…, với tham vọng sẽ biến nơi đây trở thành những khu nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ nổi tiếng.
CTCP Năng Lượng Xanh Tân Thành đề xuất làm Dự án điện mặt trời Ea Súp bao gồm 16 nhà máy, với tổng công suất lắp đặt lên đến 2.600 MWP. Trong đó có 12 nhà máy đạt công suất 150 MWP và 4 nhà máy đạt công suất 200 MWP. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 46.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ cung cấp khoảng 4,4 triệu MWH/năm, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu phát thải khí CO2, tạo ra nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Thuận Việt Holdings, Tổng CTCP Công trình Giao thông 6 (CIENCO 6) và CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành đã xuất hợp tác đầu tư dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Khi tuyến cao tốc này hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Nha Trang đến Đắk Lắk xuống chỉ còn chưa tới 2h.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết, doanh nghiệp khi phát triển những dự án này không chỉ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển bền vững mà tỉnh đang hướng tới.
Bí thư Bùi Văn Cường đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư triển khai đúng theo trình tự và quy trình. Tỉnh đồng ý và thống nhất để các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án như đề xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo tiến độ thực hiện với lãnh đạo tỉnh.
Đề nghị sau khi có Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, các nhà đầu tư sớm báo cáo lộ trình triển khai cụ thể từng dự án để chỉ đạo thực hiện. "Tỉnh Đắk Lắk sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất về hạ tầng, huy động hệ thống chính trị cùng phối hợp triển khai dự án; đặc biệt đối với dự án dược liệu, tỉnh sẽ nghiên cứu phương án liên kết với người dân, bao tiêu giống, sản phẩm mang lại giá trị cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn nông thôn", ông Cường nói.
Trước đó, ngày 11/3, Tỉnh ủy Đắk Lắk có buổi làm việc với Tập đoàn FLC. Tại đây, FLC đã đề cập nhiều đến các dự án như: Tổ hợp du lịch sinh thái vui chơi giải trí và sân golf hồ Ea Nhái (huyện Cư M’gar); Khu đô thị sinh thái hồ Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột); Khu đô thị mới Tây Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột); Khu đô thị mới đường Đông Tây; Khu đô thị phía Nam đường Đông Tây và Khu đô thị phía Bắc đường Đông Tây.
Trước đó nữa, ngày 12/1, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã làm việc với Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Tại đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã báo cáo phương án quy hoạch tổ hợp Dự án khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, nhà ở thương mại tại khu đất Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk (vị trí cũ). Dự án có diện tích hơn 42.000m2, với tổng mức đầu tư từ 4.500 đến 5.000 tỷ đồng. Dự án gồm khu căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao...
Trong khi đó, Tập đoàn Tân Á Đại Thành dự kiến đầu tư xây dựng khu đô thị Meyhomes tại xã Ea Đar (huyện Ea Kar) trên diện tích 150ha. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này có nghiên cứu đầu tư 2 dự án khu dân cư thương mại tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) với diện tích hơn 20ha, vốn đầu tư hoảng 1.000 tỷ đồng.
Tập đoàn T&T của "bầu" Hiển dự kiến sẽ xây dựng 5 "siêu dự án" tại TP. Buôn Ma Thuột gồm: Khu đô thị thương mại dịch vụ Ea Tam (51,6ha); Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu thương mại và nhà ở thương mại (42ha); Dự án khu biệt thự Ea Kao (46,1ha); Khu sân Golf hồ Ea KaoKao (76,7ha) và Trung tâm văn hoá tỉnh Đắk Lắk.
Nhà đầu tư