Cuộc đối thoại của các bác sĩ "phát lộ" sự thật về nhân sâm, tổ yến, gạo lứt
Bệnh nhân ở Việt Nam rất thiếu thông tin vì thời gian BS không nhiều, giải thích về tác dụng phụ khi điều trị ung thư không được cặn kẽ. Đó là mảnh đất màu mỡ cho TPCN phát triển.
- 02-12-20174 nhóm nghề nghiệp có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất, hãy cảnh giác để phòng tránh sớm
- 01-12-201710 cách dễ dàng để bạn nói KHÔNG với 'vị khách tử thần' mang tên ung thư
- 29-11-2017Trả lời 6 câu hỏi sau để chẩn đoán xem bạn có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng không?
LTS: Lần đầu tiên, nhiều bác sĩ và bệnh nhân người Việt ở nhiều nơi trên thế giới đã ngồi lại trong một buổi trao đổi trực tuyến (webinar) "Vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị ung thư", diễn ra cuối tháng 10/2017 do tổ chức VietMD và Tổ chức Y học cộng đồng thực hiện.
Sau 3 bài viết đã đăng tải như link bên trên, dưới đây chúng tôi xin trích dẫn lời thảo luận của các bác sĩ về nhiều vấn đề trong điều trị cho bệnh nhân ung thư - đặc biệt trong đó là về vai trò thực sự của nhân sâm , tổ yến, gạo lứt.
BS Đặng Tài Vóc (chuyên khoa ung thư tại Hà Nội): Từ khi tôi chuyên về ung thư đến giờ khoảng 4 năm, tiếp xúc với hàng ngàn bệnh nhân, nhưng hầu hết bệnh nhân đều hỏi BS: "Tôi hóa trị thì có tác dụng phụ, hóa trị là đưa chất độc vào người thì tôi có cần thuốc gì giải độc không?"
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân Việt Nam sử dụng rất nhiều TPCN và thuốc đông y, vì họ cứ nghĩ hóa trị là đưa chất độc vào người và cần thuốc giải độc.
BS Đặng Tài Vóc (chuyên khoa ung thư tại Hà Nội)
Thật ra một số thuốc hóa trị có thể làm bệnh nhân mệt mỏi chán ăn vài ngày sau đó nhưng khi cơ thể đào thải chuyển hóa hết thì bệnh nhân sẽ tự hồi phục. Người ta uống kèm thực phẩm chức năng, cho rằng khỏe lên là nhờ thực phẩm chức năng "giải độc" nhưng thật sự thì thường không phải như vậy.
Một điều nữa là bệnh nhân Việt Nam rất thiếu thông tin, đặc biệt ở các BV công, vì thời gian BS tiếp xúc với bệnh nhân không được nhiều nên giải thích về tác dụng phụ không cặn kẽ. Bệnh nhân về nhà gặp các tác dụng phụ trong quá trình điều trị thì không biết giải quyết thế nào do vậy thường tìm đọc các thông tin trên mạng.
Ở Việt Nam, trên mạng gần như không có các thông tin từ các hiệp hội y khoa chính thống. Nếu các anh chị search về ung thư thì kết quả tìm kiếm gần như 90% liên quan đến quảng cáo về TPCN.
Khi bệnh nhân không được tư vấn chi tiết về bệnh thì đó là mảnh đất màu mỡ cho TPCN. Chính vì thế, việc thiết lập và phổ biến những website cung cấp các thông tin xác thực và bổ ích, biên soạn theo các tài liệu dành cho bệnh nhân của các hiệp hội lớn trên thế giới như ASCO (cái này Dự án Y học cộng đồng ( yhoccongdong.com ) đang thực hiện) là rất cần thiết.
Những nguồn thông tin này sẽ giúp bệnh nhân tự chăm sóc tốt hơn, bằng các cách thiết thực khác mà không phụ thuộc vào các nơi bán TPCN.
Bên Úc quảng cáo TPCN cũng "kinh khủng lắm"!
BS QP Hồ (BS chuyên khoa Sản phụ khoa và hiếm muộn tại Úc): Tôi trị cũng nhiều bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân ở Úc ung thư nhiều lắm.
Bên Úc Nhà nước bảo trợ toàn bộ chi phí chữa bệnh, dù lên cả trăm ngàn AUD/năm, bệnh nhân ung thư chữa hoàn toàn miễn phí, nhưng điều đáng buồn là rất nhiều bệnh nhân ung thư ở đây nghĩ là trị không được nên họ về VN trị, trị thuốc tây thuốc nam, đủ thứ hết.
Như anh Phạm Trường Giang nói ( đọc bài của BS Phạm Trường Giang ), tâm lý bệnh nhân là khi bị ung thư thì bất lực thất vọng rồi, có cái gì thì bám víu cái đó. Do vậy tôi chỉ khuyên là cũng có thể sử dụng TPCN, vì nghiên cứu y khoa cũng còn mù mờ... nhưng điều trị chính thống ở đây (Úc) được thì nên ở Úc để điều trị.
Ở Úc quảng cáo kinh khủng lắm, Fucoidan quảng cáo một trang năm bảy ngàn AUD, nhưng nhan nhản tờ báo nào cũng thấy quảng cáo, nghĩa là họ bán được thì mới quảng cáo được, ảnh hưởng cộng đồng kinh khủng.
Có báo quảng cáo ung thư gan điều trị bằng Fucoidan hay linh chi, rõ ràng là không đúng nhưng người ta vẫn chạy theo mua, mà là người có học tin tưởng vậy chứ không phải là người thất họng.
Gia đình tôi toàn làm trong ngành y khoa và nha khoa, nhưng có lần ba tôi về mặt bầm tím hết, mắt cũng sưng vù lên. Hỏi tại sao, ba tôi nói có nhóm bên VN qua bấm huyệt để khỏi bị cao máu (cao huyết áp), ông thầy trị hay lắm con, ổng từ VN qua mà người ta xếp hàng đầy, ổng trị bấm mắt ba mà bữa nay huyết áp ba xuống rồi. Tôi nói tại bấm ba chảy máu hết rồi còn đâu máu mà cao.
Thêm một cái buồn nữa là khi em gái tôi mất ở VN ở BV Ung bướu, ba tôi chạy xuống cầu cứu thuốc núi Sam, thuốc bảy thất tám thất gì đó ở Châu Đốc, An Giang được đồn đại là có năng lực siêu nhiên, chỉ có ở trong rừng núi Thất Sơn, trong khi mình gửi thuốc về thì không xài. Khổ vậy đó!
Điều này nó nằm sâu trong tâm khảm người VN là cái gì linh thiêng lạ lùng thì mới tốt, giống như hồi xưa đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung phải trèo lên núi kiếm linh chi ngàn năm mới chịu.
BS Phạm Nguyên Quý (chuyên khoa Nội tổng quát và ung thư tại Kyoto, Nhật Bản): Không hiểu vì sao người có học, nữ giới, sau khi tốt nghiệp đại học lại có xu hướng sử dụng TPCN nhiều hơn.
Bên Nhật thì không nhưng vào vài group hỗ trợ người bệnh ở VN thì thế nào cũng có vài người vào quăng quảng cáo kiểu "cái này xài rất tốt". Người bệnh hỗ trợ cho nhau là rất đáng quý nhưng phải cẩn thận với việc xài TPCN như vậy.
Fucoidan ở Mỹ chỉ được coi là thành phần bổ sung, về VN là TPCN, bán ào ào!
BS Phạm Nguyên Quý (chuyên khoa Nội tổng quát và ung thư tại Kyoto, Nhật Bản): Nhóm Ruybangtim.com ( http://ruybangtim.com/ ), tổ chức phi lợi nhuận của cac nhà khoa học, các bác sĩ, dược sĩ... cung cấp kiến thức phòng và điều trị ung thư ở Việt Nam cũng có những bài chia sẻ về điều này.
BS Phạm Nguyên Quý
Thành phần bổ sung là những sản phẩm chứa vitamin, khoáng chất, acid amin, chất béo.. để bổ sung thêm chất dinh dưỡng . Chúng có thể là những chất dinh dưỡng, chất cô đặc lại để bổ sung cho những bệnh nhân ăn uống không đủ chất.
Còn TPCN là những thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn thực phẩm truyền thống, thường được chia ra là sản phẩm bổ sung, sản phẩm giàu chất dinh dưỡng hoặc sản phẩm đã loại bỏ những thành phần có hại, ví dụ sữa được làm cho bớt béo đi cũng được xếp vào TPCN.
Việc phân định hai loại này thường rất nghiêm khắc ở nước ngoài nhưng ở VN rất lỏng lẻo.
Fucoidan ở Mỹ chỉ được coi là thành phần bổ sung nhưng đem về VN thì lại được xem là TPCN và bán ào ào và không ai kiểm soát chuyện đó hết.
Hiện không có TPCN nào ngăn ngừa ung thư tái phát cả. Tuy nhiên nếu việc sử dụng TPCN khiến bệnh nhân ổn định tinh thần hơn hoặc kỳ vọng nó sẽ mang lại mục đích tốt hơn, thoải mái hơn thì vẫn có thể dùng thử.
Nhưng sau một thời gian dùng thì nên đánh giá lại, ví dụ có bị dị ứng không, và nên trao đổi với BS để xem thực sự có cần dùng nó không. Nếu thực sự cần thì sau khi bỏ cơ thể sẽ có phản ứng, còn nếu bỏ mà không có việc gì tức là không cần nó nữa.
Tại VN làm cách nào để lựa chọn TPCN tốt và phù hợp?
BS Phạm Nguyên Quý (chuyên khoa Nội tổng quát và ung thư tại Kyoto, Nhật Bản): Trong hơn mười mấy năm sống ở Nhật, hơn một nửa thời gian đầu lúc nào về VN tôi cũng được nhờ mua TPCN hết thành ra cũng có một ít kinh nghiệm.
Bên này rất nhiều sản phẩm dưới nhiều dạng khác nhau. Hỏi một số dược sĩ bên này thì họ cũng thực sự không biết cái nào tốt hơn cái nào (vì không ai kiểm soát), nhưng họ khuyên nên kiểm tra đơn vị sản xuất.
Các hãng dược lớn thì thường thường làm đúng thành phần liều lượng theo nhãn mác hơn. Nhưng vừa rồi tôi đọc một số cơ sở sản xuất của Việt Nam cũng tự sản xuất TPCN nhưng ghi Made in Japan và còn ghi là hàng xách tay từ Nhật về. Mọi người nên cẩn thận với những thông tin đó.
BS Minh Đỗ (chuyên khoa Nội tổng quát và Lão khoa tại Dallas, Hoa Kỳ): Bản thân người bệnh nên biết cách chăm sóc và giữ ổn định tâm lý cũng như tinh thần cho mình. Có một nghiên cứu đăng trên NEJM năm 2010 (Vol 363:733-42), cũng lâu rồi nhưng khi tôi đi dự một số hội nghị về lão khoa vẫn hay nghe nhắc lại.
Đó là so sánh giữa chăm sóc giảm nhẹ ở một số bệnh nhân ung thư thông thường so với điều trị truyền thống thì hóa ra bệnh nhân giai đoạn cuối nhưng được chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ tinh thần thì lại sống lâu hơn những người được điều trị chính quy. Điều này cho thấy vai trò của việc chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân rất quan trọng.
BS Minh Đỗ
Tại VN, bệnh nhân còn sử dụng nhân sâm và tổ yến trong lúc điều trị ung thư và sau khi điều trị. Ở Nhật và các nước khác có như vậy hay không?
BS Phạm Nguyên Quý: Ở Nhật, bệnh nhân không được miễn phí hoàn toàn chi phí chữa ung thư như ở Úc hay Canada nhưng hầu hết bệnh nhân đều có bảo hiểm và họ tin BS cũng như thường sử dụng thuốc được bảo hiểm chi trả.
Về phía BS, gần đây không còn ai khuyên bệnh nhân phải sử dụng thực phẩm bổ trợ hay TPCN như vậy nữa, vì thứ nhất là mắc tiền, thứ hai là không rõ hiệu quả, thứ ba là có thể có tác dụng phụ hoặc ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Lý do lớn nhất là về chi phí vì thường các loại đó rất mắc tiền mà bệnh nhân thì đã nghèo vì chi phí cao trong quá trình điều trị rồi.
Yến thì ở Nhật rất ít người dùng. Nhân sâm thì giờ người ta hay nhập từ Hàn Quốc, giá khoảng 100 USD/hộp, rất mắc tiền và hầu như cũng không ai sử dụng hết.
BS Đặng Tài Vóc (chuyên khoa ung thư tại Hà Nội): Tôi chưa có nghiên cứu nào về việc này. Nhưng một số bệnh nhân của tôi dùng nhân sâm với yến khi điều trị ung thư, cảm thấy đó như là một biện pháp nâng đỡ tâm lý. Nếu có điều kiện để dùng thì họ thấy thoải mái hơn là không dùng.
Bệnh nhân dùng hồng sâm có khỏe hơn, nhưng vẫn chết!
BS Nguyễn Tường Vũ: Tôi đã từng gặp bệnh nhân ở là giảng viên một Đại học nổi tiếng ở Hàn Quốc và nghiên cứu về hồng sâm. Họ chế ra một loại thuốc bán ở Việt Nam khoảng 6 triệu-7 triệu đồng/hộp uống trong vòng một tháng.
Có một bệnh nhân bị ung thư phổi di căn não, người con là một kiến trúc sư mang loại sâm này vào hỏi tôi xem có dùng được không. Tôi không thực sự để ý chuyện này nên rất bất ngờ, nhưng sau tìm hiểu thì thấy nhiều báo chí cũng nói về chuyện này. Tôi bèn nói thôi thì cứ xài đi, xài mà thấy thoải mái là được.
Bệnh nhân xài trong vòng hai hộp thấy rất khỏe, đi lại ăn uống được, tuy nhiên rồi bệnh nhân cũng chết vì tràn dịch màng phổi.
BS Nguyễn Tường Vũ.
Sau đó tôi có tìm hiểu sâu hơn và may mắn được gặp tác giả của nghiên cứu này. Họ cho biết họ đã nghiên cứu rất lâu và có các cơ sở khoa học, họ cũng nói theo các tài liệu được đăng trên các nguồn chính thống thì hồng sâm này chỉ có tác dụng tăng hệ thống miễn dịch và kìm hãm tế bào ung thư thôi chứ không có giá trị gì trong điều trị ung thư.
Gần đây cũng có một bài báo đăng trên New York Science nói rằng nếu tâm lý ổn định thì cơ thể tự tạo ra những tế bào có thể kìm hãm tế bào ung thư. Như BS Phạm Trường Giang rất chăm thể thao và có tinh thần tốt. Như vậy đúng là bệnh nhân cần thông minh hơn để xác định điều gì là tốt cho mình.
BS Phạm Nguyên Quý (chuyên khoa Nội tổng quát và ung thư tại Kyoto, Nhật Bản): Tôi xin bổ sung ý của BS Nguyễn Tường Vũ: kết quả nghiên cứu về nhân sâm lúc nãy anh Vũ nói mới chỉ là nghiên cứu trên tế bào, tức là giai đoạn tiền lâm sàng chứ chưa phải giai đoạn lâm sàng.
Thành ra nói "tác dụng kim hãm tế bào ung thư hay kích thích tế bào… tăng cường miễn dịch" là chưa được kiểm chứng trên người.
Tôi cũng vừa kiểm tra lại thì thấy một số tài liệu khoa học có thông tin này: Nhân sâm có thể làm tăng hoạt động của một số enzyme CYP3A4 liên quan tới chuyển hóa thuốc trong gan và nên tránh dùng kèm với các thuốc được chuyển hóa bởi enzyme này.
Nói chung là nên trao đổi với BS về khả năng tương tác thuốc, mặc dù nếu bệnh nhân hỏi thế thì tôi cũng chẳng trả lời được ngay mà phải hẹn sang buổi khác để tôi về đọc thêm tài liệu.
Thật ra, tài liệu về tương tác thuốc thì nói vậy thôi chứ thực sự bệnh nhân uống hai loại cùng lúc có những tương tác/tác dụng gì cũng chẳng có ai nói được chắc chắn.
Quan trọng nhất là theo dõi các hiệu quả và tác dụng phụ có thể xảy ra và làm sao cho bệnh nhân được thoải mái nhất về mặt tâm lý, chứ nếu để bệnh nhân nghĩ ông BS này ổng không cho tôi dùng thứ gì hết rồi lại căng thẳng thì lại không tốt.
Về câu hỏi gạo lức muối mè, vì nó liên quan đến thực dưỡng Ohsawa nên tôi xin để một buổi khác. Nhưng xin trả lời ngắn gọn là hiện giờ ở Nhật không ai dùng phương pháp này nữa và bản thân Ohsawa là ai thì cũng không ai biết nữa.
Cái website duy nhất ghi là đệ tử chân truyền của Ohsawa nhưng chỉ có mấy ngàn views (lượt xem) thôi. Thành ra tôi cũng không đề cập nhiều về việc này với bệnh nhân.
BS Đặng Tài Vóc (chuyên khoa ung thư tại Hà Nội): Như tôi có nói ở phần đầu, nhiều bệnh nhân ở VN dù rất nghèo nhưng khi điều trị ung thư đều hỏi tôi bệnh nặng thế này thì tôi phải dùng hóa chất, mà hóa chất là thuốc độc, vậy tôi có phải dùng chất thải độc hay không.
Bệnh nhân hiểu nhầm vai trò của hóa chất cũng như chuyển hóa của hóa chất trong cơ thể, đó gần như là lỗi của BS vì BS không tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân. Có những hóa chất khi truyền thì một hai ngày thì bệnh nhân rất mệt, đến ngày thứ ba, thứ tư khi hóa chất đào thải ra ngoài cơ thể rồi thì bệnh nhân không còn mệt nữa, chứ đó không phải là tác dụng của TPCN.
Thứ hai, tôi theo dõi rất nhiều bệnh nhân ở VN thì thấy họ dùng rất nhiều thuốc nam thuốc bắc song song với quá trình điều trị, trong đó nguồn gốc thuốc không đảm bảo. Bây giờ họ trộn rất nhiều hóa chất bảo quản, trộn cả chì với thủy ngân nữa.
Rất nhiều bệnh nhân sử dụng song song thuốc nam thuốc bắc trong quá trình điều trị và sau một hai chu kỳ thì men gan tăng vọt khiến quá trình điều trị gặp gián đoạn. Hoặc có bệnh nhân khi đến gặp BS thì chức năng thận đã suy, thậm chí có những tổn thương không hồi phục được, bệnh nhân mất hẳn cơ hội điều trị.
BS Phạm Nguyên Quý: Về vai trò của tâm lý với bệnh nhân ung thư, đã có vài nghiên cứu cho thấy việc bệnh nhân cảm thấy thoải mái, không lo lắng sẽ tạo ảnh hưởng rất tốt đến sức khỏe bệnh nhân.
Nghiên cứu trên vài chục ngàn bệnh nhân ở Nhật thì thấy đúng là những người có vấn đề về tâm lý thì hiệu quả điều trị cũng không cao. Bản thân tôi cũng thấy nếu bệnh nhân tin tưởng vào BS và có quan hệ tốt với nhóm điều trị thì có tác dụng rất tốt đến kết quả điều trị.
Về câu hỏi TPCN có thể ngăn ngừa ung thư xảy ra hoặc tái phát hay không, câu trả lời chung nhất là hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy điều đó. Vì nếu chứng minh được thì nó chắc chắn đã trở thành một loại thuốc, được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông và có khi còn được bảo hiểm chi trả nữa.
Ví dụ, tôi có đọc về việc dùng curcumin trong nghệ để ngăn ngừa sự tiến triển thành ung thư hoặc giảm số lượng polyp trong đại tràng. Nghiên cứu trên độ trăm bệnh nhân thì thấy nhóm có sử dụng curcumin và nhóm không dùng curcumin kết quả cũng chẳng khác gì nhau cả. Vấn đề phòng ngừa ung thư vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ mà chưa có ai trả lời được.
Nội dung bài viết được rút từ buổi trao đổi trực tuyến (webinar) "Vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị ung thư" diễn ra hồi cuối tháng 10/2017 do tổ chức VietMD và Tổ chức Y học cộng đồng thực hiện với các bác sĩ (BS) và bệnh nhân (BN) ở khắp nơi trên thế giới.
Người điều phối chương trình là BS Wynn Huynh Tran (chuyên khoa cơ xương khớp và da liễu tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ), BS Minh Đỗ (chuyên khoa Nội tổng quát-phòng khám Lão khoa tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ), BS Nguyễn Đình Vân (từng công tác trong ngành gây mê hồi sức tại Việt Nam, hiện đang là điều dưỡng tại Ottawa, Canada).
Khách mời là các bác sĩ:
- BS.TS Phạm Nguyên Quý, chuyên khoa Nội tổng quát và ung thư tại Kyoto, Nhật Bản. BS Quý cũng là người sáng lập và điều hành dự án Y học cộng đồng chuyên cung cấp các thông tin hữu ích về sức khỏe cho bệnh nhân và người thân.
- BS Đặng Tài Vóc, chuyên khoa ung thư tại Hà Nội. BS Vóc đã hoàn thành chương trình nội trú về ung thư tại BV Bạch Mai. Anh có nhiều bài viết chia sẻ trên các tạp chí chuyên ngành, đã giành được giải thưởng và là hội viên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ và Hội nội khoa châu Âu.
- Các bác sĩ Phạm Trường Giang (bị 4 loại ung thư từ năm 2003), bác sĩ QP Hồ…
*Còn tiếp…
Trí thức trẻ